Nền kinh tế Ukraine khó trụ vững nếu chiến sự kéo dài triền miên
Sự lạc quan khác thường của Ukraine
Đối với những người đã từng hoặc đang phải cố gắng chèo lái một nền kinh tế trong thời chiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko lại lạc quan một cách kỳ lạ, tờ Economist nhận xét.
Quân đội của Tổng thống Vladimir Putin đã chiếm đóng hoặc phong tỏa các cảng chính của Ukraine, đồng thời buộc hầu hết doanh nghiệp lớn nhỏ phải đóng cửa, nhưng vị bộ trưởng vẫn tỏ ra bình tĩnh.
Tại một quán cà phê gần cơ quan, ông Marchenko cho hay: “Tình hình đang rất khó khăn, tôi không thể nói giảm nói tránh. Song, chúng tôi có thể kiểm soát được”. Khi còi báo động về một cuộc không kích vang lên, ông đã phớt lờ hoàn toàn.
Rõ ràng, có những lý do nhất định khiến Ukraine không nên hoảng loạn. Đất nước Đông Âu đã bước vào cuộc chiến trong một “tư thế tốt”, với tăng trưởng GDP tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước.
Chưa kể, dân số của Ukraine cũng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, giá cả hàng hóa cao giúp hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, sắt thép có lợi nhuận, hệ thống ngân hàng được giám sát tốt và thâm hụt ngân sách nhà nước chưa đến 3% GDP vào năm ngoái.
Ngoài ra, trước xung đột quân sự với Nga, khối nợ của Ukraine dừng lại ở mức chưa đến 50% GDP, một con số mà hầu hết các bộ trưởng tài chính chỉ có thể mơ ước, theo Economist.
Hệ thống thuế và phúc lợi xã hội được số hóa bài bản giúp tiền vẫn chảy từ nền kinh tế vào ngân khố nhà nước. Chính phủ vẫn trả lương cho nhân viên và chi các khoản hưu trí, kể cả tại các khu vực đã bị Nga chiếm đóng nhờ mạng lưới internet và 3G rộng khắp.
Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp vẫn đang trả lương cho nhân công, ngay cả khi họ không thể hoạt động trơn tru như bình thường hoặc thậm chí không thể vận hành. Cũng theo lời Bộ trưởng Marchenko, thuế quỹ lương chỉ giảm 1%.
Tuy nhiên, trên thực tế, mọi việc không hề dễ dàng.
Tương lai u ám
World Bank dự đoán rằng GDP của Ukraine có thể lao dốc 45% trong năm nay, trong khi tờ Economist đưa ra mức dự báo suy giảm 44%. Và tất nhiên, cả hai ước tính đều cực kỳ không chắc chắn.
Nguồn thu từ hải quan, một phần đáng kể trong các khoản thu thuế của chính quyền Kiev, đã mất khoảng 25% so với trước chiến sự vì nhập khẩu đi xuống và nhiều loại thuế phải tạm ngừng áp dụng.
Lương cho quân nhân là một gánh nặng khác, ngay cả khi vũ khí và đạn dược của Ukraine đang được các nước phương Tây cung cấp miễn phí như một phần hỗ trợ cho cuộc chiến.
Mặt khác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang nộp thuế trên cơ sở tự nguyện, dẫn đến doanh thu thuế của nhà nước sụt giảm phần nào. Dù vậy, ông Marchenko cho biết bản thân rất ấn tượng trước cách phản ứng đầy lòng yêu nước của các doanh nghiệp.
Vị bộ trưởng nhấn mạnh, tất cả những khó khăn trên đã khiến thâm hụt tài chính của Ukraine tăng lên khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng. Nếu chiến sự cứ tiếp tục, con số này sẽ tương đương khoảng 5% GDP bị hao hụt mỗi tháng.
Làm thế nào để lấp đầy khoản thâm hụt? Ông Marchenko nói một phần là nhờ ngân hàng trung ương in thêm tiền. Một phần nữa, là bằng cách phát hành trái phiếu chiến tranh mà chính phủ đang trả lãi suất khoảng 11%.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn cần nước ngoài giúp đỡ. Và đó là lý do mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Marchenko dành phần lớn thời gian trong ngày để vận động chính phủ các nước giúp đỡ Ukraine.
Mỹ là nơi ông đặt niềm tin nhiều nhất. Hôm 28/4, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội phê chuẩn gói viện trợ mới trị giá 33 tỷ USD cho Ukraine, vì khoản cứu trợ trước đó đã gần như cạn kiệt.
