PV Oil: Doanh thu quí III 21.000 tỉ đồng, lãi sau thuế vỏn vẹn 25 tỉ đồng
Trong quí III/2019, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV Oil - Mã: OIL) ghi nhận doanh thu thuần đạt 20.824 tỉ đồng và lợi nhuận gộp 594,3 tỉ đồng; tương đương biên lợi nhuận gộp ở mức 2,85%.
Do kì kế toán quí III/2018 chỉ bao gồm tháng 8 và tháng 9/2018 do PV Oil chuyển đổi hình thức từ Công ty TNHH Một thành viên sang Công ty Cổ phần kể từ ngày 1/8/2018, theo đó không thể so sánh được các chỉ tiêu tài chính quí III năm nay so với cùng kì năm trước.
Trở lại báo cáo tài chính quí III/2019, PV Oil ghi nhận doanh thu tài chính đạt 96,7 tỉ đồng; chi phí tài chính 53,9 tỉ đồng, trong đó gần 47 tỉ đồng là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp lần lượt ở mức 393,5 tỉ đồng và 221 tỉ đồng.
Ngoài ra, PV OIl ghi nhận lợi nhuận khác ở mức 15,4 tỉ đồng trong khi phải chịu lỗ 3,3 tỉ đồng từ các công ty liên doanh liên kết, theo đó, công ty ghi nhận lãi trước thuế đạt 34,7 tỉ đồng và lãi sau thuế đạt 24,8 tỉ đồng.
PV Oil cho biết, từ tháng 7 tới tháng 9 năm nay, giá dầu thế giới biến động bất lợi cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh trong quí III/2019 của công ty.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của công ty đạt 59.427 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 350,6 tỉ đồng và 295,8 tỉ đồng.
Năm 2019, PV Oil đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu 49.000 tỉ đồng doanh thu và 352 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm công ty đã hoàn thành vượt mức 21,3% mục tiêu doanh thu và thực hiện được 84% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
PV Oil hiện có hệ thống phân phối xăng dầu tại tỉnh thành trên cả nước với trên 3.500 cửa hàng xăng dầu, trong đó có trên 550 cửa hàng trực tiếp quản lí vận hành và khoảng 3.000 của hàng đại lí/nhượng quyền thương mại. Ngoài ra, PV Oil cũng kinh doanh phân phối xăng dầu tại 16/18 tỉnh, thành phố với 122 cửa hàng tại Lào.
Tính đến hết quí III/2019, tổng tài sản của PV Oil ở mức 27.483 tỉ đồng, tăng 11,4% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho tăng mạnh từ 1.607 tỉ đồng lên 2.691 tỉ đồng, trong khi đó dự phòng giảm giá hàng tồn kho giảm từ 94,4 tỉ đồng xuống còn 9,5 tỉ đồng.
Cùng với đó, các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 20,9% lên 10.673 tỉ đồng, chủ yếu là phải thu khách hàng 4.224 tỉ đồng và phải thu khác 7.157 tỉ đồng; đáng chú ý nợ xấu ở mức 922 tỉ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, các khoản phải trả người bán tăng hơn gấp đôi lên 7.358 tỉ đồng, chủ yếu là nợ các đối tác cung cấp nước ngoài. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng tăng từ 2.561 tỉ đồng lên 3.248 tỉ đồng.