Học và thi CFA chỉ là sự lãng phí khổng lồ?
Hai lần mỗi năm, các nhân viên tài chính trẻ hùng dũng tiến vào trung tâm khảo thí với túi chứa đầy bút chì và máy tính cao cấp để tham gia kỳ thi sẽ quyết định thành công nghề nghiệp trong tương lai. Hay ít nhất là họ tưởng vậy.
Bài viết này đang nói đến kỳ thi Chartered Financial Analyst (CFA), vốn khét tiếng là khó nhằn. Trong tháng 5, tỷ lệ đỗ CFA rớt xuống mức thấp nhất lịch sử, chỉ có 25% người dự thi vượt qua cấp độ 1, Bloomberg đưa tin.
Các kỳ thi CFA được tạo ra vào năm 1963 để thiết lập tiêu chuẩn về trình độ thành thạo trong phân tích chứng khoán. Nếu bạn đỗ cả ba cấp độ và trở thành CFA Charterholder, bạn được cho là hiểu biết về kế toán, báo cáo tài chính, chứng khoán phái sinh và lý thuyết danh mục đầu tư.
Nhưng CFA không phải là kỳ thi cấp giấy phép hành nghề. Những người có và không có chứng chỉ CFA đều làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, nghiên cứu đầu tư và chứng khoán.
Vậy nếu CFA không phải là giấy phép hành nghề tài chính, thì nó là gì? Nhiều người khổ luyện thi để thăng tiến trong sự nghiệp, nghĩ rằng chứng chỉ CFA có thể giúp họ thăng chức hoặc tìm được công việc lương cao hơn.
Trên thực tế, CFA chỉ là một trong rất nhiều yếu tố mà doanh nghiệp cân nhắc trong quá trình sử dụng lao động. Không ít nhân viên tài chính cấp thấp tham gia kỳ thi CFA với hy vọng có thể được thăng tiến, nhưng thường thì thực tế lại phụ lòng người.
Chi phí lớn nhất của quyết định theo đuổi chứng chỉ CFA là thời gian chứ không phải tiền bạc. Toàn bộ khóa học CFA tiêu tốn khoảng vài nghìn USD. Nhưng mỗi khóa lại yêu cầu hàng trăm hoặc hàng nghìn giờ học cho mỗi cấp độ. Và đấy là chỉ khi thí sinh đỗ tất cả các bài kiểm tra trong lần đầu – chỉ 20% đạt được thành tích đáng kể này.
80% thí sinh còn lại sẽ phải mất đến 4-5 năm, hoặc thậm chí là lâu hơn. Và trong quá trình học, có những người "lặn mất tăm", không gặp gỡ bạn bè suốt vài năm.
Với tỷ lệ đỗ giảm mạnh, bây giờ là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết để tiến hành phân tích chi phí - lợi ích khi quyết định có tham gia các kỳ thi CFA hay không. Thông thường, lợi ích của kỳ thi này chỉ là trên giấy tờ: Bạn có thể viết "CFA" trong sơ yếu lý lịch của mình.
Đúng là có một số ngành nghề trong lĩnh vực tài chính có yêu cầu CFA. Tại Mỹ, quản lý tài sản và nghiên cứu đầu tư là hai ngành bắt buộc ứng viên phải có chứng chỉ này. Trong những trường hợp đó, không thi CFA có thể là rào cản sự nghiệp. Nhưng các nhà đầu tư và nhà giao dịch (trader) không thực sự cần CFA, tờ Bloomberg nhận định.
Nhiều người đỗ CFA nói rằng giá trị của nó là thể hiện sự tâm huyết với nghề. Nhưng liệu có bằng chứng thực nào nói rằng những người không thi CFA lại ít tâm huyết hơn những người có chứng chỉ hay không?
Câu chuyện cá nhân
Ông Jared Dillian, chuyên gia đầu tư của hãng nghiên cứu Mauldin Economics, chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình với CFA. Ông đã đỗ kỳ thi cấp độ 1 vào năm 2002. Ông dự thi cấp độ 2 vào năm tiếp theo nhưng lúc đó đang gặp nhiều vấn đề cá nhân và trượt. Lúc đó, ông quyết định rằng với tư cách nhà đầu tư, ông không cần CFA. Và ông không hối hận với quyết định này.
Ông Dillian nhận ra rằng mình không thực sự học nội dung CFA mà chỉ học cách đỗ bài kiểm tra. Ông thú nhận mình còn chẳng nhớ bất kỳ điều gì từ chương trình CFA.
Lời chỉ trích lớn nhất của ông Dillian về CFA là chương trình này không nhất thiết giúp bạn trở thành một nhà đầu tư tốt hơn.
Nếu có bằng chứng cụ thể cho thấy các quỹ được quản lý bởi người có bằng CFA hoạt động tốt hơn những quỹ mà nhà quản lý không có CFA, thì đó sẽ là lý do thuyết phục để thi thố.
Nhưng bằng chứng kiểu này không hề tồn tại. Và những thứ thực sự thú vị diễn ra trong thế giới tài chính hiện nay – như nghiên cứu về tình cảm và tâm lý – không hề được nhắc đến trong chương trình CFA.
Kết luận, ông Dillian khẳng định CFA là sự lãng phí thời gian khổng lồ. Tài chính là nghề đòi hỏi nhiều sáng tạo. Chương trình CFA lại làm thui chột óc sáng tạo của người học. Tốt nhất là bạn nên dành ba năm để theo đuổi các mục tiêu khác.