|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 21/4: Đảo chiều lao dốc với thanh khoản đột biến, VN-Index mất hơn 28 điểm

10:07 | 21/04/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên 21/4 đồng loạt lao dốc sau khi giá dầu thô lần đầu tiên giảm xuống mức âm 37 USD/thùng.

Kết phiên, VN-Index giảm 28,13 điểm (3,54%) xuống 766,84 điểm; HNX-Index giảm 4,54% xuống 104,7 điểm; UPCoM-Index giảm 2,77% xuống 51,18 điểm.

Xem thêm: Thị trường chứng khoán 22/4

Áp lực bán tiếp tục kéo dài đến cuối phiên. Toàn thị trường chìm trong sắc đỏ với 568 mã giảm giá, 176 mã tăng giá và 117 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường tăng đột biến lên 502,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 7.174 tỉ đồng.

Nhóm VN30 là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm, trong đó các cổ phiếu PLX, SBT, VPB, VRE, CTD, ROS giảm sàn; cổ phiếu SAB tăng giá trong cả phiên đến cuối phiên cũng đảo chiều giảm 3,9%.

Nhóm dầu khí lao dốc sau khi giá dầu giảm kỉ lục về dưới 0, các cổ phiếu PVE, PXS, PVD, PVC, PVS đồng loạt giảm sàn. Các cổ phiếu bất động sản LDG, DXG, HDG, HBC cũng giảm hết biên độ. Các nhóm ngân hàng, chứng khoán, cảng biển, dệt may, cao su,… nhìn chung đều chìm trong sắc đỏ.

Trong khi đó, nhóm penny chứng kiến nhiều cổ phiếu tăng kịch trần như MBG, SCI, SJF, HCD, KLF.

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 27,73 điểm (3,49%) xuống 767,24 điểm; HNX-Index giảm 4,35% xuống 104,91 điểm; UPCoM-Index giảm 2,75% xuống 51,19 điểm.

Các cổ phiếu nhóm VN30 như VRE, VPB, SSI, SBT, ROS, CTD giảm kịch sàn; trong khi đó cổ phiếu SAB vẫn ngược dòng tăng 2,7%. Nhóm dầu khí cũng đồng loạt giảm kịch biên độ, điển hình là PVD, PLX, PVT, PVS.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 26,27 điểm (3,3%) xuống 768,7 điểm; HNX-Index giảm 4,26% xuống 105,01 điểm; UPCoM-Index giảm 2,24% xuống 51,46 điểm.

Càng về cuối phiên sáng, áp lực bán càng tăng mạnh khiến các chỉ số đồng loạt lao dốc. Thị trường bị chi phối bởi sắc đỏ và xanh sàn với 512 mã giảm giá, trong đó 59 mã giảm sàn. Áp lực bán cũng khiến thanh khoản tăng vọt lên gần 4.200 tỉ đồng, chủ yếu là khớp lệnh trên sàn.

Trong nhóm VN30, cổ phiếu SAB vẫn ngược dòng tăng giá, dù vậy mức độ tăng thu hẹp đáng kể còn 2,3%; trong khi cổ phiếu CTD giảm sàn cùng với VCB, VIC, GAS, VHM, BID, MSN, VNM khiến thị trường giảm điểm.

Nhóm ngân hàng đồng loạt giảm sâu, bộ đôi VPB, SHB có thời điểm đã chạm xuống giá sàn, phần lớn cổ phiếu còn lại đều giảm trên 4%. Nhóm dầu khí cũng chứng kiến các cổ phiếu PVC, PXS giảm sàn, thậm chí NT2, POW, PVT cũng giảm mạnh dù được kì vọng hưởng lợi khi giá dầu về đáy.

Như thường lệ, khi thị trường chung lao dốc, sự chú ý lại đổ đồn về nhóm cổ phiếu penny. Theo đó, nhiều cổ phiếu thu hút dòng tiền đầu cơ và tăng kịch trần như KLF, NHP, SJF, HUT, DST, MBG, TGG.

Tính đến 10h50, VN-Index giảm 12,41 điểm (1,56%) xuống 782,56 điểm; HNX-Index giảm 3,3% xuống 106,06 điểm; UPCoM-Index giảm 1,25% xuống 51,98 điểm.

Các cổ phiếu điện khí giao dịch khởi sắc với kì vọng được hưởng lợi khi giá dầu giảm. Cổ phiếu POW tăng 1,4% lên 9.530 đồng; hai mã NT2 và BTP tăng lần lượt 3,6% và 1,3%.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 12,18 điểm (1,53%) xuống 782,79 điểm; HNX-Index giảm 2,48% xuống 106,98 điểm; UPCoM-Index giảm 1,22% xuống 52,01 điểm.

Đêm qua, thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến cú sốc lớn khi giá dầu thô lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới mức 0 USD/thùng do áp lực bán tháo của giới đầu tư. Giá dầu WTI giao trong tháng 5 giảm hơn 100% xuống -37 USD/thùng, cùng với đó giá dầu Brent giảm 9% xuống 25,5 USD/thùng.

Thị trường chứng khoán lập tức giảm điểm ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch 21/4. Sắc đỏ bao trùm hầu hết nhóm ngành với hơn 400 mã giảm giá, áp đảo so với chỉ 125 mã tăng giá.

Nhóm VN30 chứng kiến 28 mã giảm, trong đó các cổ phiếu GAS, VIC, VCB, BID, VHM tác động tiêu cực nhiều nhất lên chỉ số. Ở chiều ngược lại, riêng cổ phiếu SAB tăng kịch trần góp phần nâng đỡ thị trường.

Nhóm dầu khí đồng loạt quay đầu trước diễn biến bất ngờ của giá dầu. Các cổ phiếu có tính đầu cơ cao như PVC, PVD, PXS giảm kịch sàn, trong khi các cổ phiếu OIL, PVS, BSR, GAS, PLX chìm trong sắc đỏ.

Sự tiêu cực cũng được ghi nhận tại đa số các nhóm ngành như tài chính, bất động sản, thủy sản, dệt may, công nghệ. Trong khi đó, cổ phiếu ngành bia ngược dòng khởi sắc với sự dẫn dắt của SAB, các mã BHP, HAT, BHN đều tăng trên 6%.

Cổ phiếu DBC giảm 0,6% sau phiên đảo chiều giảm sàn trước đó, trong khi cổ phiếu MLS vẫn tiếp tục tăng kịch trần, cổ phiếu VLC cũng tăng 4%.

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 20/4 cũng lao dốc khi giá dầu thô giảm xuống dưới 0, cho thấy nhu cầu dầu cho hoạt động kinh tế đã sụp đổ vì các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ chậm được thông qua cũng ảnh hưởng tâm lí nhà đầu tư.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 592 điểm, tương đương 2,5%, xuống còn 23.650 điểm. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất lần lượt 1,8% và 1%

Sơn Tùng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.