|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phù thủy thị trường: Bài học rút ra từ những lần thực tế diễn ra trái ngược với kỳ vọng

15:09 | 04/09/2021
Chia sẻ
Hẳn nhà đầu tư không ít lần thấy bối rối khi thị trường phản ứng trái ngược với dự đoán khi một sự kiện lớn xảy ra. Vậy nguyên nhân là gì?
Phù thủy thị trường: Bài học rút ra từ những lần thị trường đi ngược với kỳ vọng - Ảnh 1.

Tỷ phú Ray Dalio. (Ảnh: Bloomberg).

Vàng và Chiến tranh vùng Vịnh lần 1

Huyền thoại Randy McKay nổi tiếng với việc biến 2.000 USD thành 70.000 USD trong vòng 7 tháng và tạo ra khoản lãi nhiều triệu USD trong sự nghiệp đầu tư. 

Ông miêu tả cách tiếp cận kết hợp phản ứng của thị trường với tin tức cơ bản như sau: "Tôi không suy nghĩ theo kiểu: "Nguồn cung quá lớn và thị trường đang đi xuống". Thay vào đó, tôi quan sát cách thị trường phản ứng với thông tin".

McKay đưa ra ví dụ kinh điểm về động thái của thị trường vàng đối với Chiến tranh vùng Vịnh lần 1, bắt đầu vào tháng 1/1991.

Ngay trước cuộc không kích đầu tiên của Mỹ, vàng đang được giao dịch ngay sát mốc tâm lý quan trọng là 400 USD. Trong tối mà máy bay Mỹ bắt đầu tấn công, vàng vượt ngưỡng 400, hướng đến mức 410 USD tại thị trường châu Á. Nhưng sau đó vàng thoái lui về 390 USD.

McKay coi việc giá vàng sụt giảm bất chấp thông tin được kỳ vọng là tích cực là dấu hiệu rất xấu. Sáng hôm sau, khi thị trường mở cửa, giá vàng giảm mạnh tại Mỹ và tiếp tục trượt dốc trong những tháng tiếp theo. 

Bài học rút ra: Phản ứng trái với kỳ vọng của thị trường trước một thông tin có thể có ý nghĩa lớn hơn chính tin tức đó.

Ray Dalio bị bất ngờ

Tỷ phú đầu tư Ray Dalio chia sẻ những thời điểm trong giai đoạn đầu sự nghiệp mà ông ngạc nhiên trước phản ứng của thị trường trước tin tức. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp đại học, Dalio làm nhân viên văn phòng tại Sàn giao dịch chứng khoán New York.

Ngày 15/8, Tổng thống Richard Nixon tuyên bố chấm dứt chế độ bản vị vàng tại Mỹ, tạo ra sự rúng động trong hệ thống tiền tệ. Dalio nghĩ sự kiện này là tin xấu, nhưng thị trường lại bật tăng.

11 năm sau, khi Mỹ đang sa lầy trong suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 11%, Mexico vỡ nợ. Dalio biết rằng các ngân hàng Mỹ để rất nhiều vốn trong thị trường nợ Mỹ Latinh. Do đó, ông mặc nhiên cho rằng vụ vỡ nợ sẽ là tin khủng khiếp đối với thị trường chứng khoán.

Dự đoán của Dalio sai một cách ngoạn mục. Vụ vợ nỡ của Mexico diễn ra gần đáy của thị trường chứng khoán Mỹ và đánh dấu khởi đầu của thị trường giá lên kéo dài 18 năm, theo cuốn The Little Book of Market Wizards: Lessons from the greatest Traders (Các phù thủy thị trường: Bài học từ những nhà giao dịch tài ba nhất). 

Khi nhớ lại hai trải nghiệm bẽ bàng này, Dalio nói: "Trong hai sự kiện Mỹ từ bỏ chế độ bản vị vàng năm 1971 và Mexico vỡ nợ năm 1982, tôi học được rằng: Việc các ngân hàng trung ương xông vào giải cứu có thể làm lu mờ tác động của bản thân khủng hoảng".

Quả thực, chúng ta đã chứng kiến một ví dụ nữa của nhận xét này trong đại dịch COVID-19. Nhờ các chương trình hỗ trợ hào phóng của Cục dự trữ liên bang, thị trường chứng khoán Mỹ chỉ cần 18 tháng để bật tăng gấp đôi từ đáy tháng 3 năm ngoái.

Nhà đầu tư thường bối rối khi thị trường phản ứng trái ngược với kỳ vọng khi sự kiện lớn xảy ra. Một trong những nguyên nhân là thị trường thường dự đoán tin tức và từ trước đã phản ánh vào giá sự kiện sắp diễn ra.

Ví dụ, vụ vỡ nợ ở thị trường Mỹ Latinh năm 1982 đã được nhiều người dự đoán trước cả khi Mexico thực sự mất khả năng thanh toán. Trớ trêu thay, sự xuất hiện của một sự kiện được dự đoán trước lại xóa bỏ nỗi lo của thị trường, dẫn đến phản ứng giá ngược với dự đoán.

Một cách giải thích khác là sự kiện tiêu cực – đặc biệt là khi có ảnh hưởng lớn – có thể kích hoạt hành động tích cực. Ví dụ, những diễn biến cực kỳ tiêu cực đối với nền kinh tế và tâm lý thị trường có thể thúc đẩy ngân hàng trung ương can thiệp, dẫn đến thị trường nhảy vọt.

Giang