|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông chủ Thế Giới Di Động từng khẳng định không 'đè' chủ nhà để bắt họ cho thuê mặt bằng giá rẻ

07:32 | 11/10/2021
Chia sẻ
Chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài trong thời gian qua đã vướng vào lùm xùm về vấn đề tiền thuê mặt bằng, qua đó tạo ra nhiều tranh cãi.
Ông chủ Thế Giới Di Động: Kinh doanh online chưa thể áp đảo offline tại Việt Nam, từng khẳng định không 'đè' chủ nhà để bắt họ cho thuê mặt bằng giá rẻ - Ảnh 2.

Vấn đề mặt bằng của Thế Giới Di Động đang được quan tâm trong thời gian qua. (Ảnh: Zing News).

Sẵn sàng trả tiền thuê cao để thuê được mặt bằng đẹp

Tại chương trình tọa đàm Shark Tank Forum 2020: Vận dụng rủi ro thời COVID, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) từng tiết lộ chi phí thuê mặt bằng chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh chưa đến 2% doanh thu.

"Tại sao tỷ lệ đó thấp, đơn giản là vì doanh thu mình hơn thiên hạ. Vậy thôi. Hai shop đối diện nhau chắc chắn là doanh thu Thế Giới Di Động phải gấp 1,5 thậm chí gấp 2 lần của đối thủ cạnh tranh. Nếu Thế Giới Di Động 2% (chi phí thuê mặt bằng so với doanh thu -NV) thì FPT Shop phải 4% - 5%", ông Tài giải thích.

Tuy nhiên, ông Tài khẳng định luôn rằng điều đó không có nghĩa Thế Giới Di Động "đè" chủ nhà ra, bắt họ cho thuê rẻ bởi đây là mối quan hệ thương lượng, "đâu ai đè được được ai."

Thậm chí, vị chủ tịch Thế Giới Di Động có cảm giác công ty đang trả tiền thuê mặt bằng cao hơn các đối thủ khoảng 10% - 15% bởi công ty muốn lấy các vị trí chiến lược và sẵn sàng trả cao hơn để làm điều đó. Tuy nhiên vì doanh thu trên mỗi mét vuông cửa hàng cao nên tính chung tỷ lệ sẽ thấp.

Theo báo cáo tài chính Thế Giới Di Động, tại ngày cuối tháng 6 năm nay, công ty đã trả trước 456 tỷ đồng tiền thuê cửa hàng, bao gồm 420 tỷ đồng trả trước ngắn hạn (không quá 12 tháng) và 36 tỷ đồng dài hạn (trên một năm).

Số tiền trả trước thuê mặt bằng tăng lên theo xu hướng tăng của số cửa hàng của MWG. Tại ngày 31/8/2021, MWG có 4.700 cửa hàng, tăng khoảng 600 so với con số ngày cuối năm ngoái.

Kinh doanh offline bằng cách mở chuỗi vẫn là cần câu cơm

Cũng tại sự kiện này, Nguyễn Đức Tài nhận định rằng hình thức online vẫn chưa thể áp đảo các hình thức offline. Chia sẻ về câu chuyện giữa hình thức kinh doanh online và offline, ông Tài lấy ví dụ rằng ở Trung Quốc và một vài quốc gia khác, online đang có sự áp đảo so với offline. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa diễn ra điều tương tự.

"Cách đây khoảng 10 năm, khi Thế Giới Di Động mở một shop, có một đơn vị bán lẻ bên Trung Quốc đã đến chơi và học hỏi. Cuối cùng, khi tôi sang bên đó mới nhận ra vấn đề.

Một shop của mình có 100 m2, bán được khoảng 1.000 chiếc điện thoại/tháng trong khi một shop bên đó lên tới 700 m2 nhưng chỉ bán được khoảng 300 chiếc điện thoại/tháng", ông Tài lấy ví dụ cụ thể.

Ông khẳng định doanh nghiệp đó gặp nhiều rủi ro bởi vì số tiền thuê mặt bằng trên doanh thu chiếm tới 20 – 25%. Nếu tiếp tục như vậy, khi Samsung bán hàng cho doanh nghiệp đó, họ phải lãi gấp đôi thì mới có đủ tiền trả.

Trong khi đó, theo ông Tài, tiền thuê trên doanh thu của Thế Giới Di Động lúc đó chỉ dưới 2%. Với tỷ lệ như vậy, ông Tài khẳng định sẽ rẻ hơn chi phí logisitcs của những người đang làm thương mại điện tử vào thời điểm đó.

Bên cạnh đó, ông dự đoán cuộc chơi giữa một bên chi 2% cho chi phí thuê mặt bằng với một bên chi nhiều cho chi phí logistics, khuyến mãi,…dường như sẽ không có hồi kết, trừ khi có ai đó rút khỏi thị trường thương mại điện tử.

Dễ kiểm chứng, theo báo cáo tài chính của Thế Giới Di Động, mặc dù mảng kinh doanh online được đẩy mạnh trong dịch song hiện vẫn chiếm một phần nhỏ so với doanh thu toàn bộ chuỗi.

Doanh thu online lũy kế sau 8 tháng của Thế Giới Di Động đạt gần 7.000 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ). Các giao dịch online đem lại hơn 1.000 tỷ đồng trong tháng 8 (tăng 26% so với cùng kỳ) và chiếm 30% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh.

Trong khi đó, lũy kế 8 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 78.495 tỷ đồng và 3.006 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 8% và 12% so với cùng kỳ.


Quốc Anh

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.