|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao Phần Lan, Thụy Điển được NATO chào đón nồng nhiệt còn Ukraine bị phớt lờ suốt nhiều năm?

14:31 | 16/05/2022
Chia sẻ
Phần Lan và Thụy Điển nhận được sự chào đón nồng nhiệt của NATO khi ngỏ ý gia nhập. Ngược lại, Ukraine từng bày tỏ mong muốn tham gia từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn phải đứng ngoài liên minh quân sự lớn nhất hành tinh.

Làm thế nào để gia nhập NATO?

NATO hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được thành lập vào năm 1949 bởi Mỹ, Canada và một số quốc gia Tây Âu nhằm cung cấp an ninh tập thể chống lại Liên Xô. 

Ban đầu, liên minh này chỉ có 12 thành viên. Sau nhiều thập kỷ phát triển, NATO hiện có 30 thành viên gồm 28 nước Châu Âu và hai quốc gia Châu Mỹ.

Bản đồ các nước châu Âu gia nhập NATO giai đoạn 1995 - 2020. Nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ bị bao vây cả ở phía bắc. 

Theo Điều 10 của Hiến chương, NATO áp dụng "chính sách mở cửa" cho các thành viên muốn trở thành một phần của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh.

Khi một quốc gia bày tỏ mong muốn tham gia, NATO có thể mời quốc gia đó tham gia Kế hoạch hành động thành viên (MAP), chương trình giúp chuẩn bị cho việc gia nhập trong tương lai. Tuy nhiên, NATO cũng lưu ý rằng tham gia MAP sẽ không đảm bảo tư cách thành viên. 

Theo NATO, mỗi kế hoạch hành động thành viên có 5 chương, đề cập đến: các vấn đề chính trị và kinh tế, quốc phòng và quân sự, tài nguyên, an ninh và pháp lý.

Chương đầu tiên giải quyết những vấn đề chính trị và kinh tế. Trong đó, liên minh yêu cầu ứng cử viên phải có hệ thống dân chủ ổn định, theo đuổi việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và sắc tộc, có quan hệ tốt với láng giềng, thể hiện cam kết với pháp quyền và nhân quyền, thiết lập sự kiểm soát dân chủ và dân sự đối với lực lượng vũ trang, và có nền kinh tế thị trường.

Chương quốc phòng quy định các ứng cử viên cải tổ lực lượng vũ trang và đóng góp quân sự cho phòng thủ tập thể, trong khi chương tài nguyên chủ yếu đề cập đến việc phân bổ đủ ngân quỹ cho quốc phòng.

Hai chương cuối, vấn đề an ninh và luật pháp, yêu cầu các quốc gia phải đảm bảo an ninh phù hợp đối với thông tin nhạy cảm theo các tiêu chuẩn của NATO và đưa luật pháp quốc gia phù hợp với luật pháp của liên minh.

Phần Lan, Thụy Điển được chào đón nồng nhiệt

Theo Business Insider, kể từ Thế chiến II, cả Phần Lan và Thụy Điển vẫn trung lập về quân sự nhưng vẫn giữ quan hệ thân thiết với NATO. Hai quốc gia Bắc Âu hiện là thành viên của chương trình Đối tác vì Hòa bình, với mục tiêu "xây dựng mối quan hệ riêng rẽ với NATO, lựa chọn các ưu tiên hợp tác của từng quốc gia".

Xe tăng chủ lực Strv 122 của Thụy Điển, một biến thể từ Leopard 2 của Đức. Thụy Điển có nền quân sự hiện đại, làm chủ được nhiều khí tài như tiêm kích, pháo, xe tăng ... (Ảnh: Anders Lagerås).  

Tuy nhiên, xung đột Ukraine đã dẫn đến sự thay đổi sâu sắc trong chiến lược của Helsinki và Stockholm. Ở Phần Lan, sự ủng hộ của người dân đối với việc gia nhập NATO đang tăng lên khoảng 75%. Để so sánh thì cuộc khảo sát tương tự vào năm 2017 cho kết quả là 17%. Các cuộc thăm dò khác cho thấy từ 50 đến 60% dân số Thụy Điển cũng ủng hộ tham gia NATO.

