Điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc kích hoạt 'chiến tranh tiền tệ'?
Theo thông tin từ hãng Bloomberg đăng tải, Chính quyền Trump đã chính thức đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.
Quyết định của Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra sau khi Ngân hàng trung ương của nước này cho phép đồng nhân dân tệ giảm để trả đũa thuế quan mới của Mỹ. Tỷ giá đồng USD/CNY đã vượt qua ngưỡng 7 CNY đổi 1 USD, xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua.
Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (nguồn: Bloomberg)
Vấn đề Trung Quốc sử dụng công cụ tiền tệ để tạo lợi thế xuất khẩu đã được Mỹ nêu ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay Mỹ đã chính thức gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ".
"Thay vì phản đối, Trung Quốc hầu như thừa nhận sẽ sử dụng công cụ tiền tệ để làm vũ khí quan trọng trong cuộc chiến thương mại. Với động thái này, xem như "chiến tranh tiền tệ" đã chính thức diễn ra", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển bình luận.
Thị trường tài chính thế giới đã phản ánh tiêu cực với lo ngại tác động kép của cuộc chiến thương mai tăng cao kèm theo chiến tranh tiền tệ mà hầu như không có sự thỏa hiệp, hạ nhiệt cả hai phía.
Giá vàng tăng vọt qua 1460 USD/Oz, một diễn tiến mà ngay cả những dự báo lạc quan nhất về giá vàng tăng cũng không nghĩ tới; các chỉ số chứng khoán thế giớn đều giảm điểm với nhiều lo ngại của các chuyên gia tài chính - đầu tư thế giới.
Ở trong nước, tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư đã khiến Việt Nam-Index, chỉ số chứng khoán đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu phiên giao dịch với sắc đỏ tràn ngập thị trường.
Đang có quá nhiều bất định khiến tâm lý nhà đầu tư dễ tổn thương, đặc biệt là sau khi Trung Quốc xem việc phá giá đồng Nhân dân tệ như là một vũ khí chính để "chiến đấu" với Mỹ. Điều gì đang chờ đợi các nhà đầu tư tiếp theo?
"Lưỡng bại câu thương"
"Nếu quan sát cuộc chiến thương mại Mỹ Trung trong một năm qua; có thể thấy Trung Quốc ngày càng bị động trước cách thức thực hiện của Mỹ.
Trước đây, Trung Quốc rất giỏi trong việc sử dụng các thủ thuật "đánh - đàm", vừa âm thầm thực thi các cách kinh doanh có lợi, vừa sử dụng các hiệp định, các tổ chức thương mại thế giới trong việc cam kết hỗ trợ kinh tế thế giới. Bây giờ, cách thức đó sẽ càng làm cho kinh tế Trung Quốc suy thoái", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định.
TS Đinh Thế Hiển lập luận rằng, các giải pháp của Mỹ có thể nhẹ và từ từ trong việc áp thuế, nhưng lại tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ trong giới đầu tư và kinh doanh thế giới. Đó là sự chuyển dịch không đảo ngược từ các nhà máy sản xuất rời Trung Quốc chuyển sang các nước khác.
"Các nước khác thay dần Trung Quốc trong thị trường Mỹ, và một nền kinh tế mới giữa nhóm các nước sản xuất thay thế Trung Quốc (Ấn Độ, Mexico, Brazil, Đông Nam Á...) với Mỹ sẽ tạo ra GDP còn cao hơn giữa Trung Quốc - Mỹ hiện nay.
Đơn giản vì các nước này có dân số - tài nguyên rất lớn, và còn rất nhiều động lực để phát triển", TS. Đinh Thế Hiển nói.
Theo đó, vị chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc thực hiện chính sách phá giá đồng Nhân dân tệ có thể là một phương thức để phá thế trận này của Mỹ.
Trong khi đó, nội tại nền kinh tế của Trung Quốc cũng đang bộc lộ những vấn đề về cấu trúc bên trong sau nhiều thập kỷ hưởng lợi từ kinh tế thế giới và người lao động trong nước.
"Cho nên, để đấu với Mỹ theo cách Trung Quốc vẫn giữ được quyền lực chỉ huy kinh tế thế giới của mình thì Trung Quốc chỉ còn một cách là tạo ra một sự "hổn loạn - suy thoái" của kinh tế thế giới.
Qua đó các nước và ngay chính giới đầu tư Mỹ sẽ gây sức ép cho chính quyền Mỹ phải thỏa hiệp với Trung Quốc; và vũ khí mà Trung Quốc có thể gây ra điều đó chính là ra mặt tạo cuộc chiến tranh tiền tệ.
