|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Người Trung Quốc 'đốt cả thanh xuân' để thi chuyên viên phân tích tài chính (CFA) và cái kết

19:25 | 27/11/2019
Chia sẻ
Suốt ba năm ròng rã, Ranger Yu ra khỏi giường lúc 6h sáng mỗi ngày và ngồi học cho tới tận nửa đêm để chuẩn bị cho kì thi đại học ở Trung Quốc (được biết đến với cái tên Gaokao). Sau thời kì gian khổ đó, ba bài thi để Yu trở thành Chuyên gia phân tích tài chính đã trở nên dễ chịu hơn nhiều.

Bài viết trên Bloomberg mới đây ghi lại về hành trình khốn khổ của những học sinh Trung Quốc để vượt qua những kì thi trở thành Chuyên gia phân tích tài chính (CFA).

Chàng trai sinh ra Thượng Hải này đã sử dụng lại những kĩ năng luyện thi đại học để ôn thi trên đường đi làm, sau giờ làm và cuối tuần. Cuối cùng, anh đã vượt qua tất cả ba cấp độ ngay trong lần thi đầu tiên và nhờ đó, anh được phép thêm dòng chữ CFA vào hồ sơ xin việc ở vai trò chuyên gia phân tích y tế tại tập đoàn nghiên cứu y tế.

Giờ đây, Yu đang nắm giữ câu trả lời cho câu hỏi vốn xuất hiện đầy rẫy trong những năm gần đây: Tại sao tỉ lệ đỗ CFA ở Trung Quốc lại cao đến vậy dù các thí sinh Trung Quốc còn phải gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ?

Vì sao người Trung Quốc đổ xô thi CFA?

CFA từ lâu vẫn được xem là kì thi khó khăn nhất của Phố Wall với những câu hỏi trải rộng nhiều lĩnh vực từ kinh tế học, các hợp đồng phái sinh, các mô hình định giá phức tạp và cả về các chuẩn mực đạo đức được viết dưới dạng thuật ngữ tài chính. 

Những thuật ngữ tài chính này đủ hóc búa để "đánh gục" bất kì sinh viên đại học bình thường ở Mỹ.

Charlottesville, Viện CFA có trụ sở ở Virginia và là đơn vị tổ chức các kì thi, cảnh báo rằng mỗi level của CFA đòi hỏi người học phải dành ra ít nhất 300 giờ học để có thể thi đỗ. 

Có nhiều người bỏ nhiều năm để thi cử và mất cả đống tiền để đi thi lại. Từ đó sản sinh ra cả một ngành công nghiệp cung cấp tài liệu học, khóa học và những website như 300hours.com nơi cung cấp các mẹo học hữu ích, lời phàn nàn và thậm chí cả những thuyết âm mưu về chuyện thi CFA.

Những năm gần đây, một xu hướng bỗng xuất hiện qua số liệu thống kê của Viện CFA: Số thí sinh đến từ châu Á, nhất là Trung Quốc, đã tăng rất mạnh, vượt qua tất cả khu vực khác. Đáng chú ý hơn nữa là tỉ lệ đỗ CFA trên toàn thế giới cũng tăng.

Screen Shot 2019-11-27 at 11

Nguồn: Bloomberg. Lâm Thiên Việt hóa

Trong các cuộc phỏng vấn, những thí sinh và người có bằng CFA từ Trung Quốc đã mô tả bài thi này không quá khó sau khi dành cả tuổi trẻ để luyện thi đại học Gaokao. 

Và nhiều người không hề cảm thấy lo lắng trước lời cảnh báo về số giờ học cần bỏ ra để thi đỗ, họ cho biết sẵn sàng dành ra nhiều hơn là 300 giờ học.

Yu cho rằng "siêng năng cần cù chính là chìa khóa" để phát triển trong ngành dịch vụ tài chính đang ngày càng tăng trưởng ở Trung Quốc. Ngoài sử dụng thời gian trước và sau giờ làm việc để ôn thi, cuối tuần anh còn tới thư viện hoặc tham gia lớp học dài cả ngày tại Golden Education. 

Golden Education là một trong những trung tâm luyện thi CFA lớn nhất Trung Quốc, nhiều trong số các trung tâm này cho biết họ có tỉ lệ đỗ của học viên lên tới 70 - 80%, vượt xa tỉ lệ đỗ 45% của toàn thế giới trong tháng 6/2019.

Rào cản ngôn ngữ và sự cạnh tranh của các lò luyện CFA

Theo Nick Pollard, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Charlottesville, việc số lượng thí sinh tham gia kì thi CFA gia tăng cho thấy "nhu cầu ngày càng tăng đối với các nhân tài trong lĩnh vực tài chính" ở khu vực này. Tỉ lệ đỗ trung bình ở châu Á đang bằng với tỉ lệ đỗ của phần còn lại của thế giới, ông nói.

Golden Education và các lò luyện thi cố gắng cạnh tranh tăng hiệu quả đào tạo bằng cách ôn luyện "nát" các tài liệu để nâng tỉ lệ thi đỗ lên cao nhất.

Trên website của Golden Education, một chương trình luyện thi này có giá hơn 1.500 USD và sẽ khởi đầu với những bài học cấp tốc về tiếng Anh trong ngành tài chính.

Ngoài rào cản ngôn ngữ, các thí sinh Trung Quốc còn phải đối mặt với những khó khăn khác như đề thi CFA dựa trên các qui tắc kế toán và mô hình định giá khác biệt so với những gì được dạy tại các trường đại học của Trung Quốc.

Niu Jia, Giảng viên cấp cao về chương trình CFA của Golden Education, cho biết: "Chúng tôi có rào cảnh ngôn ngữ". 

