Phiên 10/5: Khối ngoại rót tiếp hơn 715 tỷ đồng vào thị trường, hỗ trợ tích cực VN-Index đảo chiều
Nhóm bluechips bất ngờ hồi phục mạnh mẽ trong phiên chiều giúp VN-Index bật tăng gần 24 điểm. Họ dầu khí hồi mạnh trước thị trường với PVD, PVS, PVC tăng hết biên độ, trong khi PVT, PVB, OIL, GAS cũng đang giao dịch trên ngưỡng tham chiếu.
Đóng cửa, VN-Index tăng 23,94 điểm (1,89%) lên 1.293,56 điểm, HNX-Index tăng 2,05% lên 330,02 điểm, UPCoM-Index tăng 2,56 điểm (2,65%) đạt 99,06 điểm.
Thị trường nới rộng đà hồi phục về cuối phiên chiều, VN-Index đóng cửa tăng hơn 23 điểm với thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp. Trong đó, các cổ phiếu bluechip vốn hóa lớn giữ vai trò đầu tàu, thể hiện qua việc chỉ số VN30 tăng tới 2,39%, vượt trội hơn hẳn thị trường chung.
Tại sàn HOSE, nhà đầu tư ngoại củng cố xu hướng mua ròng trở lại bằng một phiên mua gom 715 tỷ đồng, tăng nhẹ so với trước đó. Về khối lượng, họ rót vốn ròng vào gần 21,5 triệu đơn vị, tập trung ở nhóm bất động sản, hoá chất.
Trong danh mục top10 mã được gom ròng nhiều nhất phiên 10/5, DGC dẫn đầu với quy mô 105 tỷ đồng. Tuy vậy, cổ phiếu của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang vẫn chưa thể chấm dứt chuỗi giảm điểm đã kéo dài 5 phiên liên tiếp. Đóng cửa phiên 10/5, mã này tạm dừng ở 212.000 đồng/cp, giảm 12% giá trị so với cuối tháng 4.
Nối tiếp, dòng tiền ngoại lần lượt tìm đến các cổ phiếu như STB (69,5 tỷ đồng), HPG (62,5 tỷ đồng), NLG (59 tỷ đồng), BCM (54,6 tỷ đồng) giúp các mã này tìm được sắc xanh về cuối phiên. Giao dịch tương tự diễn ra tại hai đại diện đến từ :họ” Vingroup là VHM, VIC, trước khi khối ngoại mua ròng nhẹ hơn tại MSN, CTG, FRT.
Trái lại, tại phía bán ra, phần lớn quy mô rút ròng tập trung ở các chứng chỉ quỹ. Theo đó, khối ngoại bán ròng 37,9 tỷ đồng giá trị chứng chỉ ETF E1VFVN30 và 20,4 tỷ đồng mã FUEVFVND.
Trở lại giao dịch tại thị trường cổ phiếu, khối này bán ròng 32,3 tỷ đồng mã VRE. Mặc dù mua gom bộ đôi VHM, VIC, cổ phiểu của Vincom Retail lại có diễn biến kém tích cực hơn khi đánh mất 0,35% giá trị.
Cùng chiều, áp lực bán cũng tìm đến một số đại diện nhóm vốn hoá vừa và lớn, trong đó phải kể đến như VNM (25 tỷ đồng), DGW (20,1 tỷ đồng), CTD (16,9 tỷ đồng), SSI (12,1 tỷ đồng)…
Tại sàn HNX, khối ngoại đảo chiều bán ròng nhẹ về giá trị với 3,8 tỷ đồng, nhưng vẫn rót vốn ròng vào 170.830 đơn vị cổ phiếu.
Ở phía bán, áp lực bán ròng lần lượt xuất hiện tại VCS (7 tỷ đồng), THD (5,9 tỷ đồng), SHS (2,2 tỷ đồng). Bên cạnh đó, quy mô bán ròng dưới 1 tỷ đồng cũng xuất hiện tại CL, TMB, PVG…
Trái ngược phiên trước, nhóm này quay lại mua gom hơn 10,4 tỷ đồng mã PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam trong phiên các cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng kịch trần. Giao dịch tương tự cũng tìm đến PVI (970 triệu đồng), IDV (346 triệu đồng),…
Ở thị trường UPCoM, xu hướng giao dịch tích cực kéo dài khi khối ngoại tiếp đà mua ròng 8,5 tỷ đồng, hay 119.801 đơn vị.
Quy mô dòng tiền mua gom có phần thu hẹp khi khối ngoại chỉ tập trung mua ròng ở bộ đôi ACV (3,8 tỷ đồng) và CLX (3,6 tỷ đồng). Kế đó, nhóm này cũng rót ròng 1,6 tỷ đồng vào cổ phiếu CSI, theo sau gom nhẹ hơn NTC, SIP, BSR…
Trở lại bên bán, QNS của Đường Quáng Ngãi là đại diện duy nhất bị xả ròng trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ngoại chỉ bán ròng nhẹ hơn tại FOC (864 triệu đồng), MFS (595 triệu đồng)….