|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vai trò của hơn 1.000 doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát

16:08 | 18/11/2023
Chia sẻ
Một số lượng lớn công ty “ma” được thành lập không có hoạt động kinh doanh mà chỉ để đứng tên khoản vay, lập các phương án vay vốn khống, hợp thức hóa rút tiền ở Ngân hàng SCB để bà Trương Mỹ Lan sử dụng.

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được xây dựng và hoạt động theo mô hình CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có trụ sở tại số 193 - 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP HCM; ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn...

Quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiêu tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Đây là thông tin từ kết luận điều tra vụ án liên quan bà Trương Mỹ Lan và các bị can về các sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.   

Theo kết luận, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Trong đó, nhóm định chế tài chính tại Việt Nam gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), CTCP Chứng khoán Tân Việt, CTCP Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú. Trong đó, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công vụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái.

Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn ... đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên, như CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng... 

Nhóm các công ty được gọi công ty “ma” tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký họp đồng hợp tác, thi công...

Mạng lưới công ty tại nước ngoài, tài liệu cho biết bà Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa “nhà đầu tư nước ngoài” đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.

Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Ảnh: vtpgroup.com.vn)

Các pháp nhân liên quan đến vụ án

CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có vốn điều lệ: 13.000 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc (cháu bị can Trương Mỹ Lan).

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm 4 cổ đông: Bà Trương Mỹ Lan sở hữu 60%; bà Elizabeth Chu Yuet Han (Chu Duyệt Hằng) - con Trương Mỹ Lan chiếm 10%; bà Mary Chu Yuet Fan (Chu Duyệt Phấn) - con gái Trương Mỹ Lan chiếm 10%; CTCP Emerald, đại diện là bà Trương Huệ Vân nắm 20%.

HĐQT gồm 6 thành viên: Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT; Ngô Thanh Nhã - Phó Chủ tịch HĐQT; 4 thành viên HĐQT là bà Chu Duyệt Hằng, bà Chu Duyệt Phấn, ông Trương Lập Hưng (cháu bà Trương Mỹ Lan) và bà Trương Huệ Vân.

Ban điều hành qua các thời kỳ gồm: Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc; 6 Phó Tồng Giám đốc: Ông Trương Lập Hưng, ông Trần Danh Hùng, bà Tống Thị Thanh Hoàng, ông Trương Mễ, bà Lâm Thị Hòa, bà Tô Thị Anh Đào. Kế toán trưởng là bà Phạm Thanh Thảo.

Các dự án đầu tư do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư: Dự Án Khu dân cư Bonville thuộc Lô số 6 - Khu chức năng 9A+B Đô thị mới Nam thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM với diện tích là 56.293,4 m2 và nhiều dự án, hợp đồng khác.

 CTCP Tập đoàn Đầu Tư Vạn Thịnh Phát

CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát có trụ sở tại số 193 - 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP HCM; được thành lập năm 2007. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; dịch vụ lưu trú ngắn ngày; bán buôn thực phẩm; nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động. Vốn điều lệ là 12.800 tỷ đồng.

Người đại diện theo pháp luật: Ngô Thanh Nhã, Tổng Giám đốc (em dâu bà Trương Mỹ Lan).

Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát gồm 4 cổ đông: Tập đoàn VTP sở hữu 49%, bà Chu Duyệt Hằng sở hữu 15,5%, bà Chu Duyệt Phấn nắm 15,5% và CTCP Emerald, đại diện là bà Trương Huệ Vân chiếm 20%.

HĐQT gồm 3 thành viên: ông Trương Chí Trung (em bà Trương Mỹ Lan) - Chủ tịch HĐQT; ông Trương Lập Hưng và bà Trương Huệ Vân là thành viên HĐQT.

Ban điều hành qua các thời kỳ gồm: Ngô Thanh Nhã, Tổng Giám đốc; 4 Phó Tổng Giám đốc: bà Trương Huệ Vân, bà Tô Thị Anh Đào, bà Tống Thị Thanh Hoàng, ông Trần Danh Hùng. Kế toán trưởng là Lương Thị Hồng Nhung.

Các dự án đầu tư do Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư là Dự án Khu dân cư Sterling Residence thuộc Khu II - Khu 6A thuộc Khu chức năng số 6A - Đô thị mới Nam Thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với quy mô 264.633 m2 và nhiều dự án, hợp đồng khác.

CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula

CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula cũng có trụ sở tại số 193 - 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP HCM; được thành lập năm 2003.

Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng. 

Cơ cấu cổ đông gồm: 10 cổ đông cá nhân và 21 cổ đông pháp nhân.

Người đại diện pháp luật: Nguyễn Ngọc Dương, Tổng giám đốc (đã chết). HĐQT gồm: Trương Vincent Kinh, Chủ tịch và 2 thành viên Kwok Hakman Oliver và bà Nguyễn Phương Anh.

Dự án sở hữu gồm Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở Đô Thị tại phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM với quy mô dự án là gần 117,8 ha. Dự án đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư, chưa được phê duyệt dự án, chưa được giao đất.

CTCP Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú

CTCP Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú có trụ sở tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Công ty được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 2.868 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn quản lý và Tạ Chiêu Trung - Tổng Giám đốc làm đại diện pháp luật.

Cổ đông gồm bà Trương Huệ Vân sở hữu 50,5% vốn điều lệ; Công ty Prosperity Asia Capital Limited - quốc tịch British Virgin Islands nắm 19,5%; Công ty Lionyear International Limited - quốc tịch British Virgin Islands sở hữu 15%; Công ty Magic Luck Group Limited - quốc tịch British Virgin Islands nắm 15% vốn.

 Ngoài ra còn có một số công ty có hoạt động kinh doanh, tạo doanh thu cho nhóm Vạn Thịnh Phát gồm: CTCP Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông, CTCP Đầu tư Times Square Việt Nam, CTCP Xuất nhập khẩu Hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc, Công ty TNHH Vinametric, CTCP Bông Sen, Công ty TNHH Quản Lý Sài Gòn Artisans, Công ty TNHH Sài Gòn Atelier, Công ty TNHH Coco & May, CTCP Dấu Ắn V, CTCP Dấu Ấn Việt Nam, CTCP Eurasia Concept, CTCP Tư vấn Đầu tư Quốc tế Promana, Công ty TNHH The Recipe, CTCP The Signature, Công ty LaviFood... 

Vai trò của các công ty "ma"

Kết luận điều tra cho biết, việc thành lập các công ty “ma” được Trương Mỹ Lan giao cho Hà Thục Kim và sau này là Đặng Phương Hoài Tâm, Trưởng Văn phòng HĐQT của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phụ trách và phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương và Nguyễn Phương Anh (là Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) thực hiện. Các công việc gồm đặt tên công ty, tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò là người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên Công ty TNHH, tìm địa chỉ đặt trụ sở công ty, chọn ngành nghề kinh doanh... cho phù hợp với yêu cầu của Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Nguyễn Ngọc Dương chỉ đạo bà Trần Thị Kim Chi, ông Bùi Đức Khoa... tìm người nhận đứng tên theo yêu cầu và cung cấp thông tin của họ cho ông Phan Chí Luân quản lý, cập nhật danh sách.

Với phương thức này, kết quả điều tra xác định bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập/nhận chuyển nhượng/sử dụng hàng nghìn pháp nhân để: Đứng tên khoản vay; Chuyển/nhận tiền từ nước ngoài; Phát hành trái phiếu; Đứng tên dự án; Cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các công ty, chuyển nhượng cổ phần, tài sản cho các cá nhân theo mục đích của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm (chuyến nhượng nhiều lần đế nâng giá trị tài sản, hoặc chuyến nhượng đế lập phương án rút tiền ra khỏi Ngân hàng SCB...).

Trong đó, một số lượng lớn công ty ma được thành lập không có hoạt động kinh doanh mà chỉ để đứng tên khoản vay tại Ngân hàng SCB, lập các phương án vay vốn khống, hợp thức hóa rút tiền ở Ngân hàng SCB để bà Lan sử dụng.

Ngoài ra, bà Lan cũng chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoạn Vạn Thịnh Phát thuê/nhờ hàng nghìn cá nhân để: Đứng tên khoản vay tại Ngân hàng SCB; Đứng tên đại diện pháp luật công ty “ma”; Đứng tên tài sản đảm bảo; Đứng tên cổ phần; Mở tài khoản nhận tiền, Rút tiền mặt, phục vụ cho các mục đích của Trương Mỹ Lan.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Kiều

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.