|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Philippines và Indonesia là hai khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam

20:01 | 15/06/2024
Chia sẻ
Tính đến hết tháng 5, Việt Nam đã xuất khẩu 4 triệu tấn gạo với kim ngạch thu về 2,56 tỷ USD. Trong đó, Philippines và Indonesia là hai khách hàng lớn nhất, chiếm tới 63,2% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 856.197 tấn, trị giá 521,7 triệu USD, giảm 14,6% về lượng và 15,8% về trị giá so với tháng trước, nhưng tăng 18,2% về và 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 4 triệu tấn với trị giá thu về 2,56 tỷ USD, tăng 11,2% về lượng và tăng tới 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá gạo xuất khẩu mặc dù giảm trong thời gian gần đây nhưng tính chung 5 tháng vẫn tăng 20% lên mức bình quân 636 USD/tấn.

Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam qua các tháng giai đoạn 2023 - 2024. (Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu từ Tổng cục Hải quan).

Trong 5 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á, dẫn đầu là Philippines, Indonesia, Malaysia… 

Trong đó, xuất khẩu sang Philippines đạt 1,8 triệu tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 47,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường này chiếm 45,5% về lượng và 44,6% về trị giá trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Tiếp đến là Indonesia, chiếm 16,8% lượng xuất khẩu với 676.762 tấn, trị giá 424,1 triệu USD, tăng 83,4% về lượng và tăng 2,2 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, Philippines và Indonesia cùng nhau chiếm 63,2% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài hai thị trường kể trên, lượng gạo xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng tăng khá mạnh trong 5 tháng đầu năm như: Malaysia đạt 337.963 tấn, tăng 82,5%; Ghana đạt 198.458 tấn, tăng 9,7%; Bờ Biển Ngà đạt 195.782 tấn, tăng 21,9%...

Ngược lại, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Hongkong, Mỹ, Đài Loan lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2023. (Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu từ Tổng cục Hải quan).

Tại cuộc họp về xuất khẩu gạo, rau quả giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Hiệp hội ngày 28/5, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết trong 5 tháng đầu năm, giá gạo trong nước tăng hơn so với cùng kỳ, đảm bảo hiệu quả bà con nông dân, người trồng lúa.

Đại diện của VFA dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu cấm xuất khẩu gạo do El Nino, khả năng đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam.

Trong khi đó, Chính phủ Philippines mới đây đã thông qua việc giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% đối với cả gạo trong và ngoài hạn ngạch cho đến năm 2028.

Quyết định trên nhằm mục đích hạ giá gạo và giúp gạo có giá cả phải chăng hơn đối với đại đa số người dân, nhất là dân nghèo ở Philippines. Mức thuế này cũng hỗ trợ các nhà nhập khẩu có thể mua nhiều gạo hơn từ thị trường thế giới.

Đây được xem là cơ hội cho các nhà cung cấp, bao gồm Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Philippines, chiếm tới 80% thị phần.

Hiện giá gạo của Việt Nam cũng đang khá cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tính đến ngày 14/6, gạo trắng 5% tấm được chào bán với giá 570 USD/tấn, trong khi sản phẩm cùng loại của Pakistan và Thái Lan dao động ở mức 583 USD/tấn và 618 USD/tấn.

Còn tại Indonesia, Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bapanas) cho biết, sản lượng gạo tháng 6 và tháng 7 của nước này dự kiến đạt 2 và 2,1 triệu tấn, giảm so với 2,8 và 2,5 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Từ tháng 1 đến tháng 7, sản lượng mặt hàng chủ lực này đạt 18,6 triệu tấn, giảm 13,3%. Trong khi đó, mức tiêu thụ là 18 triệu tấn. Hiện tượng thời tiết El Nino vào năm ngoái đã làm giảm lượng mưa, khiến vụ mùa mới bị chậm trễ và sản lượng giảm sút.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), Indonesia đã nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo trong 4 tháng đầu năm, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường cung cấp chính gồm: Thái Lan đạt 764,6 nghìn tấn, Việt Nam 505,67 nghìn tấn, Pakistan 298,5 nghìn tấn và Ấn Độ 231,7 nghìn tấn. Phần còn lại 15,3 nghìn tấn đến từ các nước khác.

Hoàng Hiệp