|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phù thủy thị trường: Người cố chấp không có chỗ sống trên sàn chứng khoán

08:02 | 15/08/2021
Chia sẻ
Chung thủy là một đức tính tốt với gia đình. Nhưng trên thị trường chứng khoán, cố chấp với một cổ phiếu hay một vị thế giao dịch có thể dẫn đến thảm họa.
Phù thủy thị trường: Chung thủy không có chỗ đứng trong thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Ông trùm quỹ đầu cơ Stanley Druckenmiller. (Ảnh: Getty Images/New York Times).

Trái ngược với cố chấp là linh hoạt – khả năng thay đổi hoàn toàn ý kiến khi có lý do xác đáng. Michael Marcus, người đã nhân tài khoản đầu tư của công ty lên 2.500 lần trong vòng 10 năm cho biết linh hoạt là điểm khác biệt giữa ông và những người còn lại.

Marcus cho biết: "Tôi rất cởi mở. Tôi sẵn sàng tiếp nhận những thông tin khó chấp nhận về mặt tình cảm. Khi thị trường đi ngược lại với kỳ vọng, tôi luôn có thể nói: "Tôi đã hy vọng kiếm được nhiều tiền ở vị thế này nhưng không được, vì vậy tôi đang thoát ra"".

Bất ngờ

Tỷ phú Michael Platt, CEO BlueCrest Capital Management, một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới từng có một cú "lật mặt" ngoạn mục. Trong quá khứ, khi Platt nắm giữ vị thế mua khổng lồ đối với hợp đồng tương lai lãi suất châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đột ngột tăng lãi suất. Đây là đòn giáng mạnh vào vị thế của Platt, nhưng lúc đó ông không biết gì vì đang trên chuyến bay từ London tới Nam Mỹ.

Ngay khi máy bay hạ cánh, Platt nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ trợ lý để thông báo tình hình. Ông hỏi: "Chúng ta mất bao nhiêu rồi?". Người trợ lý trả lời: "Từ 70 đến 80 triệu USD". 

Platt lập luận rằng một khi ECB bắt đầu hành động thì rất có khả năng sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất khác. Platt có thể mường tượng ra cảnh khoản lỗ 70 triệu phình lên thành 250 triệu USD trong một tuần nếu ông không mau chóng hành động. "Bán tống tất cả ngay!", ông chỉ đạo.

Platt bình luận về trải nghiệm trên: "Khi tôi sai, bản năng thôi thúc tôi thoát khỏi vị thế. Nếu tôi đang suy nghĩ theo một chiều và giờ thấy đó là sai lầm thực sự, thì có lẽ tôi không phải là người duy nhất bị sốc. Vì vậy tốt hơn hết tôi nên là người bán ra đầu tiên. Tôi không quan tâm giá bán là bao nhiêu".

Sống sót sau sai lầm tồi tệ nhất lịch sử

Theo tác giả cuốn The Little Book of Market Wizards: Lessons from the greatest Traders (Các phù thủy thị trường: Bài học từ những nhà giao dịch tài ba nhất), ví dụ tốt nhất về sự linh hoạt là một câu chuyện về tỷ phú Stanley Druckenmiller. 

Trung bình mỗi năm, quỹ đầu cơ Duquesne Capital Management của Miller đạt được tỷ suất sinh lời gần 30% trong giai đoạn 25 năm – một trong những thành tích "dài hơi" tốt nhất lịch sử.

Câu chuyện này bắt đầu vào thứ Sáu ngày 16/10/1987, phiên giao dịch ngay trước thứ Hai đen tối 19/10/1987.

Vào thời điểm đó, Druckenmiller đang quản lý nhiều quỹ cho công ty đầu tư Dreyfus bên cạnh quỹ riêng Duquesne. Đầu phiên giao dịch thứ Sáu, Druckenmiller vẫn là người bán khống ròng. Nhiều người quên rằng cú sụp đổ của thị trường trong thứ Hai đen tối không phải một sự kiện bất chợt ập đến. Từ trước ngày hôm đó, thị trường chứng khoán Mỹ đang ở trong chuỗi suy giảm gần 20% bắt đầu hai tháng trước. Chỉ riêng trong tuần trước ngày 19/10, chứng khoán Mỹ hụt 9%.

Đến chiều thứ Sáu, Druckenmiller quyết định rằng thị trường đã rơi đủ sâu và gần với mức hỗ trợ quan trọng. Do đó ông đóng các vị thế bán khống. Tệ hơn, Druckenmiller không những đóng vị thế bán khống mà còn chuyển sang mua ròng. Và để đổ thêm dầu vào lửa, ông dùng cả đòn bẩy.

Bất chấp sai lầm khủng khiếp này, Druckenmiller chỉ ghi nhận khoản lỗ khiêm tốn trong tháng 10/1987. Làm thế nào Druckenmiller làm được điều này?

Thứ nhất, trong nửa đầu tháng, Druckenmiller duy trì vị thế bán khống, nên ông kiếm được tiền từ chúng.

Nhưng điều quan trọng nhất là đây: Trong khoảng thời gian từ khi phiên giao dịch thứ Sáu đóng cửa đến trước giờ mở cửa ngày thứ Hai, Druckenmiller nhận ra mình đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Ông quyết tâm thoát khỏi vị thế ngay trong sáng thứ Hai. Rắc rối là ngay từ khi mở cửa phiên đầu tuần, thị trường đã xuống rất thấp.

Vậy Druckenmiller đã làm gì? Ông đóng tất cả vị thế mua trong giờ đầu tiên của phiên giao dịch. Không những thế, ông lại chuyển sang bán khống.

Thật là một sự thiếu thủy chung đáng kinh ngạc: Druckenmiller đã đảo ngược vị thế rất lớn chỉ trong một buổi chiều, rồi lại đảo ngược lần nữa trong ngày giao dịch tiếp theo khi thị trường biến động trái với dự định.

Những nhà đầu tư giỏi thanh lý vị thế khi tin họ đã sai; nhà giao dịch vĩ đại đảo ngược vị thế khi hiểu mình đã lầm. Nếu muốn thành công với tư cách nhà đầu tư, bạn không thể cố chấp với vị thế của mình.

Giang