|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phù thủy thị trường: Nhà đầu tư dễ thảm bại nếu chỉ cố thỏa mãn cái tôi

09:17 | 22/08/2021
Chia sẻ
Hầu hết nhà đầu tư để mất tiền không chỉ vì thiếu kỹ năng, mà còn vì khuynh hướng đưa ra những lựa chọn tạo ra cảm giác thỏa mãn, khiến kết quả đạt được kém hơn cả mua bán ngẫu nhiên.
Phù thủy thị trường: Muốn nên chuyện thì đừng chỉ cố thỏa mãn cái tôi  - Ảnh 1.

Ông William Eckhardt (đang đứng), Chủ tịch kiêm CEO Eckhardt Trading Company. (Ảnh: Andrew Collings).

Bạn có lẽ đã biết câu nói nổi tiếng của nhà kinh tế học Burton Malkiel: "Một con khỉ bị bịt mắt ném phi tiêu vào các trang báo tài chính có thể tạo ra danh mục đầu tư có tỷ suất sinh lời tốt bằng những cái tên mà giới chuyên gia dày công chọn lựa".

Thậm chí cũng có người đi xa hơn và khẳng định con khỉ sẽ tạo ra kết quả tốt hơn giới chuyên gia. Vì sao? Vì con người đã tiến hóa để tìm kiếm sự thoải mái và thị trường không trả tiền để bạn thấy thoải mái. Trên thị trường, tìm kiếm sự thoải mái có nghĩa là làm những gì thỏa mãn về mặt cảm xúc.

Ông William Eckhardt, Chủ tịch kiêm CEO công ty giao dịch hợp đồng tương lai Eckhardt Trading Company, nhận xét: "Điều tạo ra cảm giác thỏa mãn thường là hành động sai lầm". Ông chỉ ra ba ví dụ về các hành động tạo ra cảm giác thoải mái trên thị trường. 

Thứ nhất là mua cổ phiếu đã giảm giá mạnh, vì khao khát tự nhiên của con người là mua rẻ bán đắt. Nếu mua cổ phiếu khi giá rơi xuống đáy 6 tháng, bạn cảm thấy thỏa mãn vì thấy mình thông minh hơn những gã khờ đã mua 6 tháng trước đó. Tuy những giao dịch này tạo ra cảm giác "siêu việt" vào thời điểm thực hiện, đối với hầu hết mọi người, cách tiếp cận ngược xu hướng như vậy sẽ dẫn đến lỗ nặng.  

Trong ví dụ thứ hai, Eckhardt giải thích rằng vì hầu hết lợi nhuận nhỏ đều sẽ tan biến, nhà đầu tư học cách chốt lời ngay tức khắc. Hành động này mang lại cảm giác vui sướng nhưng về lâu dài thì có hại vì nó sẽ cản trở khả năng sinh lời lớn dựa trên bất kỳ một cổ phiếu nào.

Với ví dụ thứ ba, Eckhardt chỉ ra rằng việc giá chứng khoán có xu hướng lặp đi lặp lại khiến nhiều người cố "gồng lỗ" các khoản đầu tư tồi với hy vọng chúng sẽ phục hồi về giá mua. 

Trong cả ba trường hợp, điều mang lại cảm giác vui sướng cho nhà đầu tư – mua món hời, chốt lời, nuôi hy vọng tránh thua lỗ - thường là hành động sai lầm.

Nhu cầu thỏa mãn cảm xúc là lý do tại sao các chuyên gia sừng sỏ sẽ thua kém con khỉ ném phi tiêu.

Eckhardt kể câu chuyện thực tiễn chứng minh cách định kiến sẽ khiến mọi người đưa ra những quyết định tồi tệ hơn cả ngẫu nhiên. Richard Dennis, huyền thoại được cho là đã biến tài khoản 400 USD thành 200 triệu USD, từng tổ chức cuộc thi yêu cầu nhân viên dự đoán giá cuối năm của hàng loạt thị trường.

Một nhân viên của Dennis đã lấy luôn giá hiện tại của toàn bộ thị trường để làm dự đoán. Rốt cuộc, anh ta vượt qua hàng trăm nhân viên khác và nằm trong 5 người dự đoán sát nhất. Nói cách khác, ít nhất 95% trong số tất cả dự đoán của những người tham gia cuộc thi có kết quả tệ hơn cả ngẫu nhiên.

