Ông Trần Đình Long: 'Kể cả lỗ, Hòa Phát vẫn phải bán thức ăn chăn nuôi ra ngoài'
Chấp nhận lỗ để duy trì hệ thống đại lý
Thời gian qua, việc giá ngô, đậu tương trên thế giới tăng cao khiến thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước trở nên "nóng" hơn, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình huống khó.
Theo đó, giá ngô, đậu tương tăng khoảng 50% so với hồi đầu năm trong khi giá thức ăn chăn nuôi cũng chỉ tăng 20% bởi nếu tăng giá bán hơn nữa việc tiêu thụ đã khó càng trở nên khó hơn.
Do đó, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào trong khi giá bán thành phẩm không tăng với mức độ tương xứng khiến nhiều doanh nghiệp càng làm càng lỗ.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, cho biết doanh nghiệp này cũng gặp khó khăn đối với mảng này.
Một cổ đông kiến nghị Hòa Phát chỉ nên dùng cho hoạt động chăn nuôi nội bộ thay vì bán ra ngoài để tránh lỗ.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng: "Kể cả lỗ, Hòa Phát vẫn phải bán thức ăn chăn nuôi ra ngoài để duy trì hệ thống đại lý. Bản thân mảng trứng gà Hòa Phát cũng đang lỗ nhưng vẫn phải bán vì còn phải xây dựng hệ thống đại lý.
Phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng hệ thống này. Các đại lý đang hoạt động tốt. Không có việc hạn chế bán thức ăn chăn nuôi cho các đại lý để sử dụng cho hoạt động chăn nuôi nội bộ".
Theo Báo cáo thường niên của Hòa Phát, lợi nhuận lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát trong năm 2020 cao gấp 3 lần so với cùng kỳ 2019 với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi.
Nhà máy Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát ngoài bán ra thị trường còn cung cấp khối lượng lớn cho cho hệ thống trang trại chăn nuôi heo, gà của Tập đoàn trên toàn quốc
Mục tiêu của công ty đến năm 2022 sẽ đạt sản lượng tối đa công suất thiết kế 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm.
Chi phí đầu vào tăng cao - bài toán khó cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi
Trao đổi với người viết ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết ngô và đậu nành chiếm tới 30% giá thành của thức ăn chăn nuôi.
Trong khi đó, theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khả năng tự chủ đầu vào còn rất thấp.
Bởi uớc tính mỗi năm Việt Nam cần 27 triệu tấn các loại nông sản để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng ngành nông nghiệp trong nước chỉ cung ứng được 4 triệu tấn cám và 4 triệu tấn sắn.
Các loại nguyên liệu khác như ngô, đậu tương và lúa mỳ đa phần phải nhập khẩu, chủ yếu từ Argentina và Brazil.
Theo trang S&P Global Platts, giá ngô và đậu nành Mỹ ở mức cao được dự đoán là sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, vì nước ta đang là thị trường nhập khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới.
Việc giá ngô, đậu tương tăng kèm theo những điểm nghẽn trong logistics như chi phí tăng cao, thiếu container rỗng...ảnh hưởng lớn lượng nhập khẩu của hai mặt hàng nguyên liệu này.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu tới gần 14 triệu tấn đậu tương và ngô. Trong đó, lượng nhập khẩu ngô hơn 12 triệu tấn.
Sang năm 2021, lượng nhập khẩu của hai mặt hàng này ghi nhận giảm mạnh. Cụ thể trong 2 tháng đầu năm, nhập khẩu ngô chỉ đạt 1,7 triệu tấn, giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu đậu tương cũng giảm khoảng 35% xuống hơn 360 nghìn tấn.
Đáng chú ý, mặc dù lượng giảm mạnh nhưng kim ngạch nhập khẩu đậu tương vẫn tăng 11%.
Theo ông Trọng, cần phải có giải pháp nhằm bình ổn giá thức ăn chăn nuôi trở lại để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thức ăn chăn nuôi không nằm trong đối tượng giá bình ổn nên không thể mua dự trữ giống như gạo. Do đó, ngành chăn nuôi buộc phải tuân theo quy luật thị trường và chịu cảnh giá thức ăn ở mức cao ngất ngưởng.