Theo tờ The Guardian, vào hôm 15/5, Phần Lan đã chính thức xác nhận ý định gia nhập NATO. “Tổng thống và Ủy ban Chính sách Đối ngoại của Chính phủ đã đồng ý việc Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi tham khảo ý kiến Quốc hội”, Tổng thống Sauli Niinistö nói trong một cuộc họp báo.

Quốc gia láng giềng của Phần Lan là Thụy Điển cũng đang có dự định tham gia NATO do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo RT, trong một thông báo vào hôm 15/5, Đảng Dân chủ Xã hội đã cam kết sẽ “làm việc để Thụy Điển trở thành thành viên NATO”. Tuy nhiên, Stockholm tuyên bố “chống lại việc triển khai vũ khí hạt nhân và căn cứ thường trực trên lãnh thổ Thụy Điển”.

Với các điều kiện cơ bản để gia nhập NATO, cả hai quốc gia Bắc Âu đều có thể dễ dàng đạt được. Phần Lan và Thụy Điển có nền kinh tế phát triển, tình hình chính trị ổn định, và là một trong những quốc gia dân chủ hàng đầu thế giới.

Nền kinh tế của Thụy Điển và Phần Lan phát triển hơn Ukraine rất nhiều.

Về mặt quốc phòng và quân sự, cả hai quốc gia đều có nền quân sự hiện đại, vũ khí tương thích với tiêu chuẩn của NATO. Phần Lan và Thụy Điển cũng tham gia nhiều hoạt động với NATO, đặc biệt là chương trình Đối tác vì hòa bình. Theo US NewsBloomberg, mặc dù chưa đạt đủ mức chi tiêu 2% GDP cho lĩnh vực quốc phòng, hai nước đều đã có kế hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu này của NATO.

Động thái muốn gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển đều được đa số các thành viên NATO ủng hộ.

Theo Reuters, đầu tháng 4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Phần Lan sẽ được "chào đón nồng nhiệt" và hứa hẹn một quá trình gia nhập "suôn sẻ và nhanh chóng". 

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay: “Chúng tôi sẽ ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và cả Thụy Điển nếu Stockholm muốn tham gia”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự phản đối với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Theo RT, ông Recep Tayyip Erdogan gọi hai quốc gia Bắc Âu này là “nơi chứa chấp khủng bố”.

Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký NATO, ông Mircea Geoană đã khẳng định rằng “Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng" và "tự tin rằng NATO có thể đón nhận Phần Lan và Thụy Điển, tìm mọi điều kiện để đạt được thỏa thuận”.

Ukraine khó lòng gia nhập NATO

Theo Business Insider, vào năm 2008, Ukraine đã nộp đơn xin bắt đầu Kế hoạch hành động thành thành viên (MAP) và được hoan nghênh. Liên minh cam kết rằng Kiev có thể trở thành thành viên, nhưng từ chối đưa ra một thời gian cụ thể.

Khi Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đắc cử vào năm 2010, kế hoạch trở thành thành viên NATO đã bị hủy bỏ do ông muốn trung lập, không liên kết. Tuy nhiên, sau khi ông Yanukovych bị lật đổ vào năm 2014, Ukraine tiếp tục ưu tiên tư cách thành viên NATO và sự ủng hộ của công chúng đối với việc gia nhập ngày càng tăng.

Để gia nhập NATO, ứng viên cần có sự tán thành của tất cả quốc gia thành viên. Ngay từ năm 2008, nước Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel và Pháp dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy đã có những động thái ngăn cản việc Ukraine gia nhập NATO. Đức cho rằng còn quá sớm để Ukraine gia nhập NATO vào thời điểm đó do điều kiện chính trị chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của liên minh.

Theo Business Insider, ông Stanley Sloan, chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương tại Đại học Middlebury cho rằng: "Ukraine vẫn chưa giải quyết được tham nhũng, và nền dân chủ vẫn đang phát triển của mình. Vì vậy, có lý do hợp lý để liên minh từ chối tư cách thành viên Ukraine".

Trên thực tế, Ukraine khó lòng có thể đáp ứng 3 trong 5 tiêu chí trong Kế hoạch hành động thành viên của NATO.

