|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phù thủy thị trường: Các huyền thoại đầu tư làm gì khi thua lỗ liên tục?

12:44 | 17/07/2021
Chia sẻ
Nhà đầu tư nào cũng từng trải qua giai đoạn thua lỗ liên miên, và những người giỏi nhất cũng không phải ngoại lệ. Điều khác biệt giữa người thành công và người thất bại lại cách hành động khi gặp bất lợi.
Phù thủy thị trường: Các huyền thoại đầu tư làm gì khi thua lỗ liên tục? - Ảnh 1.

Tỷ phú đầu tư Paul Tudor Jones. (Ảnh: Getty Images).

Khi mọi toan tính đều trật bánh

Bạn nên làm gì trong những giai đoạn mà việc giao dịch giống như một cuộc chiến khó khăn? Bạn xử lý thế nào khi mà hầu như mọi chuyện đều có vẻ như đi sai hướng còn tài khoản thì cứ cạn dần?

Ngay cả những nhà đầu tư huyền thoại cũng không ít lần nản lòng vì thua lỗ. Dưới đây là hai lời khuyên cơ bản mà họ rút ra từ kinh nghiệm bản thân, được chia sẻ trong cuốn The Little Book of Market Wizards: Lessons from the greatest Traders (Tạm dịch là Các phù thủy thị trường: Bài học từ những nhà giao dịch tài ba nhất).

1. Giảm quy mô giao dịch

Tỷ phú đầu tư Paul Tudor Jones, nhà sáng lập một trong những quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới cho biết: "Khi tôi đầu tư kém, tôi liên tục giảm quy mô giao dịch. Bằng cách đó, quy mô vị thế của tôi là nhỏ nhất trong giai đoạn giao dịch tồi tệ nhất".

Ed Seykota, cha đẻ của giao dịch qua máy tính, người thu được tỷ suất sinh lời 250.000% trong 16 năm, có lời khuyên tương tự: "Hãy liên tục giảm rủi ro trong giai đoạn khoản đầu tư của bạn mất giá. Bằng cách này bạn sẽ giữ được an toàn cho tiền và "hạ cánh" nhẹ nhàng hơn".

Marty Schwartz là một nhà đầu tư cực kỳ thành công theo phân tích kỹ thuật. Ông đã biến tài khoản tiền 20.000 USD ban đầu thành 40 triệu USD. Schwartz nói rằng ông sẽ giảm vị thế giao dịch xuống còn 1/5 hay 1/10 mức bình thường nếu những khoản lỗ khiến niềm tin của ông dao động: "Tôi luôn chơi rất nhỏ và cố gắng lãi từng chút một… Và chiến lược này mang lại thành công".

Schwartz hồi tưởng rằng hồi đầu tháng 11/1982, chỉ trong một ngày mà tài khoản của ông "bốc hơi" tới 600.000 USD. Ông phản ứng bằng cách mạnh tay giảm vị thế giao dịch, tích cóp từng khoản lãi nhỏ và kết thúc tháng với khoản lỗ chỉ khoảng 57.000 USD.

Randy McKay, người "hô biến" danh mục ban đầu 2.000 USD thành hàng chục triệu USD sau 20 năm, thậm chí còn cực đoan hơn trong việc giảm vị thế khi rơi vào chuỗi thua lỗ.

"Chừng nào tôi còn đang thua thì chừng đó tôi còn cắt giảm vị thế giao dịch. Có lúc tôi giảm từ 3.000 hợp đồng mỗi giao dịch xuống còn 10 hợp đồng", McKay kể. Ông cho rằng sự thay đổi mạnh mẽ về quy mô giao dịch là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của mình.

2. Ngừng giao dịch

Đôi khi giảm quy mô giao dịch thôi là chưa đủ, và biện pháp tốt nhất để cắt chuỗi thua lỗ là ngừng giao dịch.

Michael Marcus, người biến 30.000 USD thành 80 triệu USD trong 10 năm nhờ thị trường chứng khoán lập luận: "Tôi nghĩ rằng thua lỗ mời gọi thua lỗ. Khi bắt đầu lỗ, tâm lý bạn trở nên tiêu cực, dẫn đến bi quan… Khi tôi nếm trải một chuỗi thua lỗ tồi tệ, tôi nói với bản thân: "Mình không thể giao dịch được nữa"".

Richard Dennis, người được cho là đã đưa danh mục đầu tư 400.000 USD lên gần 200 triệu USD, đưa ra quan điểm giống với Marcus. Ông cho rằng khi khoản lỗ phình to đến một con số nhất định thì sẽ thì nhà đầu tư sẽ không còn sáng suốt. Lời khuyên thẳng thắn từ Dennis: "Khi bạn bị tẩn gần chết thì lấy hết sức ra mà chạy".

Nếu rơi vào chuỗi thua lỗ, giải pháp tốt nhất không phải là cố gắng hơn, mà là ngược lại: Ngừng giao dịch. Hãy nghỉ ngơi hoặc thậm chí là đi du lịch, thanh lý mọi vị thế hoặc bảo vệ chúng bằng lệnh dừng lỗ trước khi rời đi.

Cho cơ thể nghỉ ngơi có thể làm gián đoạn chuỗi lao dốc và sự mất tự tin khi thua lỗ. Sau đó, khi quay trở lại, hãy bắt đầu giao dịch lại từ mức nhỏ và tăng dần vị thế nếu thấy giao dịch trở nên dễ dàng.

Khi đời đẹp như mơ 

Trái ngược với giai đoạn thua lỗ dai dẳng là những lúc mọi thứ gần như tốt đẹp đến khó tin. Chúng cũng là những thời điểm mà nhà đầu tư nên cân nhắc chơi nhỏ hơn. Sau mỗi giai đoạn lãi đặc biệt lớn, Marty Schwartz sẽ giảm quy mô giao dịch. Ông giải thích: "Những lần lỗ nặng nhất của tôi luôn đến sau những lần lãi lớn nhất".

Hẳn nhiều nhà đầu tư cũng có trải nghiệm tương tự. Vì sao lại những khoản lỗ tệ nhất lại có xu hướng theo sau giai đoạn tốt nhất?

Một khả năng là chuỗi thắng lợi dài dẫn đến sự tự mãn và sự tự mãn dẫn đến giao dịch tùy tiện. Lời giải thích khác là những giai đoạn bạn có hiệu suất cực cao cũng là lúc rủi ro đặc biệt lớn.

Bài học ở đây là: Nếu tài khoản bạn tăng sốc gần như mỗi ngày và mọi khoản đầu tư đều lên giá thì hãy cẩn thận. Đây chính là lúc đề phòng sự tự mãn và hết sức thận trọng.

Giang