|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Warren Buffett kiếm hàng trăm tỷ USD dù không biết toán cao cấp: Toán học có thể rất nguy hiểm với nhà đầu tư

08:24 | 26/08/2021
Chia sẻ
Tỷ phú Warren Buffett cho rằng nhà đầu tư chỉ cần biết các phép tính số học như cộng, trừ, nhân, chia là đủ để thành công, không cần những kiến thức cao cấp hơn như đại số hay giải tích.
Warren Buffett kiếm hàng trăm tỷ USD dù không biết giải tích, đại số: Toán học có thể rất nguy hiểm với nhà đầu tư - Ảnh 1.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett tạo dáng chụp ảnh cùng người hâm mộ. (Ảnh: Wall Street Journal).

Warren Buffett tránh xa máy tính

Tỷ phú Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway, thừa nhận mình không phải người giỏi toán, đồng thời cho rằng một nhà đầu tư không cần phải giỏi toán mới có thể thành công.

"Nếu việc đầu tư mà bắt buộc biết giải tích thì chắc tôi phải quay lại làm nghề rao báo mất. Tôi cũng không thấy cần phải dùng đến đại số. Về căn bản nhà đầu tư chỉ đang cố xác định giá trị của một doanh nghiệp rồi chia cho số cổ phiếu đang lưu hành để tính giá trị của mỗi cổ phiếu, tức là phải biết phép chia", Buffett chia sẻ vào tháng 12/1994.

"Nếu bạn định mua một nông trại, một căn hộ hay cửa hàng giặt là, tôi nghĩ bạn không cần phải nhờ người giỏi toán giải tích định giá hộ. Quyết định mua của bạn có đúng hay không phụ thuộc vào khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai, và tương quan so sánh giữa giá trị thực đó với giá hiện tại".

Ông khuyến nghị nhà đầu tư: "Hãy đọc sách do Ben Graham và Phil Fisher viết, đọc báo cáo thường niên của doanh nghiệp nhưng đừng ngồi làm mấy công thức có chữ cái Hy Lạp trong đó". Về bản chất, ông đang chỉ ra sự khác biệt giữa số học (arithmatic) và đại số (algebra).

Môn số học tập trung vào các phép tính toán cộng, trừ, nhân, chia và khai căn để cho ra kết quả cụ thể. Môn đại số nghiên cứu về ký hiệu toán học (lấy từ bảng chữ cái abc, chữ cái Hy Lạp, …) và các quy tắc đối với thao tác trên các ký hiệu đó, ví dụ như cách giải phương trình bậc 2, bậc 3, hệ phương trình tuyến tính, … Môn giải tích lại bao gồm các lý thuyết cao cấp hơn như giới hạn, tích phân, đạo hàm, …

Ý của Warren Buffett là nhà đầu tư chỉ cần biết đến số học, không cần giỏi đại số hay giải tích.

Nhà đầu tư cần phải biết một số khía cạnh trong toán học nhưng không cần phải hiểu toán cao cấp. Thậm chí toán cao cấp có thể rất nguy hiểm, khiến nhà đầu tư đi lầm đường.

Warren Buffett, Chủ tịch Berkshire Hathaway, chia sẻ năm 2009

Nếu các kiến thức toán học cao cấp là không quan trọng trong lựa chọn cổ phiếu, tại sao các tạp chí hàn lâm cũng như chuyên ngành đầu tư đều dày đặc các công thức định lượng? Buffett trả lời thản nhiên: "Nếu như không có ai chịu ở dưới đáy thì làm sao có đỉnh cao để cho bạn đứng?"

Bản thân Buffett và phó tướng Charlie Munger không dùng máy vi tính hay máy tính khi ra quyết định đầu tư vì các ông cho rằng: "Nếu đã phải dùng tới máy tính thì tốt nhất là không nên mua cổ phiếu đó. Lý do mua phải rõ ràng đến mức không cần máy tính vẫn có thể khẳng định được". 

Trước khi xa lánh môn toán, Warren Buffett cũng từng có thời sùng bái các công thức phức tạp. "Tôi từng vẽ biểu đồ rất nhiều cổ phiếu, càng nhiều số càng tốt". Thời niên thiếu, ông rất thích phân tích kỹ thuật và đã xuất bản bài báo đầu tiên về chủ đề này vào năm ông 17 tuổi.

"Khi đó, tạp chí Barron's nói rằng nếu độc giả gửi bài viết về cách mà họ đang sử dụng số liệu thống kê của Barron's thì sẽ được đăng lên báo và được trả nhuận bút 5 USD. Tôi gửi cho Barron's một bài trình bày về việc tôi dùng số liệu giao dịch lô lẻ. Khoản 5 USD đó là số tiền duy nhất trong đời tôi kiếm được bằng cách sử dụng toán thống kê".

Warren Buffett kiếm hàng trăm tỷ USD dù không biết giải tích, đại số: Toán học có thể rất nguy hiểm với nhà đầu tư - Ảnh 3.

Chàng trai 17 tuổi kiếm 5 USD nhờ số liệu thống kê xưa kia nay đã trở thành một trong những người giàu nhất hành tinh với khối tài sản trên 100 tỷ USD. Và kết quả đó đạt được là nhờ các phép tính đơn giản chứ không phải công thức toán học cao siêu.

Những bức thư dài hàng chục trang không có một biểu đồ

Mỗi năm, Warren Buffett đều viết các bức thư dài hàng chục trang gửi tới các cổ đông của Tập đoàn Berkshire Hathaway nơi ông làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc. Các bức thư này được nhà đầu tư trên khắp thế giới tìm đọc và ưa thích vì sự mạch lạc và chân thực trong câu chữ.

Từ đầu đến cuối, các bức thư của Warren Buffett đều không mảy may có một công thức toán học nào, thậm chí không có lấy một biểu đồ. Vậy tại sao Warren Buffett vẫn có thể trình bày một cách rõ ràng cho mọi nhà đầu tư cùng hiểu?

"Tôi luôn giả định rằng độc giả chính là chị gái tôi – người sở hữu một nửa doanh nghiệp và đã đi vắng một năm nay. Bà ấy không phải là người mù mờ về làm ăn nhưng cũng phải là chuyên gia". Việc xác định độc giả của mình là những người bình thường chứ không phải các chuyên gia đã buộc Buffett luôn tìm cách diễn giải vấn đề một cách đơn giản nhất.

Việc trình bày được vấn đề bằng ngôn ngữ bình dân cũng cho thấy bản thân người viết hiểu câu chuyện đến đâu.

"Nếu bạn hiểu một ý tưởng, bạn có thể diễn đạt nó để cho người khác cùng hiểu. Mỗi khi ngồi viết thư gửi cổ đông hàng năm, tôi luôn gặp các chốt chặn. Không phải vì tôi đã cạn chữ nghĩa mà là vì chính tôi cũng chưa hiểu rõ vấn đề ở trong đầu. Việc viết thư buộc tôi phải suy nghĩ kỹ và hiểu được bản chất câu chuyện trước".

Về đồ họa, vị tỷ phú nói: "Tôi thấy bản thân đồ họa không có gì sai. Nhưng đôi lúc, tôi thấy có người dùng biểu đồ để cố nhấn mạnh vào một ý và đánh lạc hướng sự chú ý của độc giả khỏi thông tin thực sự".

Song Ngọc - Đức Quyền