Mặc dù điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho Trung Quốc về tăng lạm phát, về mất thêm lòng tin nhà đầu tư, kèm những phản ứng mà các nước phát triển sẽ áp dụng một khi đóng nhãn Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ", TS. Đinh Thế Hiển nói thêm.
TS Đinh Thế Hiển dự báo trong ngắn hạn, cuộc chiến kép Thương mại - tiền tệ sẽ gây tiêu cực cho thị trường chứng khoán, cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và nông dân trong mối quan hệ xuất khẩu qua Trung Quốc.
Tác động của chiến tranh tiền tệ
Với những phản ứng hiện nay trên thị trường tài chính thế giới như thị trường chứng khoán, giá vàng suy giảm cho thấy "chiến tranh tiền tệ" đang gây tác động đến nền kinh tế thế giới.
Dự báo diễn tiến chiến tranh thương mại sẽ tăng cao, kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại kép từ hai cuộc chiến thương mại và tiền tệ sẽ kéo theo các công ty (quốc gia) đang gắn bó với thị trường nội địa Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, gây ra sự suy giảm kinh tế của một số quốc gia.
Tuy nhiên, theo TS. Hiển thì sự suy giảm thị trường nhập khẩu vào Trung Quốc đã được dự báo và chuẩn bị từ khi Mỹ phát động cuộc thương chiến, do vậy sự phá giá đồng Nhân dân tệ chỉ gây tác động một phần, và không thể tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chánh thế giới.
Đồng thời, dòng vốn FDI từ sự chuyển dịch nhà máy sản xuất tại Trung Quốc sang các nước Châu Á vẫn sẽ tiếp tục.
"Mỹ đang tạo ra động lực kinh tế mới trong việc kết nối các nền kinh tế Mỹ - EU - Nhật, và Mỹ với các nước phát triển trong việc thương mại thay thế sự suy giảm từ Trung Quốc. Các giá trị gia tăng mới hoàn toàn bù đắp các suy giảm từ Trung Quốc, để giúp kinh tế thế giới tăng trưởng", TS Đinh Thế Hiển phân tích.
Đối với Việt Nam, trước khi diễn ra đợt phá giá đồng Nhân dân tệ thì thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đã gặp khó khăn lớn trong việc xuất khẩu hàng qua Trung Quốc từ 2 yếu tố là hàng Việt Nam đang đắt lên, nếu quy chiếu tỷ giá USD; và hàng Việt Nam đang gặp khó khăn từ các quy định của Trung Quốc.
Theo đó, TS Hiển dự báo rằng cuộc chiến tiền tệ đang diễn ra dự kiến sẽ còn gây khó khăn thêm cho các doanh nghiệp xuất khẩu qua Trung Quốc, ảnh hưởng nhất là các doanh nghiệp nhỏ và hàng nông sản tiểu ngạch.
Đáng quan ngại nhất hiện nay đó chính là việc Mỹ sẽ gia tăng kiểm tra xuất xứ từ hàng Việt Nam xuất qua Mỹ sau khi chứng kiến nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam tăng vọt tỷ lệ thuận với sự sụt giảm xuất khẩu từ phía Trung Quốc.
Theo đó, một số công ty sử dụng bán thành phẩm từ Trung Quốc sẽ bị khó khăn, sẽ kéo theo tác động tiêu cực đến các công ty có liên quan trọng kinh tế nội địa.
Với thị trường chứng khoán, TS. Hiển dự báo sẽ gặp khó khăn do sự suy giảm nguồn vốn đầu tư tài chính từ nước ngoài do xu thế lo ngại chung về thị trường chứng khoán Châu Á.
Tỷ giá USD/VND có thể bị sức ép từ việc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ gây giảm giá các đồng tiền quốc gia khác so với USD. Tuy nhiên, FDI vào sản xuất không bị suy giảm sẽ là động lực giúp nền kinh tế phát triển ổn định
"Tóm lại, trong ngắn hạn, cuộc chiến kép Thương mại - tiền tệ sẽ gây tiêu cực cho thị trường chứng khoán, cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và nông dân trong mối quan hệ xuất khẩu qua Trung Quốc.
Tuy nhiên trong trung hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn do các phát triển kinh tế theo xu thế mới do Mỹ đang tạo ra trên thế giới, FDI vào sản xuất không bị suy giảm", TS. Đinh Thế Hiển nhận định.