|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người Việt chỉ thích làm việc dễ, phụ thuộc Trung Quốc là tất yếu

07:29 | 01/03/2020
Chia sẻ
Đó là nhận định của PGS.TS Trần Đình Thiên khi đánh giá về thị trường thương mại lẫn du lịch của Việt Nam. Ông Cho rằng, mặc dù tăng trưởng cao trong những năm gần đây nhưng chưa bền vững và còn quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Nguyên nhân là do tâm lí "dễ làm khó bỏ" dẫn đến sự phụ thuộc, dù đã được cảnh báo nhiều năm qua.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp. Dịch Covid-19 bùng phát đã phơi bày những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế bao năm qua. Thể hiện rõ nhất đó chính là sự khó khăn mà doanh nghiệp Việt đang gặp phải hiện nay, bởi phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, từ công nghiệp, xuất nhập khẩu cho đến du lịch. 

Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, dịch Covid-19 vừa là thách thức, vừa là cơ hội để doanh nghiệp Việt thoát khỏi tư duy "dễ làm khó bỏ" suốt bao năm qua dẫn đến hệ luỵ như hiện nay.

Virus corona khiến tư duy "dễ làm khó bỏ" không còn chỗ đứng với doanh nghiệp

Tại chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 50 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM tổ chức hôm 29/2, với chủ đề: "Dự báo tình hình kinh tế Việt Nam 2020 sau tác động của dịch Covid - 19", PGS.TS Trần Đình Thiên đã dành nhiều thời gian nói về mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, nhất là khi mối quan hệ này đang khiến các doanh nghiệp Việt lao đao vì dịch Covid-19.

Chuyên gia Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt phải bỏ tư duy dễ thì làm, khó thì bỏ để thoát sự phụ thuộc Trung Quốc - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng virus corona đã giáng một đòn nặng nề lên tâm lí "dễ làm khó bỏ" của doanh nhân Việt. (Ảnh: Phúc Minh).

Ông Thiên dẫn chứng năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 500 tỉ USD, cụ thể là 517 tỉ USD, tăng đến 89 tỉ USD, tương đương mức tăng trưởng 21%.

Trong khi đó, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 18 triệu lượt người, tăng  16%. 

Đây là những con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu và cơ cấu khách du lịch chia theo vị trí địa lí, thì có điều gì đó "bất thường".

Cụ thể, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trong khi đó, năm 2019, lượng khách du lịch từ các nước châu Á đến Việt Nam là 14,4 triệu lượt người, chiếm đến 80% lượng khách quốc tế. Đặc biệt, so với năm 2018, nhóm khách du lịch từ các nước châu Á đến Việt Nam cũng tăng nhiều nhất, gần 20%, trong khi nhóm khách châu Úc lại có xu hướng giảm.

"Cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá hiện nay đe dọa điều gì, khách du lịch hiện vẫn chưa thể phát triển theo hướng cao cấp, chưa thu hút được nhóm khách chịu chi. Con virus cho thấy sự lựa chọn này đã bị hại. Thực tế, vấn đề đã cảnh báo rất nhiều năm nhưng vì tâm lí 'dễ làm khó bỏ' nên du lịch, thương mại bị thiệt hại nặng nề", ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Lo chống dịch Covid-19, đừng quên nỗi lo tiếp theo của chiến tranh thương mại

Ông Trần Đình Thiên cho rằng vì nền kinh tế Việt Nam gắn với Trung Quốc quá chặt nên phải đánh giá chuẩn xác tác động của dịch Covid-19 đến Trung Quốc, để đưa ra cách ứng xử thích hợp.

"Dịch tác động lên Trung Quốc và sẽ tác động mạnh đến thế giới lẫn Việt Nam thế nào. 30% tăng trưởng thế giới do Trung quốc mang lại. Do đó, Trung Quốc thăng hoa thì thế giới cũng thăng hoa, tức dịch có thể tác động khoảng 30% đến thế giới, đối với Việt Nam, thậm chí còn lớn hơn nhiều", chuyên gia Trần Đình Thiên nói.

Chuyên gia Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt phải bỏ tư duy dễ thì làm, khó thì bỏ để thoát sự phụ thuộc Trung Quốc - Ảnh 2.

Dưa hấu tắc đường xuất khẩu qua Trung Quốc vì dịch Covid-19, khiến nhiều người chung lưng giải cứu. (Ảnh: Phúc Minh).

Tuy nhiên, ông nói thêm, sự chú ý hiện nay đang đổ dồn vào dịch Covid-19 mà quên đi một sự kiện khác là thương chiến thương mại. 

"Phải đặt dịch Covid-19 trong mối liên tục với xung đột Mỹ - Trung. Nếu không đo lường được xung đột mà chỉ lo dịch thì không được. Xung đột thương mại khiến Trung Quốc yếu đi, hiện dịch Covid-19 lại khiến yếu đi thêm nữa, thì kinh tế Trung Quốc sẽ thế nào", ông Thiên đặt vấn đề.

Nói thêm về mối lo ngại này, PGS.TS Trần Đình Thiên dẫn chứng năm 2019, số dự án đầu tư nước ngoài tăng đến 27%, tuy nhiên, tổng vốn lại giảm đi 6,8%. Một điều tra sơ bộ cho thấy các doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc chạy sang Việt Nam, mượn Việt Nam làm điểm tập kết hàng, chế tạo sơ sơ để xuất khẩu.

"Chúng ta trở thành nơi cho doanh nghiệp nhỏ và nhỏ li ti của Trung Quốc trú ẩn. Đây là thách thức rất lớn của doanh nghiệp Việt", chuyên gia Trần Đình  Thiên nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt làm gì lúc này?

Năm nay sẽ là một năm nhiều khó khăn, bệnh diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới và tử vong ngoài Trung Quốc đang tạo một cú sốc rất nặng, tuy nhiên, ông Thiên cho rằng lúc này cần phải bình tĩnh thì mới có giải pháp phát triển. 

Ông đặc biệt nhấn mạnh TP HCM là đầu tàu phát triển của đất nước thì phải càng bình tĩnh, có mục tiêu lớn đi đầu phát triển hiện đại, tiến tới xây dựng đô thị thông minh và trung tâm tài chính khu vực. Năm 2020, nếu TP HCM không đạt được mục tiêu tăng trưởng kì vọng vì dịch, thì cũng sẽ tác động đến các địa phương khác trong cả nước. 

Ông đề xuất chống dịch phải được coi là giải pháp hàng đầu để bảo vệ tăng trưởng và thay đổi cơ cấu. Đồng thời, tái cấu trúc để thoát khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc. Lúc này là lúc các doanh nghiệp Việt Nam bứt lên, thay thế sản phẩm và mở rộng thị trường. Một thị trường có thể tính toán đến là Ấn Độ.

Song song đó, ông đề xuất, Chính phủ phải tập trung vào chính sách tài khóa, mở rộng đầu tư công; khai thông các ách tắc thể chế. Mặt khác, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như giảm, giãn, xóa lãi suất, thuế, nợ và có cách tiếp cận khuyến kích khu vực tư nhân phát triển. Ngoài ra, miễn visa cho du khách đến từ một số thị trường các nước.

Phúc Minh

[LIVE] ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.