Phát triển ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời kỳ sau đại dịch
Theo nghiên cứu của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), vào đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, tất cả các ngành công nghiệp trên toàn thế giới đều phải trải qua thách thức từ những tác động của chuỗi cung ứng.
Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã dẫn đến chi phí nguyên liệu và phụ gia thức ăn chăn nuôi cao, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành thức ăn chăn nuôi trong năm mới.
Có 4 thách thức lớn đối với ngành thức ăn chăn nuôi do tác động của đại dịch trong năm 2022, đó là: sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất, kinh doanh; sự leo thang trong chi phí nguyên liệu; thay đổi thói quen người tiêu dùng và chi phí cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Dịch COVID-19 đã tác động đến nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng, làm tăng sự quan tâm của người tiêu dùng đối với chuỗi cung ứng thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có mong muốn về sự minh bạch của nguồn gốc thực phẩm và cách sản xuất thịt, sữa và trứng của họ.
Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu tăng lên đối với sản xuất bền vững, phúc lợi động vật và không có kháng sinh cho động vật, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp phải nghiên cứu, cải tiến sản phẩm thức ăn chăn nuôi như việc gia tăng các thành phần và phụ gia thức ăn chăn nuôi chất lượng cao.
Ngoài ra, sự thay đổi ngày càng tăng đối với việc áp dụng chế độ ăn thuần chay dự kiến sẽ cản trở sự tăng trưởng của thị trường thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn dự báo và những năm sắp tới.
Tuy nhiên, xét ở những góc độ tích cực hơn thì ngành thức ăn chăn nuôi vẫn có nhiều triển vọng tích cực trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Theo đánh giá của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong khảo sát của Vietnam Report, việc ứng phó với dịch của Chính phủ là sống chung với COVID-19 là phù hợp, giúp cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ giảm xuống, các nhà hàng, bếp ăn, các nhà máy sản xuất hoạt động trở lại, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng lên, và ngành thức ăn chăn nuôi cũng có triển vọng tốt hơn.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát ảnh hưởng rất nhiều giá thức ăn chăn nuôi, khi nhiều quốc gia xác định sống chung, các nước nới lỏng vấn đề quản lý, giúp cho chi phí vận tải biển giảm xuống và khi dịch được kiểm soát tốt hơn thì ngành thức ăn chăn nuôi cũng có triển vọng tốt hơn.
Theo định hướng phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 5,5-6%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 22,5 triệu tấn.
Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay, kết quả khảo sát của tổ chức này về triển vọng của ngành thức ăn chăn nuôi trong năm tới, đã ghi nhận: 57,1% doanh nghiệp đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút; 14,29% đánh giá duy trì tốc độ tăng trưởng và 28,57% đánh giá tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút do những lo ngại về đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây ra nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi, chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, giá sản phẩm chăn nuôi bán Trong trung và dài hạn, ngành chăn nuôi vẫn được đánh giá là có nhiều triển vọng phát triển.
Theo dữ liệu của FAO, sản lượng thịt toàn cầu được dự đoán sẽ cao hơn 16% vào năm 2025. Nhu cầu gia tăng đối với thịt và các sản phẩm làm từ động vật cùng với sự gia tăng sản xuất chăn nuôi thương mại, chế biến thức ăn nhanh là những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.
Việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi ngày càng cao do người dân quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe dinh dưỡng của vật nuôi cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chế biến thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, sự tăng trưởng mạnh trên thị trường thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy bởi chiến lược tăng trưởng của các công ty lớn dưới hình thức mở rộng và đầu tư, tăng tốc sản xuất thức ăn chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng để đa dạng danh mục sản phẩm và tiếp cận được các thị trường mục tiêu mới.
Thêm vào đó, tỷ lệ các hộ chăn nuôi chuyển đổi từ chăn nuôi hình thức nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo quy mô trang trại ngày càng tăng được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ hội tăng trưởng thị trường thức ăn chăn nuôi trong những năm tới.
Đối với nhóm ngành thịt lợn nhu cầu được đánh giá là sẽ gia tăng trong thời tới, cộng thêm những chính sách hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi lợn thu hút các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn.
Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô khoảng 29-30 triệu con, trong đó đàn heo nái khoảng 2,5-2,8 triệu con, đàn heo nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.
Kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, nhất là khi đại dịch COVID-19 lan rộng đã định hình rõ hơn xu hướng đầu tư và phát triển bền vững.
Đây cũng là mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Trong nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản đang được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đẩy mạnh dự án kinh tế tuần hoàn, sử dụng chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn trồng bắp, sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế, phụ phẩm nông nghiệp.
Trong thời gian tới, việc chủ động sử dụng nguồn phụ phẩm ở trong nước sẽ được đẩy mạnh hơn nữa cùng với đó là sự tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cao để có thể phát triển được trong một số phụ phẩm.
Song song đó, những tiến bộ công nghệ đang được áp dụng vào sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các nhà khoa học không chỉ xem xét cách thức công nghệ hỗ trợ sản xuất chăn nuôi bằng các kỹ thuật sinh học, hóa học, vật lý mà cả bằng kỹ thuật số.
Công nghệ số sẽ cho phép giải quyết hiệu quả hơn nhiều những thách thức to lớn đang phải đối mặt hiện nay và trong tương lai đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Blockchain là ứng dụng cho phép quản lý an toàn, với một lượng lớn dữ liệu đáng tin cậy về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thô, phương pháp sản xuất, bộ gen, chất dinh dưỡng. Các nhà khoa học đang bắt đầu khám phá cách lưu trữ, xử lý thông tin bằng ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo), cũng như tạo ra kiến thức từ lượng dữ liệu khổng lồ (Big data) về năng suất, sinh trắc học và sinh lý học.
Việc tích hợp các dữ liệu sản xuất đó từ động vật, trang trại, lò giết mổ và ngành công nghiệp chế biến thịt sẽ cung cấp một cách tiếp cận tổng thể mới của chuỗi sản xuất, từ đó cho phép điều chỉnh nhiều hơn, điều chỉnh chính xác hơn khẩu phần ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của động vật, và thiết lập kế hoạch cho ăn không chỉ dựa trên mục tiêu sản xuất mà còn giải quyết các khía cạnh vệ sinh, chất lượng sản phẩm, sức khỏe và tính bền vững.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report về tình hình ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi cho thấy lĩnh vực được ứng dụng nhiều nhất là hoạt động sản xuất, điều hành doanh nghiệp và hoạt động bán hàng. Các lĩnh vực giao nhận hàng hóa (logistics), quản lý nhân sự, tuyển dụng còn hạn chế.
Một số doanh nghiệp lớn trong ngành đã triển khai ứng dụng Big Data; Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP); Điện toán đám mây; IOT (internet vạn vật), Blockchain ở mức độ cao, trên quy mô lớn, trong khi nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đang triển khai một phần trên một số ứng dụng.