Nhà đầu tư cần làm gì để giữ bình tĩnh trước biến cố của thị trường?
Một số nhà đầu tư rất dễ bán tháo ồ ạt, thanh lý phần lớn tài sản rủi ro khi thị trường chứng khoán lao dốc. Nói cách khác là họ phát hoảng.
Hoảng loạn thực chất vẫn có lợi ích. Trạng thái tâm lý này có thể bảo vệ nhà đầu tư trong một cuộc khủng hoảng, theo các tác giả của bài nghiên cứu "Khi nào nhà đầu tư hoảng sợ? Dự đoán của học máy về bán tháo ồ ạt" đến từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Tuy nhiên hoảng loạn cũng có mặt trái: Những nhà đầu tư hoảng loạn "thường đợi quá lâu để tái đầu tư". Sự chậm trễ này khiến họ "bỏ lỡ lợi nhuận đáng kể khi thị trường hồi phục".
Những nhà đầu tư nào dễ hoảng loạn? Bài nghiên cứu chỉ ra những người dưới đây có xu hướng bán tháo ồ ạt cao hơn bình thường:
- Những người trên 45 tuổi
- Nhà đầu tư đã kết hôn hoặc ly dị
- Nam giới có xu hướng hoảng loạn nhiều hơn nữ
- Những người phải nuôi dưỡng người phụ thuộc
- Những người tự nhận có kinh nghiệm đầu tư tốt hoặc tuyệt vời
- Những người có nghề nghiệp là tự kinh doanh, chủ sở hữu và bất động sản.
Vậy những người dễ hoảng loạn nên làm gì để ngăn bản thân đứng ngoài thị trường quá lâu và bỏ lỡ lợi nhuận? Một trong những tác giả của bài nghiên cứu là ông Andrew Lo, Giáo sư tài chính tại Trường Quản lý MIT Sloan, đề xuất những phương pháp sau:
Tôi có thể để mất bao nhiêu tiền?
Giáo sư Lo nói: "Tất cả mọi người đều có khả năng hoảng loạn trong những điều kiện nhất định. Do đó, chúng ta nên chuẩn bị cho những tình huống này bằng cách hỏi bản thân: "Thị trường chứng khoán giảm xuống bao nhiêu thì mình sẽ quyết định đó là thời điểm để bán bớt/bán sạch các khoản đầu tư?""
Kế hoạch giả định như trên tốt nhất nên được thực hiện khi thị trường yên ắng, lúc mà nhà đầu tư có thể bình tĩnh suy nghĩ họ nên phản ứng thế nào với nhiều kiểu biến cố tài chính.
Khi nào nên quay lại thị trường?
Sau khi đã lập kế hoạch về quyết định giảm thiểu rủi ro, bạn cần phân tích kịch bản cho tình huống ngược lại. Hãy tự hỏi bản thân: "Sau khi bán ra thì thị trường phải phục hồi đến mức nào thì mình mới quay trở lại?"
Giáo sư Lo nói: "Lên kế hoạch quay trở lại thị trường còn quan trọng hơn kế hoạch rút lui. Vì một khi bỏ đi, chúng ta rất dễ bị phân tâm bởi những điều khác và không quan sát thị trường phục hồi. Do đó, lúc rời khỏi thị trường thực chất lại là thời điểm thích hợp để tăng cường sự chú ý đến tài chính và đảm bảo rằng mình không đứng ngoài quá lâu".
Những chuyên gia khác đồng ý rằng việc lập sẵn kế hoạch là điều đúng, tờ MarketWatch cho biết. Nhưng như thường lệ, nói thì dễ hơn làm. Ông Eden Burr, Chủ tịch Toews Asset Management nhận xét: "Một số người hoảng loạn nghĩ rằng họ rất thông minh khi bán ra. Họ nghĩ mình có thể quay trở lại với mức giá tốt hơn".
"Nghiên cứu chỉ ra rằng những người hoảng loạn không tuân theo quy tắc mua và bán nào cả. Bán khi thị trường đi xuống thì dễ, nhưng lại sợ không dám mua vào thời điểm thích hợp".
Dành thêm thời gian để quản lý khoản đầu tư
Giáo sư Lo chỉ ra rằng việc phải tốn thêm thời gian là xu hướng chung của cuộc sống hiện đại, diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ về đầu tư, ví dụ như y tế.
Ông giải thích: "Vài thập kỷ trước, lời khuyên điển hình mọi người nhận được về chế độ ăn uống là "hãy ăn thỏa thích". Nhưng ngày nay chúng ta phải lo về carbs, cholesterol, chế độ ăn keto, uống đủ nước và ti tỉ thứ khác, vì chúng ta có nhiều kiến thức y tế hơn".
"Tương tự, chúng ta phải dành nhiều thời gian hơn cho sức khỏe tài chính vì giờ đã biết về chỉ số sợ hãi, bán non kiểu GameStop, sự can thiệp của Fed, v.v..."
Giáo dục và lên kế hoạch
Nhà đầu tư cần biết về lịch sử của những lần thị trường sụt giảm. Chủ tịch Burr cho biết: "Những đợt thị trường suy giảm lớn thường được tiếp nối bởi giai đoạn phục hồi mạnh".
"Nếu nhà đầu tư biết rằng những cổ phiếu lao dốc khi thị trường chung giảm điểm nhiều khả năng sẽ tăng mạnh hơn trong giai đoạn phục hồi, thì có thể họ sẽ trụ lại thị trường trong cả thời điểm xấu lẫn tốt".
Và cuối cùng, điều quan trọng là phải lên kế hoạch với hiểu biết rằng trung bình mỗi thập kỷ có hai lần thị trường cắm đầu lao dốc 37%. Ông Burr chỉ ra: "Nếu biết trước rằng những thách thức tâm lý và tài chính lớn lao đó sẽ xảy ra, thì tốt nhất là nên lập sẵn kế hoạch khi chúng xuất hiện".
"Đừng nghĩ bạn phải thoát hàng ngay khi có biến cố. Hãy tìm hiểu về lịch sử, hiểu được rằng cảm xúc của bản thân có thể là quá khích khi so với thực tiễn của lịch sử đầu tư".
"Chuẩn bị sẵn kế hoạch để làm gì khi thị trường trở nên đáng sợ. Các cuộc diễn tập chữa cháy phát huy công dụng khi đám cháy thật xuất hiện".