|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khối tài sản 1,2 triệu tỷ Vạn Thịnh Phát thế chấp tại SCB được định giá lại còn bao nhiêu?

18:38 | 18/11/2023
Chia sẻ
Kết luận điều tra của Bộ Công an cho biết 1.166 mã tài sản đảm bảo cho các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát có giá trị theo sổ sách là hơn 1,2 triệu tỷ đồng. 2/3 trong số đó được công ty thẩm định giá hơn 253.561 tỷ đồng, số còn lại phần lớn không đủ hồ sơ, pháp lý để định giá.

 Bà Trương Mỹ Lan. (Ảnh: VTP).

Theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan, đến ngày 17/10/2022, tại SCB có 1.284 khoản vay của 875 khách hàng là các khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát.

Tổng dư nợ tại thời điểm ngày 17/10/2022 là 677.286 tỷ đồng trong đó gồm 483.917 tỷ đồng nợ gốc, 193.315 tỷ đồng nợ lãi, thuộc nợ nhóm 5 không có khả năng thu hồi.

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thinh Phát ngày 8/10/2022, công ty kiểm toán độc lập và công ty thẩm định giá đã được thuê để thực hiện đánh giá tổng thể thực trạng Ngân hàng SCB và định giá các tài sản tại SCB.

Kết quả, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân xác định giá trị các tài sản của Ngân hàng SCB là 295.940 tỷ đồng, trong đó 5.946 tỷ đồng là tài sản cố định, 289.994 tỷ đồng là tài sản bảo đảm bảo của các khoản vay còn dư nợ (bao gồm các khoản vay đã bán nợ cho VAMC, bán nợ trả chậm, cấn trừ nợ, bán tài sản trả chậm).

Liên quan đến các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, có 1.166 mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay có giá trị theo sổ sách là 1.265.504 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá 726 mã tài sản có giá trị định giá lại được phân bổ là 253.561 tỷ đồng. Số còn lại không định giá với giá trị sổ sách phân bổ là 622.476 tỷ đồng. Lý do là các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản, một số tài sản không thuộc phạm vi định giá lại.

Trong số 726 tài sản nói trên, có 517 mã tài sản có đủ pháp lý thế chấp/cầm cố để đươc tính giá trị tài sản khi thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo tờ trình và/hoặc Hợp đồng thế chấp/Cầm cố là 179.196 tỷ đồng.

Hơn 200 mã tài sản còn lại không có đủ điều hiện pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp/cầm cố, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, tài sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo quy định,...) do vậy SCB không thể tiến hành xử lý tài sản, không đủ điều kiện để được tính giá trị tài sản khi trích lập dự phòng rủi ro.

Nếu phân chia chi tiết theo hai giai đoạn thời gian, giá trị các tài sản thế chấp được xác định như sau:

Giai đoạn 1 được xác định với các khoản vay được giải ngân từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, có 204 mã tài sản đảm bảo cho 368 khoản vay có liên quan đến trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm, còn dư nợ 132.247 tỷ đồng (gồm 68.305 tỷ đồng nợ gốc, 63.942 tỷ đồng nợ lãi).

Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá 195 mã tài sản có tổng trị giá 78.214 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2022; 9 mã tài sản không định giá vì các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản của các công ty, tài sản không đủ pháp lý.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ngân hàng SCB thì chỉ có 96/195 mã tài sản có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo các hợp đồng là 67.626 tỷ đồng, số còn lại 99/195 mã tài sản không có đủ pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp, hợp đồng thế chấp chưa được công chúng, hoặc tài sản là bất động sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo...).

Giai đoạn hai được xác định với các khoản vay được giải ngân từ 1/1/2018 đến 7/10/2022, có 982 mã tài sản đảm bảo cho 916 khoản vay có liên quan đến trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn dư nợ 545.039 tỷ đồng (gồm 415.667 tỷ đồng nợ gốc, 129.373 tỷ đồng nợ lãi).

Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 546 mã tài sản có tổng trị giá 175.349 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2022; 436/982 mã tài sản không định giá, vì tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản của các công ty, tài sản không đủ pháp lý.