Nhưng không chỉ có vậy, các thí sinh còn có nhiều thách thức khác. Cụ thể, ông cho biết: "Bài thi phụ thuộc vào nguyên tắc kế toán và mô hình định giá – đôi khi khác với những gì đã được dạy ở đại học".

Trường này chỉ định một người giám sát cho mỗi khách hàng để theo dõi tiến triển của họ và thậm chí chuẩn bị bữa trưa trong ngày thi CFA. Họ khẳng định các khách hàng là sinh viên đại học có tỉ lệ đỗ đến 80%. Tuy nhiên, không có cách nào để xác thực các con số này.

ZBG Education, có trụ sở ở Quảng Châu, cung cấp chương trình cắm trại mùa hè và mùa đông kéo dài 15 ngày, cùng với các khóa học cuối tuần và khóa học trực tuyến. 

Chương trình này có tỉ lệ đỗ CFA tới 70%, một phần là do khả năng của những sinh viên đăng kí tham gia, Jason Pi, Giảng viên tại trường này, cho biết. Thay vì 300 giờ học, ông đề xuất học ít nhất 400 giờ.

Những sinh viên top đầu

"Hầu hết người thi CFA đều là các sinh viên top đầu ở Trung Quốc", ông Pi cho biết. "Đối với hầu hết sinh viên của tôi, vài trăm giờ học không phải thứ gì quá nặng nhọc. Nó chẳng là gì so với nỗ lực họ đã bỏ ra để có thể lọt vào các trường đại học top đầu".

CFA công bố số người đăng kí bài kiểm tra bán niên trong tháng 6 và tháng 12 mỗi năm ở khu vực, nhưng chỉ công bố tỉ lệ đỗ trên toàn cầu. 

Trên trang web, Viện CFA hồi thúc những người muốn có bằng CFA phải cẩn thận đánh giá các dịch vụ luyện thi trước khi đăng kí và cung cấp danh sách những nơi luyện thi mà họ đã kiểm định và chấp nhận.

Nỗi ám ảnh của người dân Trung Quốc đối với kì thi Gaokao là chủ đề được phác họa qua các thước phim tài liệu về những thanh niên trải qua nhiều năm tháng "nhồi nhét" kiến thức đầy căng thẳng, đôi khi còn chấp nhận học ở xa nhà để có điểm tốt hơn. 

Chịu quá nhiều áp lực từ kì thi này, nhiều học sinh rơi vào trạng thái suy nhược và thậm chí còn tự vẫn. Trong năm 2019, có đến 10,3 triệu học sinh tham dự kì kiểm tra này.

Khoảng thời gian "nằm gai nếm mật"

Dù vậy, đây không phải là bài thi khó nhằn duy nhất của châu Á. 

Ở Ấn Độ, những trường công nghệ hàng đầu còn sử dụng buổi Kiểm tra Đầu vào Chung (JEE) để làm cơ sở chấm đầu vào, từ đó khiến nhiều người trẻ tuổi cảm thấy lo lắng. 

Ở Nhật Bản, đây là bài kiểm tra dưới sự giám sát của Trung tâm Kiểm tra Đầu vào Đại học Quốc gia.

Tất nhiên những vấn đề trên không phải để nói rằng các thí sinh châu Á miễn nhiễm với những căng thẳng khi chuẩn bị cho bài thi CFA.

Đối với Priscilla Wang, người đang làm việc tại một công ty xếp hạng tín nhiệm ở Hồng Kông, việc tập trung cả cuộc đời vào bài kiểm tra CFA khiến đời cô khốn khổ.

"Tôi không có thời gian để giải trí", Wang, người lớn lên ở Trung Quốc và nhập học tại một trường đại học ở Mỹ, cho hay. 

Đều đặn mỗi ngày, cô đi thẳng về nhà ngay sau khi tan làm và cố gắng tìm một chỗ yên tĩnh để học vào cuối tuần. "Tôi phải nói 'không' với cơ hội vui chơi. Đến nỗi, khi quyết định dành chút thời gian để thư giãn thì trái tim tôi vẫn trĩu nặng, ám ảnh bởi suy nghĩ mình nên học", cô nói.

Một trong những lý do khiến CFA trở nên phổ biến ở châu Á là tấm bằng này cung cấp lợi thế lớn cho những người không học tại các trường đại học quốc tế như Trường Kinh doanh Harvard hay Trường Wharton của ĐH Pennsylvania – những nơi có mức học phí rất đắt đỏ và ngoài tầm với đối với hầu hết người dân.

Ronald Leung và Eddie Chung, cả hai đều là nhà quản lý tư vấn tài chính tại Deloitte China, ước tính gần một nửa nhóm của họ đang làm việc để kiếm tiền thi CFA. 

Cặp đôi đã tiết kiệm tiền bằng cách không tham gia vào các lò luyện thi, bớt làm việc để tập trung học tập một cách độc lập. Sếp của họ còn cho họ nghỉ ba ngày để ôn luyện mỗi kì thi CFA. Chung còn một bài kiểm tra CFA và Leung đã có bằng CFA.

"Đây là khoảng thời gian rất đau đớn", Leung, người thường dành ba tháng để học cho mỗi kì thi, nói. Anh đã vượt qua kì thi CFA cấp độ 3 trong lần thi thứ hai. 

Mặc dù anh ấy cũng là một kế toán viên có chứng nhận, nhưng vẫn không thể tìm ra cách để đánh bóng sơ yếu lí lịch của mình. "Tôi muốn có thêm một chứng nhận nghề nghiệp nữa", anh ấy nói.

Lâm Thiên

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.