Ông chủ thương hiệu Zara đầu tư 3 tỉ USD bất chấp đại dịch COVID-19
Inditex SA đang lên kế hoạch đầu tư 2,7 tỉ Euro (tương đương 3 tỉ USD) để đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử cho những thương hiệu như Zara hay Bershka, đồng thời mở rộng không gian cửa hàng để dành lợi thế trước các đối thủ trong lúc đại dịch đang làm ngành công nghiệp bán lẻ thời trang điêu đứng.
Nhà bán lẻ Tây Ban Nha đặt mục tiêu có 1/4 doanh số bán hàng đến từ kênh thương mại điện tử tới cuối năm 2022.
Mới đây, Inditex thông báo với cổ đông về việc ngừng chi trả cổ tức đặc biệt sau khi phải đón khoản lỗ theo quý đầu tiên kể từ khi trở thành công ty đại chúng khoảng hai thập niên trước.
"Chúng tôi hoàn toàn tự tin vào mô hình kinh doanh và triển vọng dài hạn của mình," ông Pablo Isla, Chủ tịch Inditex, nhấn mạnh.
Trong những tháng đầu năm 2020, có thời điểm Inditex đã phải đóng cửa 90% số cửa hàng của mình. Theo Bloomberg, cổ phiếu Inditex đã mất 1/5 giá trị trong năm nay.
Mua sắm trực tuyến đang là "cứu cánh" cho nhiều nhà bán lẻ trong đại dịch. Với Inditex, doanh số từ thương mại điện tử đã tăng 50% trong quý 1/2020. Năm ngoái, khoảng 14% doanh thu của Inditex đến từ kênh trực tuyến. Theo Bloomberg, Inditex cũng lên kế hoạch mở thêm 1.200 cửa hàng trong năm tới.
Inditex thường có chiến lược mở hàng loạt cửa hàng với nhiều hình thức khác nhau nằm cạnh nhau. Với các cửa hàng yếu kém, Inditex có thể sáp nhập chúng với một cửa hàng nằm cạnh.
Khoản lỗ trong quý 1 của công ty phần lớn đến từ khoản lỗ lên tới 308 triệu Euro do các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Lệnh phong toả tại nhiều thị trường quan trọng với thương hiệu Zara như Tây Ban Nha hay Ý khiến Inditex chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.
Hiện tại, hơn 3/4 cửa hàng của Inditex đã mở cửa trở lại. Ở những nền kinh tế đã vận hành bình thường, doanh số bán hàng của Inditex giảm khoảng 16% trong vài ngày đầu của tháng 6.
Doanh thu trong 10 ngày đầu tiên của tháng 6 đạt mức tương đương với năm ngoái ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Isla nói với Bloomberg.