|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phù thủy thị trường: Nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi, hãy bảo vệ những gì đang có

09:22 | 25/07/2021
Chia sẻ
Khi tỷ phú đầu tư Paul Tudor Jones được hỏi lời khuyên quan trọng nhất dành cho nhà đầu tư thông thường là gì, ông đáp: "Đừng tập trung vào kiếm tiền, mà hãy tập trung vào bảo vệ những gì bạn có".
Phù thủy thị trường: Nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi, hãy bảo vệ những gì đang có - Ảnh 1.

Tỷ phú đầu tư Bruce Kovner. (Ảnh: Rosalie O'Connor Photography).

Hầu hết nhà đầu tư mới tin rằng thành công trong đầu tư đến từ việc tìm ra phương pháp tuyệt diệu để tham gia giao dịch. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư kỳ cựu đồng ý rằng quản lý tiền (kiểm soát rủi ro) quan trọng hơn là phương pháp lựa chọn khoản đầu tư. Dù có phương pháp chọn cổ phiếu siêu việt, bạn vẫn có thể phá sản nếu quản lý tiền kém.

Châm ngôn của Kovner

Tỷ phú Bruce Kovner, nhà sáng lập quỹ Caxton Associates, là một trong những nhà đầu tư vĩ mô toàn cầu giỏi nhất mọi thời đại. Trong 10 năm đầu đầu tư, ông đạt được tỷ suất lợi nhuận kép hàng năm trung bình là 87%. 

Tuy Kovner không thể duy trì thành tích ngoạn mục này, nhưng ông vẫn đạt được thành công rất tốt trong những thập kỷ tiếp theo đến khi nghỉ hưu vào năm 2011, theo cuốn sách The Little Book of Market Wizards: Lessons from the greatest Traders (Các phù thủy thị trường: Bài học từ những nhà giao dịch tài ba nhất).

Một trong những nguyên tắc quản lý tiền cốt lõi của Kovner là trước khi mở bất kỳ vị thế nào, ông đều xác định trước điểm rút lui dựa trên các đánh giá về việc thị trường sẽ không đi theo hướng nào nếu ý tưởng của ông là đúng.

"Tôi biết mình sẽ đi ra từ đâu trước khi nhảy vào. Nếu không làm vậy tôi sẽ không ngủ được", Kovner nói.

Vì sao nhà đầu tư cần xác định điểm rút lui trước khi mở vị thế? Đó là vì ngay khi mở vị thế, bạn sẽ mất tính khách quan và rất dễ để khoản lỗ phình to trước khi thừa nhận sai lầm. Bằng cách định ra giới hạn lỗ trước khi mở vị thế, Kovner đảm bảo mình sẽ tuân theo chiến lược kiểm soát rủi ro có kỷ luật và loại bỏ cảm tính khỏi quy trình quản lý tiền bạc.

Quản lý rủi ro ở cấp độ danh mục đầu tư

Một trong những quỹ hàng đầu của BlueCrest, quỹ đầu cơ được vận hành bởi tỷ phú Michael Platt được thiết kế để cực kỳ hạn chế tổn thất. Sau khi trừ mọi khoản phí, quỹ này đạt được tỷ suất lợi nhuận hàng năm trên 12% trong giai đoạn 13 năm, đồng thời giữ cho danh mục không bao giờ bị mất giá quá 5%.

Làm cách nào BlueCrest có thể tạo ra tỷ suất lợi nhuận hai chữ số đồng thời giữ cho khoản lỗ tối đa thấp đến vậy? Câu trả lời nằm ở chiến lược quản lý rủi ro danh mục đầu tư, giới hạn chặt chẽ số tiền mà mỗi nhà quản lý có thể mất trước khi bị rút vốn.

Vốn cấp cho mọi nhà quản lý quỹ được xác định lại từ đầu năm. Mỗi người được phép lỗ tối đa 3% trước khi số vốn phân bổ cho anh ta bị giảm một nửa. Nếu nhà quản lý quỹ tiếp tục lỗ 3% trên số tài sản còn lại, toàn bộ vốn phân bổ cho anh ta sẽ bị thu hồi cho đến hết năm.

