Quan chức các nước trong và ngoài OPEC họp bàn về dầu mỏ tại Vienna
Quan chức các nước trong và ngoài OPEC họp bàn về dầu mỏ tại Vienna. Ảnh minh họa: EPA
Các đại diện cấp cao của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và sáu quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn khác - gồm Azerbaijan, Brazil, Kazakhstan, Mexico, Oman và Nga - ngày 29/10 đã kết thúc các cuộc bàn luận trong khuôn khổ cuộc họp đa phương một cách “hiệu quả và có tính xây dựng”.
Biên bản cuộc họp tại Vienna (Áo) lưu ý rằng mặc dù thỏa thuận nhằm cắt giảm sản lượng mà OPEC thống nhất hồi tháng trước đã có những tác động tích cực đến giá dầu song vẫn chưa thể đưa giá mặt hàng này lên mức giá 50 USD/thùng, mức chưa bằng một nửa giá của ba năm trước.
Cùng với đó, các quan chức tham gia cuộc họp cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng “cung vượt cầu dai dẳng” trên thị trường năng lượng và cho biết họ không kỳ vọng cuộc họp sẽ tạo ra một kết quả đột phá. Cuộc gặp mặt trên, được tổ chức trước thềm cuộc nhóm họp của các bộ trưởng dầu mỏ trong khối OPEC dự kiến diễn ra vào ngày 30/11, nhằm tìm ra một hướng đi giúp chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung và ngăn chặn sự lao dốc của giá dầu.
Để vực dậy giá "vàng đen", các nước thành viên có thể sẽ phải chấp nhận cắt giảm số dầu mỏ bán ra thị trường - điều mà bấy lâu nay họ vẫn luôn né tránh. Một giả thuyết khác được đưa ra đó chính là để Saudi Arabia , vị "ông lớn" của OPEC và đang cung cấp đến gần 1/3 trong tổng sản lượng dầu lên đến 33 triệu thùng/ngày của khối, trở thành quốc gia duy nhất phải hạn chế nguồn cung vào thị trường năng lượng.
Tuy nhiên, để đạt được điều này không phải dễ dàng vì lâu nay Riyadh luôn chú trọng vào chính sách chỉ “thêm” chứ không “bớt” để cạnh tranh với sản phẩm dầu khí đá phiến của Mỹ. Sau cuộc họp định kỳ vào tháng trước, 14 quốc gia thành viên OPEC đã nhất trí sẽ hạn chế sản lượng dầu mỏ ở mức 32,5-33 triệu thùng/ngày, tương đương với mức giảm gần 1 triệu thùng/ngày.
Trước đó, đến tham dự cuộc họp tại Vienna, các quan chức dầu mỏ của Nga đã khẳng định Moskva sẵn sàng “đóng băng” sản lượng dầu của mình nếu OPEC đồng ý làm điều tương tự.