|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hãng hàng không bán-thuê lại hàng chục tàu bay để có tiền cầm cự qua khủng hoảng

08:52 | 20/04/2020
Chia sẻ
Hãng hàng không United Airlines của Mỹ và Công ty Hàng không Ngân hàng Trung Quốc (BOC Aviation) mới công bố thỏa thuận mua bán và thuê lại 22 tàu bay, trong bối cảnh đội tàu bay khắp thế giới đang phải đắp chiếu vì ảnh hưởng của COVID-19.
Hãng hàng không bán hàng chục tàu bay để có tiền cầm cự qua khủng hoảng - Ảnh 1.

Máy bay của United Airlines tại sân bay quốc tế George Bush, ngày 18/3/2020. Ảnh: Reuters.

Giá trị cụ thể không được tiết lộ, tuy nhiên theo CNBC, thỏa thuận bán và thuê lại này sẽ giúp United Airlines có thêm một khoản tiền mặt lớn để xoay xở qua giai đoạn khó khăn khi nhu cầu di chuyển hàng không lao dốc vì COVID-19.

22 chiếc tàu bay được bán và thuê lại này bao gồm 16 chiếc 737-9 MAX chưa được Boeing bàn giao và 6 chiếc 737-9. Đội bay của United Airlines hiện có tổng cộng gần 800 tàu bay.

Trong tuần trước, Tổng Giám đốc United Airlines – ông Oscar Munoz gửi một bức thư tới toàn thể lao động trong công ty, cho biết hoạt động kinh doanh đã gần như đình trệ hoàn toàn. "Lượng khách mà chúng ta dự kiến vận chuyển trong cả tháng 5/2020 còn ít hơn lượng khách trong một ngày của tháng 5/2019".

Lịch bay trong tháng 5 của hãng đã bị cắt giảm tới 90% và dự kiến tháng 6 cũng không khả quan hơn. Trong hai tuần đầu tháng 4, United vận chuyển được chưa đến 200.000 lượt khách, giảm 97% so với con số hơn 6 triệu lượt khách mà hãng vận chuyển cùng kì năm ngoái.

Một ngày trước khi thông báo của CEO được gửi ra, United Airlines đã được Bộ Tài chính Mỹ phát cho 4,9 tỉ USD để trả lương cho người lao động.

Bán và thuê lại là nghiệp vụ phổ biến trong ngành hàng không giúp nhiều hãng bay nhanh chóng tăng qui mô đội tàu bay mà không cần phải bỏ ra số vốn quá lớn cùng một lúc.

Trong nghiệp vụ này, các hãng hàng không đặt mua máy bay từ nhà sản xuất, bán cho công ty cho thuê - thường là các ngân hàng lớn với nguồn lực dồi dào, rồi thuê lại chính chiếc máy bay đó.

Trong trường hợp của United, bên mua và cho thuê lại là Công ty Hàng không Ngân hàng Trung Quốc (BOC Aviation) – có trụ sở tại Singapore và do Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) sở hữu 100%.

BOC Aviation có thỏa thuận cho thuê tại 40 quốc gia và khu vực trên thế giới với hơn 92 khách hàng, bao gồm các hãng bay nổi tiếng như American Airlines, Interjet, Qatar Airways, …

Tính đến ngày 31/3/2020, BOC Aviation đang sở hữu 323 chiếc và và quản lí 40 chiếc tàu bay, chủ yếu là các dòng thuộc gia đình Airbus A320CEO, gia đình Airbus A320NEO, Boeing 737NG, … tuổi đời trung bình của đội tàu bay sở hữu là 3,4 năm, thời hạn cho thuê còn lại trung bình là 8,5 năm.

Ngoài ra hãng còn đơn đặt hàng 204 chiếc khác chưa được bàn giao bao gồm 87 chiếc thuộc gia đình Boeing 737MAX, 84 chiếc gia đình Airbus A320NEO, 24 chiếc gia đình Boeing 787, …

Theo ước tính của hãng tư vấn hàng không Cirium, hiện nay khoảng 2/3 đội tàu bay thương mại trên toàn thế giới đang phải nằm đất. 

Hôm 5/3, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo ngành hàng không thiệt hại doanh thu khoảng 113 tỉ USD vì ảnh hưởng của COVID-19. Đến cuối tháng 3, con số hụt thu dự báo được nâng lên thành 252 tỉ USD và đến giữa tháng 4 khi dịch bùng phát ở Mỹ thì dự báo hàng không toàn cầu mất doanh thu tới 314 tỉ USD.

Do đại dịch COVID-19 hoành hành và các biện pháp phong tỏa được áp dụng khiến nhu cầu di chuyển lao dốc không phanh, nhiều nhà phân tích dự đoán các hãng hàng không sẽ phải hoãn hoặc hủy đơn hàng đặt mua máy bay.

Chẳng hạn cuối tháng 2 vừa qua, hãng hàng không giá rẻ đường dài AirAsia X của Malaysia đã phải hoãn đơn hàng 78 chiếc A330NEO từ Airbus.

Một lựa chọn khác của các hãng hàng không là bán tàu bay của mình cho các hãng hàng không khác hoặc các hãng cho thuê tàu bay.

Trước thỏa thuận với United Airlines, BOC Aviation đã thực hiện những thương vụ tương tự với các hãng hàng không khác như việc mua lại 6 chiếc Boeing 737-300ER từ Cathay Pacific.

Tại Việt Nam, các hãng hàng không dường như không hề có ý định hủy đơn đặt hàng mà còn muốn tranh thủ thời gian dịch bệnh này để mở rộng đội tàu bay. VTC News đưa tin chiều 16/4, tham dự buổi đối thoại với lãnh đạo Hà Nội, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành bày tỏ mong muốn đẩy nhanh thủ tục mua thêm 50 tàu bay thân hẹp để đón đầu xu thế phục hồi sau dịch.

Hãng hàng không bán hàng chục tàu bay để có tiền cầm cự qua khủng hoảng - Ảnh 3.

Tàu bay Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Y Vân.

Theo ông Thành, cách đây khoảng 2 tháng, để đặt hàng một chiếc tàu bay thì phải mất 3-4 năm mới được giao. Giờ đây tận dụng việc các hãng trên thế giới hủy đơn hàng, Vietnam Airlines có thể nhanh chóng nhận tàu bay hơn.

Vì COVID-19, Vietnam Airlines dự kiến giảm khoảng 50.000 tỉ đồng doanh thu năm 2020, tức giảm 65% so với kế hoạch. Trong đội bay 106 chiếc thì có tới gần 100 chiếc phải nằm đất. Một nửa số lao động của Vietnam Airlines đang phải ngừng việc. Lượng khách vận chuyển chỉ khoảng 2-5% năng lực.

Hãng hàng không Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC cũng đặt mục tiêu nâng qui mô đội tàu bay từ 22 chiếc hiện nay lên 40 chiếc vào cuối năm.

Đức Quyền