Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi: Chăn nuôi phải cạnh tranh tốt trong nước trước khi nghĩ tới vươn sang đất châu Âu
Mới đây, Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Để làm rõ hơn tác động của hiệp định này đối với ngành chăn nuôi, người viết đã có cuộc trao đổi riêng với ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi.
Mới đây, Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ông đánh giá thế nào về thách thức đối với ngành chăn nuôi?
EVFTA đem lại nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi phát triển. Theo đó, chúng ta sẽ có thị trường rộng lớn, tạo điều kiện để phát triển ngành.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là áp lực cạnh tranh và dịch bệnh như dịch tả heo châu Phi, dịch cúm gia cầm và một số bệnh dịch khác.
Thách thức lớn nhất của chăn nuôi Việt Nam là làm sao có thể đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm.
Ngành chăn nuôi của chúng ta đang còn nhiều điểm hạn chế trong sản xuất theo chuỗi, liên kết còn rời rạc.
Do đó, thời gian tới, toàn bộ ngành cần phải tăng cường sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo được an toàn.
Một yếu tố thuận lợi để ngành chăn nuôi cải tổ đó là luật chăn nuôi, 2 nghị định 4 thông tư đã có hiệu lực từ năm 2020. Đây là những cơ sở pháp lí để chúng ta tái cơ cấu ngành.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng hộ chăn nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ trọng lớn, nhất là đối với ngành chăn nuôi heo, ông đánh giá thế nào về khó khăn trong việc thúc đẩy liên kết theo chuỗi, hiện đại?
Vừa qua, dịch tả heo châu Phi lây lan rộng trên cả nước gây thiệt hại cho kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào khía cạnh tích cực hơn thì đây là cuộc cách mạng để thay đổi cơ cấu sản xuất giữa đối với người chăn nuôi heo. Các ngân hàng rất ngại cho vay đối với ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung do rủi ro về thời tiết, bệnh dịch. Do đó, đây đây là trở ngại cực kì lớn. Chính phủ cũng cần có chỉ đạo kịp thời đối với vấn đề này.
Trước đây, chăn nuôi heo chiếm tỉ trọng lớn trên 70% trong cơ cấu của ngành. Tuy nhiên, sau khi bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra, tỉ trọng này đã thay đổi khi tổng đàn heo giảm do dịch bệnh trong khi các loại gia cầm, gia súc ăn cỏ tăng lên.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tại thời điểm tháng 12/2019, tổng đàn heo của cả nước trên 24 triệu con, giảm 11,5% so với năm 2018.
Trong khi đó, đàn gia cầm có tốc độ tăng trưởng cao, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Khi tình hình dịch bệnh ở heo diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm và trứng tăng mạnh do người dân đã chuyển sang sử dụng thịt gia cầm và các loại trứng nhiều hơn.
Người chăn nuôi gia cầm cũng yên tâm mở rộng quy mô đàn.
Do đó, cơ cấu của ngành chăn nuôi trong năm 2019 thay đổi. Theo đó, tỉ trọng của heo giảm chỉ còn trên 65% còn lại gia cầm trên 25%, gia súc ăn cỏ 9 - 11%.
Đồng thời, khi dịch xảy ra nhiều nông hộ nhỏ lẻ đối mặt với thách thức lớn khi không đủ điều kiện an toàn và vốn để tái đàn. Do đó, số lượng nông hộ chăn nuôi heo giảm nhiều và đang có chiều hướng đẩy mạnh trang trại công nghiệp qui mô lớn hoặc nông trại chuyên nghiệp hiện đại.
Muốn tiếp tục chăn nuôi heo, hộ chăn nuôi cần phải đầu tư bài bản và áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học gắn với sử dụng các chế phẩm sinh học để bổ sung. Nếu không đáp ứng được điều kiện này thì cần phải chuyển đổi sang nuôi vật nuôi khác hoặc chuyển đổi nghề khác để có sinh kế bền vững hơn.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, chỉ có trang trại và nông hộ chuyên nghiệp mới có sức cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, sau đợt dịch vừa qua, nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp gần như kiệt quệ và gặp khó khăn trong vay vốn, theo ông chúng ta cần giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đây cũng là điểm nghẽn trong ngành hiện nay. Khó nhất là nhiều hộ doanh nghiệp phá sản, không còn vốn để tái đàn. Trong khi đó, mặc dù Thủ tướng đã chỉ đạo đối với ngành tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi nhưng thực thi ở địa phương về vay vốn rất khó.
Các ngân hàng rất ngại cho vay đối với ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung do rủi ro về thời tiết, bệnh dịch. Do đó, đây đây là trở ngại cực kì lớn. Chính phủ cũng cần có chỉ đạo kịp thời đối với vấn đề này.
Hiện nay chúng ta vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề dịch bệnh trong khi ngành chăn nuôi của các nước châu Âu rất mạnh, ông đánh giá thế nào về áp lực của ngành chăn nuôi ngay tại ở "sân nhà"?
Khi đã tham gia vào thị trường quốc tế chúng ta chấp nhận áp lực cạnh tranh thậm chí ngay cả trên sân nhà.
Sản phẩm mình phải cạnh tranh về giá cả, an toàn thực phẩm. Đối với dịch tả heo châu Phi, gần 100 năm rồi mà chưa có nước nào giải quyết được.
Thế giới chưa có vắc-xin chưa có nên giải pháp duy nhất dùng chế phẩm sinh học và chăn nuôi an toàn. Phương pháp này không chỉ tốt cho việc phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi mà còn đối với các dịch bệnh khác.
Các hộ chăn nuôi phải làm tốt cạnh tranh ở thị trường trong nước trước khi nghĩ đến cạnh tranh trên đất châu Âu. Điều này không chỉ đúng với ngành chăn nuôi heo mà còn đúng với ngành chăn nuôi khác.
Trên thực tế, một số nước châu Âu có dịch tả heo châu Phi nhưng họ vẫn xuất khẩu được đó là vì người ta sản xuất qui củ, chuyên nghiệp. Việt Nam cũng cần phải tiếp cận những nước đó để học hỏi thêm kinh nghiệm.