Phù thủy thị trường: Nhà đầu tư bốc đồng rất dễ cháy túi
Niềm vui đắt đỏ
Larry Hite, huyền thoại đầu tư tiên phong trong giao dịch theo xu hướng, từng chơi tennis với một người bạn đã phá sản vì chơi hợp đồng tương lai. Người bạn không thể hiểu vì sao Larry có thể chăm chăm làm theo hệ thống máy tính và hỏi: "Larry, sao mà ông có thể giao dịch theo cách ông đang làm? Như thế chán lắm".
Hite trả lời: "Tôi không giao dịch để vui, tôi giao dịch để thắng".
Charles Faulkner, người dùng nghiên cứu về mô hình hành vi để huấn luyện cho nhà đầu tư, từng có một khách hàng cực kỳ cảm tính. Vị khách này – tạm gọi là John – đã phát triển một hệ thống giao dịch thành công nhưng không thể làm theo nó.
Faulkner dạy John một số kỹ thuật để tách biệt cảm xúc với thị trường. Ban đầu, các kỹ thuật này có công hiệu, và John có lãi khi làm theo hệ thống. Một ngày, khi Faulkner đang làm việc với John, anh ta lãi 7.000 USD trong vài giờ đầu tiên. Faulkner cảm thấy rất tự hào khi đã giúp đỡ thành công người học trò này.
Đúng lúc đó, John quay sang Faulkner và nói: "Việc này thật nhàm chán". Rốt cuộc John đã thổi bay hết lợi nhuận. Faulker than thở: "Anh ấy biết cách tiến vào trạng thái tách biệt cảm xúc, nhưng không muốn ở trong đó".
Bài học: Thị trường là nơi đắt đỏ để đi tìm sự phấn khích.
Bạn không thể thắng nếu buộc phải thắng
Trước khi thành ông trùm trong thế giới quỹ đầu cơ, Stanley Druckenmiller cũng có khởi đầu gian truân như bao người khác. Khi Druckenmiller mới mở công ty quản lý tài sản Duquesne Capital Management, ông hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ hợp đồng tư vấn với Drysdale Securities. Công ty chứng khoán này trả Duquesne Capital 10.000 USD mỗi tháng.
Đến tháng 5/1982, Drysdale Securities bất ngờ phá sản. Dòng tiền của Druckenmiller rơi vào thế nguy ngập. Lúc đó, công ty ông có 7 triệu USD tài sản đang quản lý và nhận được 70.000 USD tiền phí mỗi năm. Tuy nhiên, chi phí chung hàng năm của Duquesne Capital lại lên đến 180.000 USD. Tiền mặt sẵn có của công ty chỉ là 50.000 USD.
Thiếu đi thu nhập từ hợp đồng tư vấn cho Drysdale Securities, công ty của Druckenmiller có nguy cơ sụp đổ.
Lúc đó, Druckenmiller tin chắc rằng lãi suất – vừa mới đi xuống từ mức cao nhất mọi thời đại một năm trước đó – sẽ tiếp tục đà giảm. Ông dùng toàn bộ 50.000 USD của công ty và vay margin để tham gia vào vị thế mua hợp đồng tương lai trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Druckenmiller đang đặt cược toàn bộ công ty của mình vào giao dịch này, theo đúng nghĩa đen. Trong vòng 4 ngày, Druckenmiller trắng tay khi lãi suất bắt đầu tăng. Điều trớ trêu là chỉ một tuần sau, lãi suất chạm đỉnh và không bao giờ tiệm cận mức đó nữa, theo cuốn The Little Book of Market Wizards: Lessons from the greatest Traders (Các phù thủy thị trường: Bài học từ những nhà giao dịch tài ba nhất).
Druckenmiller đã mua hợp đồng tương lai trái phiếu Kho bạc Mỹ chỉ một tuần trước đáy lớn – không ai có thể đoán được thời điểm sát hơn thế - nhưng vẫn mất sạch.
Phân tích của Druckenmiller hoàn toàn đúng, nhưng cảm xúc chi phối giao dịch này – đòn bẩy quá lớn và liều lĩnh để cứu công ty – đã khiến nó thất bại. Thị trường hiếm khi trao thưởng cho sự bất cẩn của một giao dịch sinh ra từ sự quẫn trí.
Một phút bốc đồng, cả đời ân hận
Những giao dịch bốc đồng có thể rất nguy hiểm. Tỷ phú đầu tư Bruce Kovner kể lại rằng giao dịch đau đớn nhất của ông là một sản phẩm của những quyết định bốc đồng.
Trong giai đoạn đầu sự nghiệp của Kovner, Mỹ rơi vào tình trạng thiếu hụt đậu nành vào năm 1977.
Khi xem xét nguồn cung khan hiếm và nhu cầu lớn kéo dài, Kovner dự kiến mọi người sẽ chìm trong nỗi lo cạn kiệt đậu nành trước khi vụ mùa mới được thu hoạch. Để kiếm lời từ tình huống này, Kovner sử dụng đồng thời hai vị thế với đòn bẩy lớn: Vị thế mua đối với hợp đồng tương lai giao tháng 7 và vị thế bán hợp đồng tháng 11.
Dự đoán của Kovner là sự thiếu hụt sẽ khiến hợp đồng tháng 7 tăng giá mạnh hơn nhiều hợp đồng tháng 11. Suy nghĩ của Kovner đúng một cách ngoạn mục. Hợp đồng tương lai tháng 7 liên tiếp chạm giá trần. Lợi nhuận của Kovner tăng vọt.
Vào một buổi sáng, khi thị trường lên đỉnh mới, Kovner nhận được cuộc gọi từ người môi giới của mình. Anh ta vô cùng hào hứng: "Giá đậu nành đang tăng vèo vèo. Có vẻ hợp đồng tháng 7 lại đang tiến tới giá trần và hợp đồng tháng 11 chắc chắn cũng sẽ theo sau. Anh thật ngốc khi bán khống hợp đồng tháng 11. Hãy để tôi đóng tất cả vị thế bán hộ anh, như thế anh sẽ kiếm được nhiều tiền hơn".
Kovner đồng ý với lời khuyên này. Như vậy, anh chỉ còn vị thế mua với hợp đồng tháng 7.
Sau này, khi Kovner hồi tưởng lại quyết định của mình, ông mô tả: "Trong một khoảnh khắc, tôi đã mất trí".
Chỉ 15 phút sau, người môi giới gọi lại lần nữa. Lần này anh ta hoảng hốt: "Tôi không biết phải ăn nói thế nào, nhưng thị trường vừa giảm kịch sàn. Tôi không biết liệu có thể kéo anh ra khỏi vị thế này hay không".
Kovner bị sốc. Anh quát tháo đòi người môi giới thanh lý hết hợp đồng tương lai tháng 7. May thay, Kovner đóng được vị thế trong ngày hôm đó. Những ngày kế tiếp, thị trường lao dốc nhanh như lúc đi lên. Kovner suýt thì cháy tài khoản vì ông dùng đòn bẩy rất lớn. "May mắn" là tài khoản của ông chỉ giảm một nửa.
Kovner thừa nhận rằng quyết định bốc đồng là thanh lý các khoản bán khống trong lúc thị trường cuồng loạn là sự coi thường rủi ro trắng trợn.