Warren Buffett áp dụng công thức định giá từ 2.600 năm trước
Trong bức thư gửi cổ đông tập đoàn Berkshire Hathaway năm 2000, tỷ phú Warren Buffett đã dùng hình ảnh trong câu truyện ngụ ngôn của Aesop (Ê-dốp) để nói về phương pháp định giá tài sản.
"Công thức xác định giá trị mọi loại tài sản để đầu tư không hề thay đổi kể từ khi được tiết lộ bởi một người đàn ông tài trí vào năm 600 trước công nguyên. Người đó chính là Aesop và công thức của ông là: 'Một con chim trong tay đáng giá hơn hai con chim trong bụi cây'", Buffett viết.
Dân gian Việt Nam cũng có một câu ca dao với ý nghĩa tương tự: Thà rằng được sẻ trên tay; Còn hơn được hứa trên mây bạc vàng.
Cả hai câu nói đề có ý rằng những gì chắc chắn có được ở hiện tại sẽ mang giá trị hơn những thứ chỉ là hứa hẹn, kỳ vọng trong tương lai. Đây cũng chính là nội dung căn bản đằng sau công thức định giá cổ phiếu bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền.
Dòng tiền hiện tại được giữ nguyên giá trị nhưng dòng tiền của các năm sau sẽ bị chiết khấu theo lãi suất hiện hành, càng về sau mức độ chiết khấu càng lớn vì rủi ro tăng lên theo thời gian.
Ngay cả khi phân tích đầu tư trang trại, mỏ dầu, nhà máy sản xuất, … công thức chiết khấu dòng tiền vẫn được áp dụng. Sự ra đời của động cơ hơi nước, phát minh ra dòng điện, xe hơi, mạng Internet, … cũng không làm thay đổi tính đúng đắn của công thức định giá nói trên.
Các thước đo thường thấy như lợi suất cổ tức, P/E, P/B hay thậm chí là tỷ lệ tăng trưởng chỉ là các công cụ để dự đoán dòng tiền vào ra doanh nghiệp lớn hay nhỏ và sớm hay muộn.
Sự tăng trưởng có thể phá hủy giá trị nếu như tăng trưởng đòi hỏi quá nhiều tiền mặt trong những năm đầu, vượt quá giá trị chiết khấu của lượng tiền tạo ra trong các năm sau. Các nhà phân tích và bình luận thị trường thường nói về hai kiểu "đầu tư giá trị" và "đầu tư tăng trưởng" nhưng thực tế không hề có hai kiểu đầu tư như vậy, Warren Buffett nói.
Tăng trưởng chỉ là một nhân tố trong công thức tính giá trị, thông thường nhân tố này tác động cùng chiều, có khi lại ngược chiều.
Việc mua tài sản dựa vào giá trị thực của nó thì được coi là đầu tư; còn mua tài sản chỉ vì tin rằng sẽ có thể bán lại cho người khác với giá cao hơn thì là đầu cơ.
"Đầu cơ không phải việc làm phạm pháp hay phi đạo đức gì, nó cũng không đi ngược lại tinh thần của nước Mỹ, nhưng tôi và anh bạn Charlie không muốn chơi trò này. Chúng tôi không có gì để đóng góp cho cuộc chơi đầu cơ nên cũng không mong có thể nhận được gì từ đó", Warren Buffett nói thêm, đề cập đến người bạn thân là Phó Chủ tịch Charlie Munger của Berkshire Hathaway.
"Đường ranh ngăn cách đầu tư và đầu cơ thường không thực sự rõ ràng. Và trong thị trường giá lên, khi mọi người đều hái ra tiền, việc phân biệt đầu tư và đầu cơ lại càng khó khăn hơn. Những đồng tiền dễ kiếm khiến con người ta mất đi lý trí và hành xử như cô bé lọ lem ở vũ hội", Warren Buffett so sánh.
"Mọi người biết rằng nắm cổ phiếu trong bong bóng quá lâu sẽ rất rủi ro, giống như ở lại buổi dạ vũ quá lâu thì xe ngựa sẽ hiện nguyên hình thành bí ngô và chuột. Thế nhưng, không ai muốn bỏ lỡ một phút nào của bữa tiệc đầy sôi động, ai ai cũng muốn đợi đến sát nửa đêm mới rời đi. Vấn đề lớn nhất là chiếc đồng hồ trong phòng tiệc lại không có kim. Không ai biết lúc nào là nửa đêm, và cũng không ai đoán được chính xác lúc nào thị trường đạt đỉnh để rút chạy kịp thời", vị Chủ tịch của Berkshire Hathaway viết.
Warren Buffett và phó tướng Charlie Munger khẳng định hai ông không cố chọn ra số ít những cổ phiếu tăng phi mã trong một rừng các doanh nghiệp chưa chứng minh được mô hình kinh doanh.
"Chúng tôi hiểu rằng mình không đủ thông minh để chọn ra những cổ phiếu tăng sốc như vậy. Chúng tôi chỉ áp dụng công thức 2.600 năm tuổi của Aesop vào những cơ hội mà chúng tôi cảm thấy tương đối tự tin khi đoán có bao nhiêu con chim trong bụi cây và khi nào chúng sẽ xuất hiện".