|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Cao Trí đã chiếm đoạt 1.000 tỷ của bà Trương Mỹ Lan như thế nào?

20:57 | 18/11/2023
Chia sẻ
Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, ông Nguyễn Cao Trí đã lập, ký các thủ tục thanh lý hợp đồng “khống, hợp thức ghi lùi ngày, tháng, năm” để chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận của bà Lan.

Theo bản kết luận điều tra liên quan tới vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan, ngoài hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm, trong quá trình điều tra vụ án còn xác định ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Capella Holding có hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong việc hợp tác kinh doanh với bà Lan.

Kết quả điều tra xác định ông Trí đã nhiều lần nhận tiền của bà Lan để đầu tư dự án, mua cổ phần với tổng số tiền 1.000 tỷ đồng và đã ký hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang để giao cho bà Lan.

Ban đầu, ông Trí không thừa nhận được nhận bất cứ khoản tiền nào của bà Lan và có đơn gửi nhiều nơi khẳng định không có quan hệ kinh tế nhận tiền của bà Lan.

Tuy nhiên, tài liệu điều tra xác định sau khi bà Lan bị bắt, ông Trí đã lập, ký các thủ tục thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty Văn Lang “khống, họp thức ghi lùi ngày, tháng, năm” để chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận của bà Lan.

Đến khi làm việc với Cơ quan điều tra, ông Trí vẫn tiếp tục khẳng định không có quan hệ kinh tế, nhận tiền với bà Lan.

Hành vi của ông Nguyễn Cao Trí đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Qua quá trình điều tra, đến nay ông Trí đã khai nhận hành vi phạm tội và có đơn đề nghị nộp tiền khắc phục. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ tài sản khi khám xét, kê biên 7 bất động sản, và gia đình ông Trí tự nguyện nộp 641 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền là 1.002 tỷ đồng (bao gồm giá trị 7 bất động sản).

 Ông Nguyễn Cao Trí. (Ảnh: VL/Báo Thanh Niên).

Ông Nguyễn Cao Trí đã chiếm đoạt 1.000 tỷ như thế nào?

Do ông Nguyễn Cao Trí quen biết với bà Trương Mỹ Lan nên từ năm 2017 đến năm 2020, bà Lan đã hợp tác đầu tư một số dự án, mua cổ phần một số công ty của ông Trí. Theo thỏa thuận, ông Trí đã nhiều lần nhận tiền của bà Lan thông qua những người giúp việc của Lan, tổng cộng 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, ông Nguyễn Cao Trí và bà Trương Mỹ Lan thống nhất sẽ chuyển nhượng 65% vốn điều lệ CTCP Cao su Công nghiệp với giá 45 triệu USD. Bà Lan đã thanh toán cho ông Trí 21,25 triệu USD, tương ứng gần 477 đồng để mua 31,22% vốn điều lệ Trí đang sở hữu.

Do cổ phần Công ty Cao su Công nghiệp chưa được chuyển nhượng trong vòng 5 năm nên ông Trí và bà Lan thống nhất ký “Hợp đông ủy thác đầu tư” và để ông Hồ Quốc Minh (là người quen, môi giới của bà Trương Mỹ Lan) và người thân quen của ông Trí đứng tên trên hợp đồng.

Sau đó, bà Trương Mỹ Lan thỏa thuận với ông Trí mua 100% vốn điều lệ CTCP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh với giá trị 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiên cho ông Trí tổng cộng 20 triệu USD, tương ứng 463,5 tỷ đồng. Thực tế ông Trí khai nhận 1 triệu USD (23,2 tỷ đồng) và 127 tỷ đồng, còn 19 triệu USD chỉ ghi nhận tiến độ thanh toán nhưng chưa nhận tiền.

Ngoài ra, ông Trí và bà Lan còn thỏa thuận để bà Lan tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thanh toán tiền theo tiến độ phát sinh chi phí và bà Lan đã 2 lần thanh toán cho ông Trí, tổng cộng 9,5 triệu USD (220 tỷ đồng).