Kinh tế, chính trị

Ukraine hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với Nga về bán đảo Crimea, với hai nhà nước ly khai là Cộng hòa Donetsk và Luhansk về vùng Donbass cũng như có nhiều căng thẳng với các nước láng giềng là  Belarus. Hơn nữa, Nga còn đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine.

Để gia nhập NATO, các quốc gia Châu Âu phải thể hiện cam kết về dân chủ, tự do cá nhân và ủng hộ nhà nước pháp quyền. Có bằng chứng cho thấy Ukraine đề không đạt được yêu cầu cơ bản này.

Trong một phân tích năm 2021, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (một cơ quan giám sát chống tham nhũng) xếp Ukraine đứng thứ 122 trong số 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng, thấp hơn tất cả thành viên NATO. Tại châu Âu, Nga bị coi là nước có nạn tham nhũng hoành hành nhất, Ukraine xếp thứ 2.

Ukraine là quốc gia tham nhũng nhiều thứ 2 Châu Âu, chỉ sau Nga.

Tương tự, The Economist đánh giá Ukraine là một trong những quốc gia thiếu dân chủ nhất tại Châu Âu, chỉ nhỉnh hơn duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên lâu đời của NATO.

Ukraine cũng không thể đáp ứng yêu cầu về nền kinh tế thị trường. Theo xếp hạng năm 2019 của Viện Fraser, Ukraine đứng thứ 129 trong số 165 quốc gia về tự do kinh tế.

New York Times dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Victoria J. Nuland cho rằng Ukraine hiện vẫn chưa là quốc gia dân chủ đầy đủ mà “đang trong quá trình chuyển đổi sang một hệ thống dân chủ và đối mặt với những vấn đề như tham nhũng, cải cách kinh tế, ổn định chính trị”.

Quân sự

Về lĩnh vực quân sự, Ukraine cũng đã có những đóng góp quân sự cho phòng thủ tập thể bằng việc đưa quân tới các chiến dịch quân sự tại Iraq và Afghanistan, hoạt động gìn giữ hòa bình ở Bosnia và Herzegovina, tuần tra tại Địa Trung Hải và Biển Đen. Trong những năm gần đây, Ukraine cũng tham gia nhiều cuộc tập trận chung cùng NATO.

Do tình hình xung đột từ năm 2014, Kiev luôn duy trì được mức chi tiêu quốc phòng cao trên 2% GDP. Tuy nhiên, hệ thống vũ khí của Ukraine không hề phù hợp với NATO do đa số được thừa hưởng từ thời Liên Xô.

Ukraine có mức chi tiêu quốc phòng hơn 4% vào năm 2020.

Ukraine có thể đáp ứng những yêu cầu trong hai chương cuối của Kế hoạch hành động nhất, nhưng cũng sẽ cần thời gian. Theo New York Times, Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki cho biết trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Joe Biden hồi tháng 9/2021 “Có những bước mà Ukraine cần thực hiện”.

“Ukraine rất quen thuộc với những yêu cầu này: nỗ lực thúc đẩy cải cách pháp quyền, hiện đại hóa quốc phòng và mở rộng tăng trưởng kinh tế”, bà nói.

Chiến tranh hạt nhân

Trong nhiều năm, Tổng thống Putin đã tìm kiếm sự đảm bảo rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO, nhấn mạnh quan ngại rằng sự mở rộng về phía đông của liên minh là mối đe dọa với Nga. Vì lý do đó, một số thành viên NATO như Đức và Pháp kiên quyết phản đối việc gia nhập Ukraine vì nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga.

Có lẽ vấn đề quan trọng nhất ngăn cản Ukraine gia nhập là Điều 5 trong Hiến chương NATO. Điều 5 quy định nếu một thành viên bị tấn công tức là tất cả đều bị tấn công và tất cả đều sẽ ứng cứu.

Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Nếu Ukraine gia nhập NATO trong khi đang bị Nga tấn công, xét theo Hiến chương, các quốc gia thành viên của liên minh quân sự sẽ phải đối đầu trực tiếp với Moscow. 

Mặc dù NATO có sức mạnh quân sự khổng lồ, nhưng Nga lại sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Moscow rất có thể sẽ sử dụng kho vũ khí này nếu cảm thấy bị đe dọa. 

Minh Quang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.