|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phố Wall lạc quan thận trọng về triển vọng thị trường chứng khoán Mỹ năm 2024

07:53 | 25/12/2023
Chia sẻ
Sang năm 2024, thay vì cố gắng dự báo cuộc suy thoái tiếp theo, nhiều nhà kinh tế quan tâm nhiều hơn đến thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Vào đầu năm 2023, hầu hết các nhà kinh tế và lãnh đạo tài chính tại Phố Wall đều tin rằng một cuộc suy thoái sắp xảy ra ở Mỹ.

Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhanh chóng tăng lãi suất để chống lạm phát và từ đó đẩy chi phí đi vay tăng cao, các dự báo về kinh tế và thị trường rất ảm đạm.

Mục tiêu giá trung bình cuối năm của các ngân hàng đầu tư đối với S&P 500 chỉ khoảng 4.000 điểm. Điều này ngụ ý rằng chỉ số tổng hợp hàng đầu trên sẽ chỉ tăng 4% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trung bình hàng năm khoảng 10% kể 1957 tới nay.

Nhưng kịch bản đó đã không xảy ra. Chứng khoán Mỹ lại tăng vọt và nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tỏ ra kiên cường. Lãi suất tăng đã giúp “hạ nhiệt” lạm phát mà không ảnh hưởng quá lớn tới thị trường lao động, dẫn đến chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ổn định.

Sang năm 2024, thay vì cố gắng dự báo cuộc suy thoái tiếp theo, nhiều nhà kinh tế quan tâm nhiều hơn đến thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed.

Hiện các dự báo suy thoái vào năm 2024 không còn phổ biến, nhưng nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng sau nhiều năm lạm phát và lãi suất tăng cao, bên cạnh các căng thẳng địa chính trị leo thang. Ông Nicholas Brooks, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế và đầu tư tại công ty quản lý tài sản ICG nhận định môi trường tăng trưởng trong năm 2024 sẽ khá chậm chạp.

Ông Brooks tin rằng tỷ suất lợi nhuận của các công ty sẽ chịu áp lực lớn hơn vào năm tới, khi khả năng chuyển chi phí gia tăng sang người tiêu dùng và thúc đẩy lợi nhuận của họ giảm dần. Điều đó có thể khiến tăng trưởng doanh thu yếu đi, đồng thời cảnh báo về môi trường đầu tư khó khăn hơn vào năm 2024.

Bà Sinead Colton Grant, Giám đốc đầu tư mới của công ty quản lý tài sản BNY Mellon Wealth Managementcho cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ yếu hơn vào năm 2024. Lạm phát cao dai dẳng có thể khiến lãi suất giảm ít hơn mức các nhà đầu tư mong đợi và điều này sẽ kìm hãm thị trường.

Bà dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 125 điểm cơ bản, trong khi thị trường hiện đang đặt cược vào 150 điểm cơ bản. Ngoài ra, bà dự kiến mức tăng trưởng GDP của Mỹ chỉ khoảng 2% và lạm phát sẽ ở mức từ 2,5 - 3,5% vào cuối năm 2024.

Mặc dù hầu hết các chuyên gia đều lạc quan hơn so với một năm trước, nhưng các chuyên gia tại Phố Wall đang đưa ra rất nhiều triển vọng kinh tế và thị trường khác nhau. Phần lớn bất đồng xoay quanh thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất của Fed.

Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của ngân hàng Goldman Sachs dự kiến Fed sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất vào mùa Hè và tổng cộng 5 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024.

Theo ông Hatzius, “cuộc đại giảm phát” đã bắt đầu và lãi suất quỹ của Fed sẽ giảm xuống khoảng 3,25-3,5% vào nửa cuối năm 2025. Đây sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho thị trường và nền kinh tế sau nhiều năm chi phí đi vay tăng cao.

Tuy nhiên, chiến lược gia đầu tư Jeffery Kleintop tại công ty quản lý tài sản PNC Wealth Management nhận định tình hình kinh tế “khỏe mạnh” gần đây có thể khiến Fed tránh cắt giảm lãi suất cho đến nửa cuối năm. Ông nhận định Fed sẽ chỉ thực hiện một vài đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới. Lãi suất thực tế vẫn sẽ ở mức cao.

Bà Colton Grant của BNY Mellon Wealth Management cũng tin rằng các nhà đầu tư dự đoán việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ có thể đang “cầm đèn chạy trước ô tô”. Lý do khiến bà tỏ ra thận trọng hơn là Fed thực sự muốn thấy lạm phát đã được kiểm soát trước khi họ bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Dù dự báo về thời điểm Fed cắt giảm lãi suất khác nhau, nhưng hầu hết các chuyên gia tại Phố Wall dường như đều đồng ý về một điều: Thời kỳ lãi suất gần bằng 0 đã qua.

Ông George Mateyo, Giám đốc đầu tư tại ngân hàng Key Private Bank tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ trở lại “trạng thái bình thường cũ” trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chứ không phải chế độ lãi suất bằng 0. Theo ông, lạm phát có thể ổn định trên mức mục tiêu 2% của Fed, khiến lãi suất ở mức khoảng 3,5% hoặc 4% vào cuối năm 2024

Chuyên gia Brooks của ICG cũng nghi ngờ việc Mỹ sẽ đạt mức lạm phát 2% vào năm 2024.

Sau khi giảm khoảng 20% vào năm 2022, một loạt các yếu tố gồm lạm phát “hạ nhiệt”, triển vọng lãi suất giảm và sự hào hứng xung quanh công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp S&P 500 bùng nổ trong năm nay. Sau đợt tăng mạnh hồi tháng 10 của chỉ số này, Phố Wall đang nỗ lực điều chỉnh mục tiêu giá cho năm 2024.

Công ty tư vấn Capital Economics and  công ty quản lý đầu tư Infrastructure Capital Management đều đặt ra mục tiêu giá 5.500 cho S&P 500. Đây là mức cao nhất trên Phố Wall và ngụ ý khả năng chỉ số này tăng 15% trong năm tới.

Ông Tom Lee, người đồng sáng lập công ty tư vấn tài chính Fundstrat Global Advisors cũng lạc quan khi cho rằng S&P 500 sẽ tăng gần 10% lên 5.200 vào cuối năm sau.

Tuy nhiên, một số tên tuổi lớn nhất của Phố Wall vẫn lo lắng về năm 2024. Giám đốc chiến lược thị trường và đồng giám đốc nghiên cứu thị trươn toàn cầu của ngân hàng JPMorgan, ông Marko Kolanovic tin rằng S&P 500 sẽ giảm 12% xuống chỉ còn 4.200 vào năm tới khi tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, tiết kiệm hộ gia đình ở Mỹ suy giảm và rủi ro địa chính trị gia tăng.

Ông Rich Steinberg, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty tài chính Colony Group, dự báo lợi nhuận thấp và nhiều biến động vào năm 2024. Điều này là do tăng trưởng kinh tế tương đối yếu cùng những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Mục tiêu giá của ông Steinberg cho S&P 500 là 4.800 điểm. Trong kịch bản lạc quan hơn, con số này có thể lên mức 5.000 điểm.

Nhìn chung, mục tiêu trung bình mà các ngân hàng đầu tư, công ty nghiên cứu và nhà quản lý tài sản trên Phố Wall đưa ra cho S&P 500 là 4.910 vào năm tới. Con số này chỉ tương đương mức tăng 3% (so với phiên đóng cửa ngày 22/23) vào năm 2024, trong khi chỉ số này đã tăng hơn 24% tính tới thời điểm này trong năm nay.

H. Thủy