Gạo Việt có thể bị ép giá khi doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp
Giá gạo Việt có thể khó tăng vì tiền lệ xấu
Thời gian gần đây thông tin doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp để xuất khẩu gạo sang Indonesia tạo sự chú ý. Theo đó, mức giá trúng thầu của hai doanh nghiệp của Việt Nam là Lộc Trời và Thuận Minh, trung bình khoảng 564 USD/tấn.
Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá trúng thầu lên tới 621,5 - 629 USD/tấn của Pakistan và Myanmar. Đồng thời thấp hơn 22,5 - 24 USD/tấn so với giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thái Lan không trúng thầu trong đợt mua vào lần này của Indonesia do đưa ra mức giá chào thầu cao lên đến 649 – 658,5 USD/tấn.
Trao đổi với cúng tôi, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ nhận định việc các doanh nghiệp xuất khẩu lớn bỏ giá thầu thấp được xem là điều lạ và cần xem xét loại gạo định xuất khẩu là gạo gì và đây có phải là chiến lược mở rộng thị phần của các doanh nghiệp không?
“Nếu trường hợp nhu cầu gạo thế giới còn tăng cao, doanh nghiệp bỏ giá thấp sẽ thua lỗ vì lúc đó, giá trong nước cũng sẽ tăng theo. Nói cách khác họ sẽ phải chấp nhận mua gạo trong nước với giá cao nhưng xuất đi với giá thấp vì hợp đồng đã ký.
Trường hợp còn lại nếu nhu cầu gạo thế giới giảm hoặc Ấn Độ xuất khẩu gạo trở lại trong năm nay như những gì thị trường vẫn đồn đoán, doanh nghiệp vẫn có đơn hàng để giao”, ông Hoàng nhận định.
Ông Thuỷ cho biết thông thường các doanh nghiệp ký hợp đồng xong rồi mới thu mua lúa từ người dân. Điều này dễ dẫn đến việc tranh mua - tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh.
Có thể thấy dường như đây là một ván cược lớn của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường hiện còn nhiều ẩn số, nhất là tại Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% thương mại gạo toàn cầu.
Trước đó, Financial Express dẫn lời một quan chức Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi cần xem xét dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu gạo vì triển vọng vụ thu hoạch kharif có vẻ tươi sáng”.
Việc gieo trồng lúa kharif, cung cấp đến 80% tổng sản lượng lúa của Ấn Độ, thường được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7, khi lượng mưa tăng dần trên khắp đất nước.
Tháng trước, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo lượng mưa 'trên mức bình thường' vào tháng 6-9 năm nay. Trong đó, 90% khả năng lượng mưa ở mức "bình thường đến cao hơn bình thường”. Năm ngoái, lượng mưa không đều và dưới mức bình thường đã ảnh hưởng đến sản lượng lúa.
“Việc bỏ thầu giá thấp hay cao là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu giá thấp quá, các khách hàng khác sẽ lấy đây là căn cứ để hạ giá gạo của Việt Nam. Các thị trường truyền thống có thể căn cứ vào giá bỏ thầu thấp để đưa ra giá, gạo Việt sẽ không thể tăng cao hơn được. Điều này là bất lợi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và cả người trồng lúa”, ông Hoàng Trọng Thuỷ nhận định.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang tụt lại khá xa so với các nước khác. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 30/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm 4 USD/tấn so với phiên giao dịch trước và thấp hơn đáng kể so với sản phẩm cùng loại của Thái lan và Pakistan.
Cụ thể, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 574 USD/tấn, trong khi giá gạo của Thái Lan là 620 USD/tấn (cao hơn 46 USD/tấn) và Pakistan là 593 USD/tấn (19 USD/tấn).
Tại thị trường nội địa, giá lúa gạo trong tuần từ ngày 16/5 đến 23/5 cũng giảm từ 200 – 450 đồng/kg so với tuần trước.
Tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực hôm 28/5, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, cũng nêu thực trạng hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá hay việc doanh nghiệp nợ tiền lúa của người dân.
Ông đề nghị Bộ Công Thương và Bộ NN&PTN chỉ đạo rốt ráo xử lý vấn đề này. Ngoài ra, ông đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, đối với người trong cuộc, phía doanh nghiệp tham gia bỏ thầu cho rằng biết mức giá đưa ra "đã tính toán kỹ lưỡng".
Trong thông cáo báo chí mới đây, Lộc Trời cho biết "Khi ký kết các đơn hàng, từng mức giá đều được tính toán rất kỹ lưỡng, bù đắp được các khoản chi phí, tập đoàn có lợi nhuận đồng thời hài hòa lợi ích của bà con nông dân, lợi ích thị trường và lợi ích của nông sản Việt Nam về lâu dài”.
Tập đoàn cho rằng mức giá của đơn hàng trên phản ánh tình hình thị trường lúa gạo hiện tại, đúng phẩm cấp chất lượng gạo theo yêu cầu, có tính thời điểm và không làm ảnh hưởng tới các đợt đấu thầu tiếp theo cũng như giá xuất khẩu của 6-8 triệu tấn gạo mà Việt Nam xuất khẩu hàng năm.
Ngoài ra, tập đoàn đang làm việc với các ngân hàng trong và ngoài nước để tài trợ cho phương án mua lúa tối đa cho bà con nông dân, sử dụng năng lực sản xuất sẵn có từ 10 nhà máy chế biến lúa gạo với công suất sấy 10.000 tấn/ngày để hoàn tất đơn hàng này.
Lộc Trời đang cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa nông dân sản xuất ra với mức giá cao hơn thị trường từ 100 đến 500 đồng/kg, tổ chức bán hàng theo các đơn hàng lớn để đảm bảo tiêu thụ hết số lượng.
Trước đó, tập đoàn này cam kết trúng thầu 100.000 tấn gạo cung ứng cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog), trên tổng số 300.000 tấn mà Bulog đấu thầu vào đợt này.
Trong đó, công ty mẹ Lộc Trời trúng thầu 60.000 tấn và là lần trúng thầu thứ 6 tính từ tháng 8/2023 đến nay. Công ty thành viên là Nông nghiệp Công nghệ cao Đại Tài cũng có lần đầu tiên trúng thầu với sản lượng 40.000 tấn gạo xuất sang Indonesia.
Toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong 2 tháng, hình thức thanh toán thông qua tín dụng thư (LC). Lộc Trời và công ty thành viên sẽ thu về trên 55 triệu USD (tương đương trên 1.300 tỷ đồng) khi hoàn tất.
Siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu gạo
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã gửi văn bản tới Hiệp hội Lương thực Việt Nam yêu cầu xác minh thông tin việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo “bỏ thầu giá thấp”.
Để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị VFA tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào trị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Hiệp hội xác minh các thông tin mà các cơ quan truyền thông đăng tải trong thời gian vừa qua về việc một số doanh nghiệp "bỏ thầu giá thấp". Tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên để nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, pháp luật cạnh tranh và phòng vệ thương mại.
Đồng thời, tăng cường theo dõi hoạt động xuất khẩu của hội viên để kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý về Bộ Công thương và các cơ quan chức năng có liên quan nếu có.
Trong cuộc họp diễn ra hôm 28/5, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các cơ quan của Bộ tăng cường hoạt kiểm tra và xử lý vi phạm của doanh nghiệp, người sản xuất, tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp vi phạm, tuỳ vào mức độ, có thể bị thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo theo quy định.