Dow Jones sụt gần 600 điểm trong phiên giá dầu xuống dưới 0
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 592 điểm, tương đương 2,5%, xuống còn 23.650 điểm. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất lần lượt 1,8% và 1%
Dẫn đầu đà giảm của Dow Jones là hãng chế tạo tàu bay Boeing (mất hơn 6%) và các đại gia năng lượng Chevron và Exxon (đều sụt hơn 4%).
Nhu cầu với tàu bay Boeing vốn đã sa sút vì ngành hàng không nói chung đang gặp khó khăn trong dịch bệnh. Việc giá dầu xuống thấp là đòn đau thứ hai, khiến cho các loại tàu bay tiết kiệm nhiên liệu của hãng tỏ ra kém hấp dẫn hơn so với trước.
Các nhóm cổ phiếu năng lượng, bất động sản và tiện ích đều giảm hơn 3%, tiêu cực nhất chỉ số S&P 500.
Giá hợp đồng tương lai dầu thô West Texas Intermedia (WTI) giao tháng 5 đáo hạn vào ngày 21/4 đã bất ngờ rơi tự do xuống dưới 0, kết phiên ở âm 37,63 USD/thùng – điều chưa từng thấy trong lịch sử.
Nguyên nhân là nhu cầu dầu mỏ đã gần như biến mất hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch và các kho chứa trên thế giới đều đã chật cứng. Giá dầu âm đồng nghĩa với việc bên bán phải trả thêm tiền để người mua chuyển dầu đi.
Giá hợp đồng tương lai WTI giao tháng 6 cũng giảm hơn 15,6% xuống còn 21,09 USD/thùng, hợp đồng giao tháng 7 giảm 6,9%.
Giá dầu Brent giao tháng 6 giảm gần 9% còn 25,57 USD/thùng. Dầu Brent được sản xuất ngoài khơi, thuận tiện cho vận chuyển bằng đường biển hơn nên có giá cao hơn so với giá dầu WTI sản xuất sâu trong đất liền.
Nhu cầu nhiên liệu giảm sút nên các nhà máy lọc dầu chỉ đang hoạt động cầm chừng, hàng trăm triệu thùng dầu phải ồ ạt chảy về các kho dự trữ, gây nên tình trạng thiếu kho chứa.
Nhiều doanh nghiệp còn phải thuê các tàu chở dầu cỡ lớn chỉ để neo đậu một chỗ làm kho chứa dầu. Theo Reuters, hiện có khoảng 160 triệu thùng dầu lênh đênh trên các tàu chở dầu khắp thế giới.
Theo một báo cáo từ Genscape, dự trữ dầu thô của Mỹ tại Cushing, Oklahoma (nơi dầu WTI được giao nhận) đã tăng 9% trong tuần đến ngày 17/4, tổng cộng khoảng 61 triệu thùng.
Các nhà đầu tư vội vã bán tháo hợp đồng tương lai dầu giao tháng 5 trước ngày đáo hạn. Thông thường khi hợp đồng đáo hạn, các nhà giao dịch sẽ phải quyết định nhận bàn giao dầu vật chất hoặc gia hạn vị thế sang tháng sau bằng một hợp đồng tương lai khác.
Hiện nay, do sự sụp đổ trong nhu cầu dầu thực tế nên rất ít người muốn mua vào và nhận dầu. Kho chứa ở các nơi đều đã sắp hết chỗ chứa.
Ông Peter Boockvar – Giám đốc Đầu tư tại hãng tư vấn Bleakley Advisory Group nhận định: "Thật không thể tin được biến động trên thị trường dầu mỏ, chúng ta đang hết chỗ chứa dầu. Tôi cho rằng những diễn biến cực đoan thế này sẽ tạo nên đáy của thị trường. Trong tháng 5 và tháng 6, khi các hoạt động kinh tế được nối lại và sản lượng được cắt giảm, tình hình sẽ cải thiện rõ rệt".
Tâm lí nhà đầu tư Wall Street cũng thêm phần bi quan khi Thượng viện Mỹ chưa thể thống nhất thêm một gói hỗ trợ doanh nghiệp chống lại dịch COVID-19. Thượng viện dự định sẽ bỏ phiếu vào chiều 21/4 (theo giờ địa phương).
Thị trường chứng khoán Mỹ tuần trước đi lên mạnh mẽ khi có nhiều dấu hiệu khả quan cho thấy tình hình dịch bệnh tại Mỹ đã tạm trùng xuống. Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đã đi qua đỉnh dịch và công bố bản kế hoạch 3 bước nhằm dần dần mở cửa lại nền kinh tế.
Thống đốc Andrew Cuomo của bang New York – địa phương bị COVID-19 hoành hành mạnh nhất – cũng cho rằng bang này đã đi qua đỉnh dịch khi số ca ghi nhận nhiễm mới và nhập viện đều giảm.
Một loại thuốc của hãng dược phẩm Gilead Sciences cho tín hiệu khả quan trong điều trị COVID-19 cũng giúp cải thiện tâm lí nhà đầu tư phiên cuối tuần trước.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện nay đã ghi nhận hơn 782.000 ca dương tính với COVID-19 và 41.800 trường hợp tử vong, đều cao nhất trên thế giới.
Kể cả sau phiên giảm mạnh 20/4, chỉ số Dow Jones vẫn cao hơn đáy ngày 23/3 tới 29%, S&P 500 cũng đã hồi phục đến 28,8%.