Phần Lan, Thụy Điển sắp vào NATO, Châu Âu còn nước nào 'trung lập'?
Căng thẳng từ Nga
Theo AP, những lo ngại về an ninh sau khi xung đột Ukraine bùng phát đã thay đổi lập trường của Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời khiến các nước “trung lập” truyền thống khác phải suy nghĩ lại.
Nga coi việc NATO liên tục bành trướng về phía đông là mối nguy với an ninh quốc gia. Hãng thông tấn nhà nước RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết: “NATO không nên ảo tưởng rằng Nga sẽ chấp nhận sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển".
Ông Ryabkov cho rằng quyết định gia nhập liên minh của Helsinki và Stockholm là một sai lầm. "Mức độ căng thẳng quân sự nói chung sẽ tăng lên. Thật đáng buồn khi lẽ thường đang bị hy sinh cho một số điều khoản ảo tưởng về những gì nên làm trong tình huống căng thẳng hiện nay", ông nói.
Tuy nhiên, vẫn còn một vài quốc gia Châu Âu vẫn tiếp tục lựa chọn con đường trung lập, không tham gia vào các liên minh quân sự vì truyền thống lâu đời, tranh chấp lãnh thổ hay quyết định chính trị.
Thụy Sĩ
Là một trong những quốc gia nổi tiếng nhất về trung lập, Thụy Sĩ đã đưa tính trung lập vào trong hiến pháp. Trong cả hai Thế chiến, Thụy Sĩ đều không ngả theo phe nào về mặt quân sự và không bị các nước láng giềng xâm lược. Hàng thập kỷ trước, cử tri của Thụy Sĩ đã quyết định không tham gia EU.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vì sao Phần Lan, Thụy Điển được NATO chào đón nồng nhiệt còn Ukraine bị phớt lờ suốt nhiều năm? 16/05/2022 - 14:31
Tuy nhiên, quốc gia này gần đây đã gặp khó khăn trong việc giải thích thuật ngữ “trung lập” khi tham gia trừng phạt Nga cùng Liên minh Châu Âu. Tính trung lập hiện đang là chủ đề được báo chí Thụy Sĩ phân tích hàng ngày.
Nhiều khả năng Thụy Sĩ sẽ không rời xa vị thế trung lập của mình hơn nữa. Gần đây, quốc gia này đã yêu cầu Đức không chuyển vũ khí được Thụy Sĩ sản xuất cho Ukraine.
Đảng cánh hữu nắm giữ đa số ghế tại Quốc hội cũng do dự về các biện pháp trừng phạt tiếp theo chống lại Nga. Nhân dân Thụy Sĩ cũng đang quyết liệt bảo vệ vai trò là người hòa giải và trung tâm trong hoạt động nhân đạo và nhân quyền.
Áo
Tính trung lập là một nhân tố quan trọng trong nền dân chủ hiện đại của Áo. Để khiến các quốc gia Đồng minh rời đi và có được nền độc lập vào năm 1955, Áo đã tuyên bố trung lập về mặt quân sự.
Kể từ đầu cuộc xung đột Ukraine, Thủ tướng Karl Nehammer đã cố gắng cân bằng vị thế trung lập. Ông khẳng định Áo không có ý định thay đổi lập trường an ninh, nhưng đồng thời tuyên bố rằng trung lập về quân sự không có nghĩa là trung lập về đạo đức. Áo đã lên án mạnh mẽ các hành động của Nga tại Ukraine.
Ireland
Sự trung lập của Ireland từ lâu đã khá mập mờ. Thủ tướng Micheal Martin giải thích vị trí của Ireland là “không trung lập về mặt chính trị mà trung lập về quân sự”.
Xung đột tại Ukraine đã hâm nóng lại cuộc tranh luận về sự trung lập của Ireland. Ireland đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga và gửi viện trợ phi sát thương tới Ukraine. Ireland cũng tham gia vào các nhóm chiến đấu của EU.
Cộng hòa Malta
Hiến pháp Malta tuyên bố hòn đảo nhỏ nằm tại Địa Trung Hải này trung lập, theo chính sách “không liên kết và từ chối tham gia bất cứ liên minh quân sự nào”. Một cuộc thăm dò do Bộ Ngoại giao Malta tiến hành hai tuần trước xung đột Ukraine cho thấy đa số người được hỏi ủng hộ trung lập, chỉ 6% phản đối.
Tờ The Times of Malta viết hôm 11/5 rằng trong chuyến thăm tới quốc đảo Địa Trung Hải này, Tổng thống Ireland Michael Higgins nhấn mạnh ý tưởng trung lập “tích cực”, và cùng Thủ tướng Malta George Vella lên án cuộc xung đột tại Ukraine.
Cộng hòa Síp
Quan hệ giữa đảo Síp và Mỹ đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, vấn đề gia nhập NATO hiện nay vẫn chưa được xem xét. Tổng thống của quốc đảo này tuyên bố hôm 14/5 rằng “còn quá sớm” để suy tính đến một động thái chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều người dân Cộng hòa Síp, đặc biệt phe cánh tả, tiếp tục đổ lỗi cho NATO về việc đất nước mình bị phân chia sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược vào giữa những năm 1970. Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là thành viên của NATO, và liên minh quân sự lớn nhất hành tinh không có bất cứ động thái nào để ngăn chặn hành động này.
Một thành viên NATO khác là Anh có hai căn cứ quân sự trên đảo, với một trạm nghe ngóng đặt tại bờ đông, được đồng vận hành bởi quân nhân Mỹ. Cộng hòa Síp cũng muốn duy trì trung lập và đã cho phép các tàu chiến của Nga tiếp tế tại các cảng của mình. Tuy nhiên, đặc quyền này đã bị tạm ngừng sau khi xung đột Ukraine nổ ra.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/