|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gạo Việt đang 'đội sổ' về giá bán

07:50 | 01/06/2024
Chia sẻ
Xuất khẩu gạo 5 tháng đạt kỷ lục gần 4,2 triệu tấn với trị giá thu về gần 2,7 tỷ USD. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang thấp hơn tới 46 USD/tấn so với Thái Lan và 19 USD/tấn so với Pakistan.

Giá gạo xuất khẩu 'đội sổ'

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục gần 4,2 triệu tấn, trị giá gần 2,7 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và 38,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 5 tháng đầu năm tăng 20,5% lên 638 USD/tấn.  

Trong đó, thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á, dẫn đầu là Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc… 

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê 

Mặc dù đạt được kết quả khá tích cực song giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại đang tụt lại khá xa so với các nước khác.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 30/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm 4 USD/tấn so với phiên giao dịch trước và thấp hơn đáng kể so với sản phẩm cùng loại của Thái lan và Pakistan. Cụ thể, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 574 USD/tấn, trong khi giá gạo của Thái Lan là 620 USD/tấn (cao hơn 46 USD/tấn) và Pakistan là 593 USD/tấn (19 USD/tấn).

Tại thị trường nội địa, giá lúa gạo trong tuần từ ngày 16/5 đến 23/5 cũng giảm từ 200 – 450 đồng/kg so với tuần trước.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và một số nước tính đến ngày 30/5 (ĐVT: USD/tấn)

Nguồn: VFA

Trang Ssricenews đưa tin, ngày 22/5 vừa qua, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã công bố kết quả mở thầu tháng 5 cho thấy trong tổng số 150.000 tấn gạo trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các doanh nghiệp Việt Nam, số còn lại đến từ Pakistan và Myanmar. 

Giá trúng thầu của doanh nghiệp Việt ở mức 563 - 564,5 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với giá trúng thầu lên tới 621,5 - 629 USD/tấn của Pakistan và Myanmar. Đồng thời thấp hơn 22,5 - 24 USD/tấn so với giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thái Lan không trúng thầu trong đợt mua vào lần này của Indonesia do đưa ra mức giá chào thầu cao lên đến 649 – 658,5 USD/tấn.

Thực tế đây không phải lần đầu tiên Việt Nam trúng thầu giá thấp sang Indonesia. Trong phiên mở thầu trước đó vào tháng 4 Bulog đã mua thành công 300.000 tấn gạo, trong đó có 109.000 tấn từ Việt Nam với giá 588-590 USD/tấn, thấp hơn 18 – 20 USD/tấn so với các nước khác.

Những diễn biến này trái ngược so với năm ngoái khi giá gạo Việt Nam luôn dẫn đầu thế giới và có thời điểm cao hơn đến 90 USD/tấn so với gạo của Thái Lan.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Reuters và VFA 

Liên quan đến thông tin một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, Bộ Công Thương vừa yêu cầu Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác minh thông tin việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo “bỏ thầu giá thấp”, có báo cáo gửi về Cục Xuất nhập khẩu ngày 31/5.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu. 

Để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị VFA tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào trị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Đồng thời VFA xác minh các thông tin mà các cơ quan truyền thông đăng tải trong thời gian vừa qua về việc một số doanh nghiệp "bỏ thầu giá thấp".

Tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên để nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, pháp luật cạnh tranh và phòng vệ thương mại.

Đồng thời, tăng cường theo dõi hoạt động xuất khẩu của hội viên để kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý về Bộ Công thương và các cơ quan chức năng có liên quan nếu có. 

Cần áp dụng giá sàn xuất khẩu?

Tại cuộc họp về xuất khẩu  gạo, rau quả giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Hiệp hội chiều ngày 28/5, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, cho biết trong 5 tháng đầu năm, giá gạo trong nước tăng hơn so với cùng kỳ, đảm bảo hiệu quả bà con nông dân, người trồng lúa.

Đại diện của VFA dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu cấm xuất khẩu gạo do El Nino, khả năng đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam.

Dù vậy, ông cũng nêu một số vấn đề tồn tại, như việc doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá. Đồng thời đề nghị Liên bộ và Hiệp hội chỉ đạo rốt ráo xử lý vấn đề này. Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Nam đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo.

Về tình hình sản xuất, theo Cục trồng trọt (Bộ NN& PTNT) diện tích sản xuất lúa năm 2024 của cả nước ước khoảng 7,09 triệu ha, năng suất trung bình đạt 61,2 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm 2023; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc, giảm khoảng 35 nghìn tấn so với năm 2023.

Nếu từ nay đến cuối năm, không có diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì sản xuất lúa năm 2024 đảm bảo kế hoạch đề ra về diện tích, năng suất, sản lượng; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và đồng thời đảm bảo lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn.

Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Năm ngoái, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với kim ngạch kỷ lục 4,7 tỷ USD. Năm nay, xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ đạt 5 tỷ USD.

Hoàng Hiệp