Do nhận nhiều khoản tiền đầu tư và vay nhưng không có giấy tờ, biên nhận nên đến tháng 1/2021, ông Trí gặp  bà Lan tại Nhà hàng Ngân Đình, tòa nhà TimeSquare thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để thống nhất chốt các khoản đầu tư mà ông nhận của bà Lan tổng cộng là 1.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo tín nhiệm và tin tưởng cho 1.000 tỷ đồng, ông Trí thống nhất chuyển nhượng cho bà Lan 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang và thống nhất với bà Lan để ông Hồ Quốc Minh (người được bà Lan giao liên hệ với ông Trí) đứng tên sở hữu cổ phần.

Ông Trí đã chỉ đạo soạn thảo, yêu cầu các nhân viên ký các văn bản, gồm: Giấy đề nghị chuyển nhượng cổ phần (không số) và Họp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 22/2/2021, ông Nguyễn Cao Đức chuyển nhượng 2.204.560 cổ phần (4,95% vốn điều lệ) với giá 495 tỷ đồng và bà Trần Lê Diệp Thúy chuyển nhượng sở hữu 2.370.847 cổ phần, (5,33% vốn điều lệ) cho ông Hồ Quốc Minh với giá 505 tỷ đồng. Tổng giá trị chuyển nhượng 1.000 tỷ (bình quân 224.683 đồng/cổ phần).

Cùng ngày, ông Trí ký Giấy chứng nhận cho ông Minh sở hữu 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang (đứng tên hộ cổ phần cho bà Lan). Sổ sách hệ thống kế toán không ghi nhận việc thanh toán 1.000 tỷ đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ như trên.

Ngày 7/10/2022, bà Lan bị khởi tố, bắt tạm giam. Đến ngày 21 và 22/10/2022, ông Trí chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang đã ký theo thỏa thuận với bà Lan.

Các tài liệu lập khống, họp thức ngày giao dịch, cụ thể: Biên bản thỏa thuận điều chỉnh giá chuyển nhượng 4.450.706 cổ phần VLG (10% vốn điều lệ) với giá 102 tỷ ghi lùi ngày 22/2/2021 và Biên bản thanh lý Họp đồng chuyển nhượng 4.450.706 cổ phần (10% vốn điều lệ), trị giá 102 tỷ đồng, ghi lùi ngày 25/2/2021; Biên bản thanh lý Hợp đồng chuyển nhượng 4.450.706 cổ phần (10% vốn điều lệ), trị giá 1.000 tỷ ghi lùi ngày thành ngày 26/5/2022.

Sau đó, ông Trí hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục xác nhận chuyển nhượng 4.450.706 cổ phần (10% vốn điều lệ) từ ông Hồ Quốc Minh sang ông Nguyễn Cao Đức (em trai) và nhân viên Kế toán Công ty Văn Lang.

Ngày 23/10/2022, ông Trí hẹn gặp Hồ Quốc Minh yêu cầu ông Hồ Quốc Minh ký hồ sơ thanh lý Hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang và bản thanh lý Hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp.

Như vậy, ông Trí đã tự ý lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý Họp đồng chuyển nhượng, thanh lý Hợp đồng ủy thác đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng, không trao đổi với bà Lan nhằm xóa bỏ quyền sở hữu đối với 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang, để chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận của bà Lan.

Ban đầu, tại Cơ quan điều tra, ông Trí khẳng định không nhận tiên của bà Lan. Đồng thời, ông còn có nhiều đơn gửi các nơi khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào của bà Lan, chỉ thừa nhận hợp tác với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong việc tài trợ 2.000 máy thở phòng chống COVID-19 cho Bộ Y tế và các tỉnh, thành trong nước, ngoài ra không có quan hệ kinh tế khác.

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra từ ngày 26/12/2022 đến ngày 15/1/2023, ông Trí vẫn tiếp tục phủ nhận.

Mặc dù đã có kết quả giám định tài liệu xác định chữ viết của ông Trí trong các tài liệu do ông Trí lập để theo dõi, xác nhận số tiền đã nhận của bà Lan do Cơ quan điều tra thu giữ, nhưng ông vẫn ngoan cố không thừa nhận nhằm chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Lan.

Đồng thời, ông Trí cho rằng bà Lan vu khống, bôi nhọ danh dự của ông Trí. Do vậy, bà Lan đã có đơn yêu cầu làm rõ, xử lý hành vi của ông Trí chiếm đoạt tài sản của bà Lan và thu hồi số tiền 1.000 tỷ đồng để giải quyết theo quy định pháp luật.

Hoàng Kiều

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.