Kinh tế hành vi và đầu tư

Ông Eckhardt nhận định các định kiến thường là nguyên nhân khiến phần lớn người tham gia thị trường thua lỗ. Ông giải thích: "Về lâu dài, đa số sẽ thua lỗ. Điều này ngụ ý rằng để giành chiến thắng, bạn phải hành động như nhóm thiểu số. Nếu bạn mang những thói quen và xu hướng bình thường của con người vào đầu tư, bạn sẽ bị hút về phía số đông và luôn thua cuộc".

Quan sát của ông Eckhardt rất giống với những phát hiện của các nhà kinh tế học hành vi. Nghiên cứu của họ đã chứng minh rằng con người vốn đã đưa ra những quyết định đầu tư không hợp lý, theo tác giả cuốn The Little Book of Market Wizards: Lessons from the greatest Traders (Các phù thủy thị trường: Bài học từ những nhà giao dịch tài ba nhất). 

Ví dụ, trong thí nghiệm kinh điển của hai nhà nghiên cứu nổi tiếng Daniel Kahneman và Amos Tversky, các đối tượng được đưa đứng trước hai lựa chọn giả định: Một là chắc chắn nhận được 3.000 USD, hai là có 80% cơ hội kiếm được 4.000 USD và 20% khả năng không nhận được gì.

Đại đa số mọi người lựa chọn chắc chắn được nhận 3.000 USD, dù phương án hai có lợi nhuận kỳ vọng cao hơn (0,8 × $4.000 = $3.200).

Sau đó, hai nhà nghiên cứu lật lại câu hỏi và cho mọi người lựa chọn giữa chắc chắn mất 3.000 USD với 80% khả năng lỗ 4.000 USD và 20% không mất gì cả. 

Trong trường hợp này, đại đa số chọn đánh cược và chấp nhận 80% cơ hội thua lỗ 4.000 USD, mặc dù khoản lỗ dự kiến sẽ là 3.200 USD.

Trong cả hai trường hợp, mọi người đưa ra lựa chọn không hợp lý vì họ đã chọn giải pháp có lợi nhuận kỳ vọng nhỏ hơn hoặc tổn thất kỳ vọng lớn hơn. Tại sao?

Thí nghiệm này phản ánh một đặc điểm bất thường trong hành vi của con người đối với rủi ro và lợi ích: Mọi người tránh rủi ro khi cố gặt hái lợi nhuận, nhưng lại chấp nhận rủi ro để tránh thua lỗ.

Đặc điểm hành vi có ý nghĩa rất lớn với đầu tư, vì nó giải thích tại sao mọi người có xu hướng gồng lỗ và chốt lời sớm. Vì vậy, hầu hết mọi người có xu hướng làm điều ngược lại lời khuyên đúng đắn là "cắt lỗ và để lợi nhuận chạy".

Cách cảm xúc tác động tới giao dịch tự động

Điều thú vị là nhu cầu thỏa mãn cảm xúc sẽ có tác động xấu đến giao dịch theo hệ thống (tức là giao dịch được thực hiện tự động bởi máy tính, theo quy tắc) mặc dù nhiều người nghĩ rằng cách giao dịch này sẽ miễn nhiễm với cảm xúc.  

Thông thường, khi nhà đầu tư tiếp cận giao dịch theo hệ thống, họ sẽ kiểm tra các quy tắc hệ thống và sau đó phát hiện rằng có nhiều trường hợp trong quá khứ các quy tắc hệ thống sẽ dẫn đến khoản lỗ đáng sợ. Đây là điều bình thường: Kể cả khi hệ thống được thiết kế để sinh lãi trong dài hạn, nó vẫn có thể lỗ trong ngắn hạn.

Bản năng tự nhiên của nhà đầu tư là sửa đổi hoặc bổ sung quy tắc để giảm thiểu những giai đoạn hoạt động kém hiệu quả này.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là hệ thống càng được tối ưu để cải thiện lợi nhuận quá khứ thì càng khó tạo ra lợi nhuận tốt trong tương lai. Nguyên nhân là kết quả mô phỏng ấn tượng mà hệ thống đạt được là dựa vào những gì nó đã biết trước về giá cả quá khứ.

Giá trong tương lai sẽ khác với quá khứ, do đó các quy tắc hệ thống càng được điều chỉnh để phù hợp với giá lịch sử thì hệ thống càng ít có khả năng sinh lời từ giá trong tương lai.

Một lần nữa, bản năng theo đuổi sự thoải mái về tinh thần của con người tạo ra hậu quả tiêu cực trong đầu tư — ngay cả khi quyết định giao dịch được đưa ra bởi máy tính.

Giang

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.