Chuyên gia chỉ ra loạt yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán
Trao đổi trong buổi Talk show Phố Tài chính mới đây, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng CTCK MB (MBS) nhận định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang là bệ đỡ tốt cho thị trường chứng khoán (TTCK).
"Chúng ta đã phục hồi một cách mạnh mẽ từ sau đại dịch COVID-19, các cân đối vĩ mô như lạm phát, tỷ giá hối đoái, cán cân thanh toán thì hiện nay đều đang diễn biến ở mức độ tích cực. Tôi chỉ hơi quan ngại một chút về áp lực lạm phát chủ yếu đến từ môi trường kinh tế vĩ mô thế giới hiện nay", ông Hoàng Công Tuấn chia sẻ.
Kinh tế trưởng MBS cho biết thêm, trong thời gian gần đây TTCK có một số nhịp giảm khá mạnh, thị trường có những lúc giảm 18% so với mức đỉnh đối với chỉ số VNIndex. Trong năm 2021, thị trường vẫn có hai nhịp điều chỉnh khá là mạnh ở mức độ khoảng 17% kể từ đỉnh và 14% kể từ đỉnh vào khoảng tháng 1 và tháng 7.
Dưới góc nhìn của vị chuyên gia này, với môi trường đầu tư có quá nhiều nhà đầu tư F0 thì đôi khi TTCK sẽ có những nhịp giao động rất mạnh do yếu tố về tâm lý. Tuy nhiên, đứng trước những nhịp giảm mạnh của TTCK, ông vẫn khá lạc quan bởi vì môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đang thuận lợi.
Đồng quan điểm, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) đã phân tích hai yếu tố liên quan tới vĩ mô và thị trường, từ đó cho rằng vẫn đang có nhiều yếu tố tốt hỗ trợ cho TTCK.
Cụ thể, thứ nhất là yếu tố vĩ mô của Việt Nam, tăng trưởng GDP ghi nhận mức tăng trên 5% trong quý I vừa qua, lạm phát trong tầm kiểm soát, tăng trưởng xuất nhập khẩu trên 12%, thặng dư thương mại cũng đạt 2,5 tỷ USD, tăng trưởng tín dụng mức 5% trong quý I… Điều này cho thấy rằng kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi.
Yếu tố thứ hai là về góc độ thị trường, P/E đã rơi về tầm 14,9 lần P/E, và mức thấp hơn khoảng 10% so với mức trung bình 5 năm, thì đó là mức giá hấp dẫn. Theo ông, điều này được hỗ trợ tích cực bởi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo thống kê của BSC, đến tháng 4 có khoảng tầm 900 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh. Tổng quy mô lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này tăng trưởng khoảng 33% so với quý I/2021. Điều này cho thấy rằng các doanh nghiệp đang phục hồi.
"Tất nhiên, mức độ biến động vừa rồi cũng là khá mạnh trong thời gian tương đối ngắn làm cho nhà đầu tư có cảm giác hơi mất mát một chút. Nhưng tôi nghĩ là đây là điều cần thiết cho thị trường để đảm bảo đà tăng trưởng dài hạn", ông Trần Thăng Long lưu ý.