|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PGS TS. Trần Đình Thiên: 'Tôi mong rằng, quyết tâm cải cách hiện nay của Chính phủ đang nhen nhóm đừng tàn lụi'

07:31 | 16/08/2019
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội ngàn năm có một để thoát khỏi cái cũ, nhưng để kinh tế Việt Nam có thể bay cao thì Chính phủ cần phải kiên định trong việc thúc đẩy cải cách hơn nửa.

Việt nam sẽ hưởng lợi như thế nào từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung? Vấn đề này hiện nay không còn mới mẻ khi đã nhiều lần được đem ra mổ xẻ bởi các chuyên gia kinh tế cả trong nước lẫn quốc tế.

Tuy nhiên, tại diễn đàn kinh doanh 2019 với chủ đề "Tiến vào kỷ nguyên số" do Forbes Việt Nam tổ chức mới đây, chủ đề này vẫn này một lần nữa được đem ra bàn luận với sự quan tâm rất lớn của giới kinh doanh.

Ông Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế cao cấp của tập đoàn Maybank Kim Eng cho rằng, dịch chuyển thương mại sẽ tiếp tục chuyển hướng vào Việt Nam. Điều chúng ta có thể thấy rõ nét đó chính là xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng 30% kể từ khi Mỹ đánh thuế vào hàng hoá của Trung Quốc.

Một trong những cơ hội được ông Chua Hak Bin đưa ra là việc Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế Mỹ sẽ áp thuế 10 tỉ vào thời điểm 31/9 và 116 tỉ tiếp theo sẽ đến vào tháng 12. Theo đó, những sản phẩm Trung Quốc bị áp thuế 25% phần lớn là điện tử, nội thất. Ngược lại, sản phẩm từ Mỹ bị Trung Quốc áp thuế tại chủ yếu là nông nghiệp.

Theo chiều hướng này, ông Chua cho rằng Việt Nam đang có lợi thế rất lớn để chen chân vào cả 2 thị trường. "Chẳng hạn như thị trường đồ gỗ nội thất, chúng ta chỉ chiếm khoảng 1/10 về kích cở so với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đang chiếm ½ lượng xuất khẩu nội thất qua Mỹ và VN chỉ khoảng 5%. Đây là cơ hội lớn và chúng ta có thể khai thác được sự dịch chuyển này", ông này nói.

Với câu hỏi việc dịch chuyển đầu tư FDI khỏi Trung Quốc sẽ mang lại cơ hội gì cho Việt Nam, chuyên gia Maybank Kim Eng cho rằng, nhìn chung, FDI vào Việt Nam đang rất tốt và là thực tế không thể đảo ngược đó là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang.  

FDI của Việt Nam đang rất đa dạng và không bị phụ thuộc vào 1 quốc gia đơn lẻ nào. Đó là điều rất tuyệt vời.

TS. Chua Hak Bin, Chuyên gia kinh tế tập đoàn Maybank Kim Eng

Nói thêm về cơ hội, PGS. TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang tốt, không phỉ chỉ từ đầu năm nay mà đã kéo dài gần 3 năm nay nhờ quá trình cải cách chứ không phải từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Việc Việt Nam đã ký hợp tác thương mại với các đối tác lớn như EVFTA, CPTPP,...cho thấy miềm tin của các nối tác đang tăng lên. Đã có những động thái cho thấy Việt Nam đang tốt lên trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài trong tâm điểm cuộc xung đột Mỹ - Trung. 

"Chưa bao giờ kinh tế Việt Nam ổn định và tin cậy như thế này", vị chuyên gia nói.

Thế nhưng, bên cạnh đó chuyên gia cũng cảnh báo rằng những chấn động của của cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ rất khó đoán định và Việt Nam cần phải thận trọng đặt trong điều kiện thực lực chúng ta đang còn yếu. 

Theo ông Thiên thì cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang bộc lộ những điểm yếu. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đứng trước các vấn đề cả hạ tầng và nhân lực.  

"Đương nhiên có một số rắc rối là VN đang được hưởng lợi rất lớn và thặng dư rất lớn từ Mỹ. Bên cạnh đó, vấn đề về lực lượng lao động, giá lao động và giá đất đang leo thang cũng là một vấn đề mà Việt Nam cần phải giải quyết", Chuyên gia từ Maybank Kim Eng nói thêm.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội ngàn năm có một để thoát khỏi cái cũ.

PGS. TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Theo đánh giá của ông Thiên, sự xung đột của hai cường quốc và chuyển đổi số đang tạo một áp lực lớn để Việt Nam thực hiện chuyển đổi. Việt Nam cần xác định đây là thời điểm mang tính thử thách. Đó cũng là cơ hội "ngàn năm có một" để thoát khỏi cái cũ, lột xác để kinh tế Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

Nhưng chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng: "Để thoát khỏi cái cũ trong thực tế là vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi cả năng lực, cơ chế vận hành khác hẳn. Đã 10 năm chúng ta nỗ lực đột phá, nhưng quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng của chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ.

Nếu chúng ta không bước vào được thời đại kỷ nguyên số mà chúng ta lại ở vào kỷ nguyên thế giới vật thể thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Do vậy, dù khó khăn kiểu gì chúng ta cũng phải làm để tận dụng cơ hội này", ông Thiên nói.

Ông nhắc lại rằng nhà nước phải thay đổi chức năng của mình, phải là nhà nước phục vụ chứ không phải ra lệnh đúng như khẩu hiệu "Chính phủ kiến tạo" mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra.

"Tôi mong rằng, quyết tâm cải cách hiện nay của Chính phủ đang nhen nhóm đừng tàn lụi", vị chuyên gia chia sẻ.

Huy Nguyên