Theo đánh giá của Ngân hàng SCB thì chỉ có 424/546 mã tài sản Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân đã định giá có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo tờ trình và/hoặc Hợp đồng thế chấp/Cầm cố là 111.570 tỷ đồng.

Số còn lại 122 mã tài sản không có đủ pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, hoặc tài sản là bất động sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo...).

Nâng khống giá trị, rút ruột tài sản thế chấp

Kết luận điều tra cũng chỉ ra một số thủ đoạn "biến hoá" tài sản đảm bảo tại ngân hàng của bà Trương Mỹ Lan như: nâng khống giá trị, hoán đổi rút tài sản có pháp lý, có giá trị để bán.

Điển hình của việc đưa tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị là các khoản vay liên quan đến tài sản bảo đảm là dự án Mũi Đèn Đỏ.

Cụ thể, Ngân hàng SCB đã giải ngân 100 khách hàng/137 khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ còn dư nợ 133.710 tỷ đồng, gốc 107.923 tỷ đồng, lãi 26.317 tỷ đồng (chiếm 22% tổng dư nợ gốc nhóm Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB).

Tài sản bảo đảm trên sổ sách là 584.487 tỷ đồng, trong đó tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần là 433.473 tỷ đồng; Quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 147.650 tỷ đồng; Các bất động sản, quyền tài sản khác là 3.363 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá trị 22.003 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cô phân không định giá được (vì cổ phần đã định giá trị vào quyền tài sản phát sinh từ dự án mũi đèn đỏ là 18.317 tỷ đồng); Quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 18.317 tỷ đồng; Các bất động sản khác: là 3.686 tỷ đồng.

SCB đánh giá về tài sản bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro với giá trị là 17.597 tỷ đồng, trong đó, quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 17.597 tỷ đồng, các bất động sản khác là 0 đồng.

Ngoài thủ đoạn rút ruột Ngân hàng SCB bằng tiền, bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo các đối tượng rút ruột bằng việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi ngân hàng để sử dụng cho các mục đích của mình.

Kết quả điều tra xác định, trong số 1.284 khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát có 240 tài sản bảo đảm/430 khoản vay bị hoán đổi tài sản bảo đảm (trong đó có nhiều khoản vay hoán đổi tài sản nhiều lần (12 lần).

Giá trị tài sản khi đưa vào thế chấp được định giá trị trên sổ sách là 487.451 tỷ đồng, nhưng sau khi bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm đến nay giá trị trên sổ sách là 351.948 tỷ đồng. Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 260/278 tài sản với tổng trị giá hơn 108.109 tỷ đồng (thời điểm ngày 30/9/2022).

Trong số 240 tài sản bảo đảm bị hoán đổi thì có 67 tài sản đã bị xuất hẳn ra khỏi hệ thống quản lý của Ngân hàng SCB, có nhiều tài sản có giá trị lớn, chuyển thành nhóm Vạn Thịnh Phát sở hữu, như: Tòa nhà Sherwood Resident tại 127 Pasteur; Tòa nhà 66 Phó Đức Chính, TP HCM, cũng có nhiều tài sản đã chuyển nhượng cho bên khác hoặc chuyển sở hữu nước ngoài không thể tiến hành kê biên, phong tỏa được.

Hiện Cơ quan điều tra cũng đã kê biên, phong tỏa, thu giữ, tạm giữ tài sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm với tổng số tiền thu giữ là gần 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD cùng nhiều tài sản là bất động sản, du thuyền, xe hơi,... nhằm phục vụ cho vụ án.

Đọc thêm về thủ đoạn thâu tóm Ngân hàng SCB của bà Trương Mỹ Lan tại đây: Nắm hơn 90% cổ phần SCB, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cho nhóm Vạn Thịnh Phát vay hơn 93% dư nợ của ngân hàng

 

H.T

Giảm giới hạn cấp tín dụng tác động ra sao tới các ngân hàng, liệu có nên có ngoại lệ?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, không nên tạo ngoại lệ cấp tín dụng vượt trần cho các ngân hàng lớn, dự án trọng điểm mà thay vào đó khuyên khích việc nhiều ngân hàng cùng cho vay để giảm rủi ro và chia sẻ lợi ích.