|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

BSC: Năm 2022 là năm không dễ dàng với các nhà đầu tư

10:05 | 10/05/2022
Chia sẻ
BSC cho rằng “sự dễ dãi” của dòng tiền trong năm 2021 sẽ không còn, nhà đầu tư sẽ không thấy tình trạng “thuyền lên nước lên” mà thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến sự phân hóa rõ rệt.

Trong báo cáo triển vọng ngành quý II, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng thị trường đang có các yếu tố thuận chiều và nghịch chiều đan xen nhau, theo đó cơ hội và rủi ro luôn đi kèm với nhau.

Do đó, năm 2022 chắc chắn sẽ là năm không dễ dàng cho các nhà đầu tư, BSC nhận thấy số lượng yếu tố thuận chiều hiện tại đang ở mức cân bằng so với yếu tố ngược chiều.

Yếu tố thuận chiều có thể kể đến như: tăng trưởng GDP duy trì mức cao; kinh tế phục hồi hậu COVID-19, hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất; tăng trưởng lợi nhuận bình quân các doanh nghiệp niêm yết duy trì mức 2 chữ số và khả năng nâng hạng thị trường vào 2024-2025.

Cụ thể tăng trưởng lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp BSC theo dõi vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan đạt 22%. Trong báo cáo chiến lược đầu năm, BSC đưa ra hai kịch bản tăng trưởng lợi nhuận năm 2022, tính đến thời điểm hiện tại, BSC nghiêng về kịch bản cơ bản với mức tăng trưởng lợi nhuận thị trường bình quân năm 2022 đạt 22%.

BSC đánh giá đây là mức tăng trưởng khả quan dựa trên mức nền tăng trưởng cao năm 2021 là 47%. Mức tăng trưởng khả quan đến từ các nhóm ngành như Ngân hàng (tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái), Dầu khí (tăng 176%), Hàng không (tăng 165%), Xuất khẩu (tăng 30%), Bán lẻ (tăng 28%), CNTT- Viễn thông (tăng 22%).

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của BSC dựa trên khoảng 80 mã cổ phiếu chiếm đến 72% tổng lợi nhuận sau thuế VN-Index và 61% vốn hoá thị trường.

Ngoài ra, định giá thị trường hiện tại đang ở vùng tương đối hấp dẫn. 

 

Tuy nhiên, thị trường cũng đối diện với việc “cơn gió ngược chiều” bao gồm lạm phát tăng lên; áp lực tăng lãi suất từ Fed và Ngân hàng Nhà nước; đứt gãy nguồn cung tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc do chính sách Zero-COVID và chu kỳ tiền rẻ đã kết thúc, khả năng xảy ra suy thoái.

Báo cáo cho biết môi trường lãi suất sẽ có xu hướng nhích dần lên dưới áp lực của lạm phát trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng mạnh do căng thẳng Nga – Ukraine, Fed bắt đầu tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm và dự đoán sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong sáu kỳ họp tiếp theo. Ngoài ra rủi ro về suy thoái kinh tế thế giới và đứt gãy nguồn cung do chính sách Zero-COVID của Trung Quốc vẫn là rủi ro tiềm ẩn.

Do đó, BSC cho rằng “sự dễ dãi” của dòng tiền trong năm 2021 sẽ không còn, nhà đầu tư sẽ không thấy tình trạng “thuyền lên nước lên” mà thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến sự phân hóa rõ rệt và khả năng lựa chọn cổ phiếu sẽ là yếu tố trọng yếu đến hiệu suất của nhà đầu tư. Tâm điểm hướng đến của dòng tiền là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt có câu chuyện riêng đi kèm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và bảng cân đối tài chính khỏe mạnh.

Anh Đào

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.