Tuy nhiên, 20 tỷ trong số đó sẽ được chi để cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine và các nước tuyến đầu khác. Chỉ khoảng 8,5 tỷ USD là hỗ trợ kinh tế, trong khi phần dư còn lại dành cho viện trợ nhân đạo.
“Đó là một tin tốt, nhưng gói cứu trợ của Mỹ sẽ như thế nào và khi nào đến Ukraine? Chúng tôi không biết”, người đứng đầu Bộ Tài chính Ukraine bày tỏ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng ra tay giúp đỡ. IMF đã kêu gọi Mỹ và các nước khác tiếp nhận một phần quyền rút vốn đặc biệt của Ukraine tại quỹ, qua đó hỗ trợ tài chính cho chính quyền ở Kiev.
Song, kết quả là, trong quý II năm nay, Ukraine chỉ nhận được khoảng 4,5 tỷ USD tiền hỗ trợ bằng cách làm của IMF, trong khi mức thâm hụt tài khóa đã chạm mốc 15 tỷ USD.
Ông Marchenko thừa nhận rằng biện pháp của IMF không bền vững. Vị bộ trưởng lo ngại rằng nếu cuộc chiến kéo dài thêm “3 hoặc 4 tháng” nữa, chính phủ sẽ cần phải đưa ra các biện pháp đau đớn hơn, như tăng thuế và cắt giảm chi tiêu mạnh tay.
Mối nguy tức thời
Giữa lúc chính phủ Kiev phải tất bật giải quyết mối lo ngân sách, thì một vấn đề nhức nhối khác đã hiện ra trước mắt.
Trên khắp đất nước, nông dân đã gieo xong hạt giống cho mùa vụ lúa mì, lúa mạch, hoa hướng dương cùng nhiều loại ngũ cốc và mặt hàng chủ lực khác. Đáng kinh ngạc là khoảng 80% diện tích canh tác đã được gieo giống.
Việc thu hoạch sắp tới không phải vấn đề lớn, vì thế trận đang chững lại và quân đội Nga dường như không thể đạt thêm bước tiến nào khác. Phần khó hơn là làm sao xuất nông sản ra nước ngoài.
Sự hiện diện của hải quân Nga ở Biển Đen, cùng việc hải quân Ukraine triển khai thủy lôi phòng thủ, đồng nghĩa rằng Odessa - cảng chính của Ukraine, đã bị đóng cửa hoàn toàn, tờ Economist cho hay.
Các cảng lớn thứ hai và thứ ba của Ukraine cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong khi đó, Berdyansk và Mariupol, cảng biển lớn thứ 4 và thứ 5, hiện thuộc quyền kiểm soát của Nga.
Bên cạnh việc không thể xuất khẩu hàng ra ngoài, các kho dự trữ ngũ cốc của Ukraine đang chứa đầy nông sản vụ đông mới thu hoạch gần đây mà đáng lẽ nếu không có chiến sự thì đã lên tàu đến các nước.
Ông Mustafa Nayyem, một cựu nhà báo và hiện đang là Thứ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraine, đã được giao nhiệm vụ giải quyết bài toán trên.
Nếu ngũ cốc không thể ra ngoài bằng đường biển, chúng sẽ được vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt qua Ba Lan, Romania và Hungary, đến các cảng an toàn trên Biển Đen hoặc sông Danube.
Song, có rất nhiều trở ngại, ông Nayyem nhấn mạnh. Các tuyến đường bộ lẫn đường sắt không thể trung chuyển lượng lớn hàng hóa như vậy, đồng thời công suất dự phòng của các cảng thay thế cũng rất hạn chế.
Tệ hơn nữa là thủ tục hải quan tại biên giới của Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) diễn ra rất chậm. Các cuộc kiểm tra hải quan và kiểm dịch thực vật khiến xe tải phải nối đuôi nhau chờ đợi, ách tắc đến 10 km.
Các quy định của châu Âu nêu rõ, vì Ukraine không phải là một thành viên của khối, nên chỉ một số lượng hạn chế xe tải của nước này có thể vào EU.
Nếu châu Âu không “tháo xích” quy định cho Ukraine, khu vực này và có thể là cả thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng vào tháng 9.
Thứ trưởng Nayyem cảnh báo: “Chúng tôi cần mọi quốc gia ở châu Âu cho phép xe tải của Ukraine đi vào miễn phí. EU dường như không hiểu được lượng lớn lúa mì đang bị kẹt ở Ukraine có thể gây họa cho họ trong tương lai”.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/