Những quy định kiểm soát rủi ro nghiêm ngặt trên được thiết kế để giữ cho khoản lỗ tối đa trong một năm của mỗi nhà quản lý dưới 5%. (Sự kết hợp của hai khoản lỗ 3% liên tiếp ít hơn 5% vì khoản lỗ 3% thứ hai chỉ phát sinh trên 50% tài sản.)

Bạn có thể sẽ nghĩ rằng áp dụng những định quá chặt chẽ về khoản lỗ tối đa sẽ khiến lợi nhuận không thể cao được. Nhưng BlueCrest vẫn mang lại tỷ suất lợi nhuận trên 12%. Lý do là gì?

Quy định 3% rủi ro chỉ áp dụng cho số tài sản ban đầu nhà quản lý quỹ được cấp hồi đầu năm. Do đó tuy nhà quản lý quỹ được khuyến khích hết sức thận trọng trong giai đoạn đầu, họ có thể liều lĩnh hơn khi xây dựng được "lớp đệm" lợi nhuận. Nói cách khác, nhà quản lý có thể mạo hiểm 3% số tiền ban đầu cộng với toàn bộ lợi nhuận tích lũy trong năm trước khi bị giảm vốn.

Cơ cấu này đảm bảo khả năng bảo toàn vốn, đồng thời vẫn duy trì khả năng sinh lời với việc cho phép nhà quản lý đánh liều phần lãi anh ta kiếm được.

Nhà đầu tư có thể học theo mô hình quản lý rủi ro của BlueCrest để giới hạn khoản lỗ hàng năm.

Thế tiến thoái lưỡng nan của nhà đầu tư

Đây là một trong những tình thế khó xử mà mọi nhà đầu tư rồi sẽ phải đối mặt: Một vị thế đang đi ngược chiều với dự tính của bạn, nhưng bạn vẫn tin là mình đúng.

Một mặt, bạn không muốn lỗ nặng hơn nữa. Mặt khác, bạn lo rằng ngay khi mình thoát hàng, thị trường sẽ đảo chiều về đúng hướng như ý tưởng ban đầu. Mâu thuẫn này có thể khiến nhà đầu tư tê liệt và để cho lỗ ngày càng chồng chất.

Tỷ phú Steve Cohen, nhà sáng lập và CEO của Point72 Asset Management, đưa ra lời khuyên hữu ích để xử lý tình huống trên: "Khi thị trường đi ngược hướng bạn và bạn không biết tại sao, hãy rút về một nửa. Nếu bạn làm như vậy hai lần, bạn thu hồi được 3/4 vị thế. Khi đó phần còn lại không còn là vấn đề lớn nữa".

Cắt lỗ một phần dễ dàng hơn nhiều việc thanh lý toàn bộ vị thế và là một giải pháp để hành động thay vì trì hoãn. Tuy nhiên, hầu hết nhà đầu tư đều sẽ từ chối biện pháp này. Lý do: cắt lỗ một phần đảm bảo rằng bạn chắc chắn sẽ sai. Nếu thị trường đảo chiều thì lẽ ra bạn không nên đóng bớt vị thế. Còn nếu thị trường tiếp tục đi ngược hướng bạn thì lẽ ra bạn nên thanh lý toàn bộ vị thế. Dù kịch bản nào xảy ra, rốt cuộc bạn đều sai một phần.

Mong muốn đúng 100% cản trở rất nhiều nhà đầu tư cân nhắc đến việc thanh lý một phần. Nhưng không may, với việc cố chấp đúng 100%, nhiều người thành ra sai 100%.

Lần tới khi đau đầu giữa việc thanh lý vị thế và nghiến răng chịu lỗ, hãy nhớ rằng bạn còn lựa chọn thứ ba: thanh lý một phần.

Giang