|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường gạo, đường, lúa mì toàn cầu 'nín thở' chờ quyết định của Ấn Độ

16:25 | 01/06/2024
Chia sẻ
Thị trường nông sản đang theo dõi những biến động trong chính sách thương mại của Ấn Độ sau khi chính phủ mới nhậm chức trong tháng 6. Điều này có thể gây ra những tác động đáng kể đến giá lương thực toàn cầu trong đó có gạo, đường và lúa mì.

Theo Bloomberg, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới đã hạn chế xuất khẩu một số cây trồng chủ chốt như đường, gạo, lúa mì…trong hơn một năm nay.

Thủ tướng Narendra Modi đã tìm cách đảm bảo đủ nguồn cung trong nước và kiềm chế lạm phát trước cuộc bầu cử quốc gia. Điều này đồng nghĩa Ấn Độ phải rút lại cam kết cung cấp đủ lượng thực ra thế sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ.

Giá một số mặt hàng nông sản đã giảm so với mức đỉnh, trong khi các cơ quan nhà nước cũng siết chặt việc đầu cơ, tích trữ và bán một số loại ngũ cốc từ kho dự trữ nhà nước. Điều đó làm tăng khả năng Ấn Độ sẽ thay đổi các hạn chế sau khi kết quả bầu cử được công bố vào ngày 4/6.

Người phát ngôn đại diện cho cả bộ thực phẩm và thương mại đều không đưa ra bình luận ngay lập tức.

Bất kỳ sự nới lỏng nào trong hoạt động xuất khẩu nào cũng có thể làm giảm giá gạo ở châu Á, hiện đang giao dịch gần mức cao nhất trong 15 năm và góp phần làm giảm giá đường. 

Tuy nhiên, đà tăng giá lúa mì Chicago có thể được thúc đẩy hơn nữa nếu chính quyền chấp nhận yêu cầu cắt giảm thuế nhập khẩu của ngành để tăng nguồn cung trong nước.

Gạo

Quốc gia này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và gạo trắng và áp thuế 20% đối với loại gạo đồ. Động thái này đã siết chặt nguồn cung toàn cầu và giúp tăng giá thế giới và là một đòn giáng mạnh vào một số quốc gia ở Tây Phi và Trung Đông vốn phụ thuộc vào Ấn Độ trong hầu hết nhu cầu về lương thực thiết yếu.

Ông BV Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo cho biết: “Các nhà xay xát gạo Ấn Độ sẽ yêu cầu chính phủ mới cho phép xuất khẩu gạo tấm và gạo trắng trở lại”. Ông nói, ngành công nghiệp sản xuất gạo chấp nhận với việc áp thuế, nhưng các hạn chế khác nên được dỡ bỏ.

Ông Rao cho biết, nguồn cung trong nước dồi dào và dự báo gió mùa trên mức bình thường làm tăng triển vọng sản lượng cho vụ thu hoạch năm 2024-2025.

 Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan tăng phi mã kể từ khi Ấn Độ siết chặt hoạt động xuất khẩu (Nguồn: Hiệp hội Gạo Thái Lan, Bloomberg, Đơn vị: USD/tấn)

Lúa mì

Ngành này đã vận động chính phủ giảm thuế 40% đối với lúa mì để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua hàng ở nước ngoài. Nguồn cung trong nước đã trở nên thắt chặt hơn do các cơ quan nhà nước mua số lượng lớn phục vụ cho các chương trình phúc lợi khác nhau, đồng thời giá lúa mì và bột mì bán lẻ tăng khoảng 5% so với một năm trước. Giá lúa mì tương lai ở Chicago đã tăng hơn 9% từ đầu năm đến nay.

Navneet Chitlangia, phó chủ tịch cấp cao của Liên đoàn các nhà xay bột mì Ấn Độ, cho biết nước này cần nhập khẩu 2 triệu đến 3 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay để cải thiện khả năng cung cấp ở thị trường nội địa.

Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán nhập khẩu lúa mì của Ấn Độ đạt 2 triệu tấn trong niên vụ bắt đầu vào ngày 1/4 do nhu cầu nội địa ổn định.

Mối lo ngại của các nhà xay bột và sản xuất bánh mì về việc kho dự trữ giảm dần sẽ tiếp tục trong nhiều tháng vì việc gieo hạt cho vụ tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng 10 và tháng 11, trong khi việc thu hoạch sẽ chỉ bắt đầu vào tháng 3/2025.

Đường

Nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới đã gia hạn các hạn chế sau tháng 10. Nước này đã hạn chế xuất khẩu ở mức khoảng 6 triệu tấn trong niên vụ 2022 - 2023, so với 11 triệu tấn không hạn chế một năm trước đó. Quốc gia này vẫn chưa công bố hạn ngạch năm nay.

Deepak Ballani, lãnh đạo Hiệp hội các nhà sản xuất đường và năng lượng sinh học Ấn Độ cho biết, nước này có đủ dự trữ cho tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu 2 triệu tấn trong niên vụ 2023 -2024. Ông nói: “Chúng tôi mong muốn chính phủ cho phép xuất khẩu theo yêu cầu của chúng tôi”.

Ông cho biết lượng mưa trước gió mùa tốt và dự báo lượng mưa trên mức bình thường trong năm nay sẽ không chỉ đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng trong nước mà còn duy trì chương trình sản xuất ethanol.

H.Mĩ