|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phần lớn dân Thủ đô sẽ phải mua nước của Shark Liên?

20:22 | 25/11/2019
Chia sẻ
Cùng với nhà máy nước mặt sông Đuống, Cty Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên đang được giao làm nhà máy nước mặt sông Đà tại Hòa Bình – Xuân Mai, cung cấp nước cho nhiều quận, huyện ở Hà Nội.

Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri mới đây, UBND thành phố Hà Nội cho biết đã giao Cty Aqua One triển khai dự án nhà máy nước Xuân Mai, giai đoạn trước mắt sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống, thông qua tuyến truyền dẫn trên đường trục phát triển kinh tế phía Nam và đường 21B để kết nối hệ thống cấp nước bổ sung nguồn cấp cho huyện Ứng Hòa và khu vực dự kiến triển khai trong năm 2019. 

Văn bản cũng thông tin, dự án nhà máy nước Xuân Mai sẽ cung cấp nước sạch cho nhiều đơn vị quận, huyện ở Hà Nội.

Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt việc đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối nước sạch đến nhiều xã thuộc vùng cấp nước của nhà máy nước sông Đuống, nhà máy nước Xuân Mai như Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai...

Trên trang chủ của Cty AquaOne cho biết, Nhà máy nước mặt Xuân Mai – Hòa Bình là nhà máy quy mô cấp vùng. 

Địa điểm xây dựng thuộc Khu công nghiệp Mông Hóa (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) với diện tích 52,4ha. Cụ thể, công trình thu và trạm bơm khoảng 3,4ha; nhà máy xử lý nước khoảng 45,5ha; bể chứa trung gian khoảng 3,5ha.

Nhà máy sử dụng nguồn nước mặt sông Đà với công suất 600.000 mét khối/ngày đêm. Tổng công suất dự kiến 900.000 mét khối/ngày đêm. Trong đó, hợp phần 1 giai đoạn 1 (năm 2021) là 150.000 mét khối/ngày đêm. 

Hợp phần 2 giai đoạn 1 (năm 2023) là 300.000 mét khối/ngày đêm. Phát nước giai đoạn 2 (2030) là 600.000 mét khối/ngày đêm và phát nước sau năm 2030 là 900.000 mét khối/ngày đêm.

Theo giới thiệu, Dự án có hệ thống đường ống truyền dẫn nước sạch dài 58km chạy dọc theo QL16 thuộc địa phận Hòa Bình và Hà Nội, cung cấp nước sạch cho quận Hà Đông, một phần quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức; Phía Nam: Từ vành đai 3 theo quốc lộ 1A về phía Nam gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên; Phía Tây và Tây Nam: huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa; Phía Đông: bổ sung cho các quận nội thành cũ và một số huyện tỉnh Hòa Bình (Kỳ Sơn, Lương Sơn, một phần thành phố Hòa Bình) dọc tuyến ống.

Theo trang chủ của Aqua One, tổng mức đầu tư nhà máy và hệ thống cấp nước là 3.040 tỷ đồng; tuyến ống truyền tải nước sạch: 1.255 tỷ đồng.

Như vậy, Cty AquaOne của bà Đỗ Thị Kim Liên hiện là chủ của hai nhà máy nước “khủng” cung cấp nước sạch cho Hà Nội.

Nhà máy nước mặt sông Đuống vừa khánh thành giai đoạn 1 hồi tháng 9/2019 là nhà máy có quy mô cấp vùng, với tổng công suất: 900.000 mét khối/ ngày đêm; tổng công suất dự kiến lên đến 1.200.000 mét khối/ ngày đêm.

Cụ thể, theo giới thiệu, sau khi khánh thành toàn giai đoạn 1 vào tháng 9/2019, nhà máy nước mặt sông Đuống phát nước 300.000 mét khối/ngày đêm. Đến 2023, phát nước giai đoạn 2 đạt 600.000 mét khối/ngày đêm. Năm 2030, phát nước giai đoạn 3 đạt 900.000 mét khối/ngày đêm và sau 2030 sẽ đạt 1.200.000 mét khối/ngày đêm.

“Đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân, tại 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực đông bắc và phía nam thành phố Hà Nội), các khu đô thị, khu công nghiệp trên đường 179, một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên… và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao”, Cty Aqua One nói về nhà máy nước mặt sông Đuống.

Như vậy, có thể tính toán, sau năm 2030, hai nhà máy của AquaOne sẽ cung cấp cho Hà Nội khoảng 2 triệu mét khối nước sạch/ngày đêm trên địa bàn trải rộng nhiều quận, huyện của Hà Nội.

Hoàng Phong