|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Turnover rent - lời giải cho bài toán chi phí thuê mặt bằng giữa mùa dịch của các chuỗi bán lẻ như Thế Giới Di Động, Bách Hoá Xanh,...

07:46 | 06/10/2021
Chia sẻ
Một xu hướng không cũ nhưng lại đang nổi lên như là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát.

6 tháng đầu năm, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) đã trả trước hơn 456 tỷ đồng tiền thuê cửa hàng, bao gồm 420,081 tỷ đồng trả trước ngắn hạn và 36,46 tỷ đồng dài hạn.

Tính đến hết quý II/2021, Thế Giới Di Động đang sở hữu 4.610 cửa hàng, tăng thêm 551 cửa hàng so với năm 2020. Hệ thống cửa hàng này rất đa dạng từ Thế Giới Di Động, Bách Hóa Xanh, Điện Máy Xanh... với diện tích, vị trí của mỗi mặt bằng là khác nhau.

Do đó, chi phí thuê mặt bằng trong bối cảnh phải tạm đóng cửa trong mùa dịch đã gây áp lực không nhỏ lên tình hình tài chính của công ty. Mới đây, theo phản ánh của một chủ cho thuê mặt bằng, Thế Giới Di Động đã phải gửi văn bản thông báo không thanh toán và tính tiền thuê trong quý III vì lý do dịch bệnh.

Nội dung văn bản trên đã gây ra không ít bình luận trái chiều trong giới kinh doanh. Giữa lúc này, một giải pháp đã được các đơn vị bán lẻ nước ngoài áp dụng từ lâu lại được nhắc đến, đó là trả tiền thuê mặt bằng dựa trên doanh thu cửa hàng: Turnover rent.

Từ vụ việc TGDĐ, các nhà bán lẻ có lẽ đã đến lúc cân nhắc  'Turnover rent' - Ảnh 1.

Mặt bằng đang vướng phải lùm xùm của Thế Giới Di Động. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Turnover rent - lời giải cho bài toán chi phí mặt bằng

Rõ ràng đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động khủng khiếp với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ngành bán lẻ. Các lệnh giãn cách, quy định hạn chế đã đẩy nhiều cửa hàng rơi vào cảnh phải đóng cửa, không thể kinh doanh tại các cửa hàng truyền thống.

Không kinh doanh được đồng nghĩa với doanh thu giảm và điều này dĩ nhiên sẽ khiến áp lực chi phí đè lên vai doanh nghiệp, chi phí cho mặt bằng cũng nằm trong số đó. 

Khái niệm "Turnover rent" không hề mới trong ngành công nghiệp bán lẻ nhưng trong đại dịch lần này, đây đang được xem như là một xu hướng mới nổi lên, một giải pháp cho các doanh nghiệp về chi phí mặt bằng. Chưa kể "Turnover rent" không chỉ mang lại lợi ích cho bên thuê mà chủ mặt bằng cũng có thể được hưởng lợi.

"Turnover rent" là phương thức tính giá cho thuê theo tỷ lệ phần trăm của doanh thu bán lẻ phát sinh tại tài sản cho thuê. Có nhiều cách để tính "Turnover rent", nhưng cơ bản nhất vẫn là người thuê có thể trả một khoản tiền cơ bản (chi phí cố định) cộng thêm tỷ lệ phần trăm doanh thu của người thuê. Chi phí thuê mặt bằng theo dạng này còn tùy thuộc vào thỏa thuận của đôi bên.

Từ vụ việc TGDĐ, các nhà bán lẻ có lẽ đã đến lúc cân nhắc  'Turnover rent' - Ảnh 2.

Ngành bán lẻ với bài toán "Chi phí mặt bằng" hậu COVID-19. (Ảnh: BBC).

Trang Retail Wit dẫn lời chuyên gia bán lẻ Nelson Blackley cho biết giá thuê dựa trên doanh thu là giải pháp tốt nhất cho tương lai của ngành bán lẻ. Ông Nelson nói: "Tại Anh, một số nhà bán lẻ nổi tiếng như New Look, AllS Paint và giờ đây là Clarks đã bắt đầu chuyển nhiều cửa hàng còn lại sang hình thức này."

New Look đã chuyển hơn 400 cửa hàng ở Anh sang hình thức cho thuê dựa trên doanh thu. Ở thời điểm đó, nhà bán lè này tin rằng việc chuyển đổi sẽ cung cấp cho họ "sức mạnh tài chính và sự linh hoạt để cung cấp một nền tảng bền vững" cho giao dịch hậu COVID-19. 

Một báo cáo gần đây của Savills cho thấy ít nhất 82% các nhà bán lẻ ở Anh đang tìm cách điều chỉnh lại một số hợp đồng thuê hiện tại để đưa vào điều khoản tính tiền thuê dựa trên doanh thu trong tương lai. 

Tuy vây, chuyển đổi sang hình thức "Turnover rent" không hề đơn giản khi việc thuyết phục chủ nhà cũng cần nhiều thời gian. Song, ở thời điểm hiện tại, cách thức này cho phép nhà bán hàng kiểm soát chi phí thuê mặt bằng.

Joel Lawson, Phó giám đốc bán lẻ của công ty BĐS Avison Young, dự đoán mô hình "Turnover rent" sẽ trở nên phổ biến trong chu kỳ kinh tế tiếp theo. Ông nhận định đây là một phương tiện để chủ nhà và người thuê nhà chia sẻ phần rủi ro và bình đẳng hơn, phản ánh mối quan hệ cộng sinh của họ. 

Thoạt nhìn, nhiều người sẽ nghĩ đây là những thỏa thuận không có lợi dành cho chủ nhà nhưng nếu thỏa thuận được soạn thảo chi tiết, kỹ càng, những giá trị lợi ích mà chủ nhà có được sẽ rất xứng đáng.

Điều đầu tiên, như đã nói, đây là mối quan hệ cộng sinh. Khi doanh nghiệp ăn nên làm ra, chủ cho thuê cũng sẽ được hưởng và ngược lại, doanh nghiệp gặp khó cũng có sự chia sẻ từ chủ mặt bằng.

Bên cạnh đó, với những thỏa thuận tính tiền thuê dựa trên doanh thu, chủ mặt bằng sẽ có cơ hội nắm được các số liệu tài chính, tình hình kinh doanh của người thuê. Điều này giúp người chủ cho thuê có thể sớm can thiệp trước nếu những kết quả tài chính đó không được đẹp, thay vì ngồi chờ người thuê phá sản, vỡ nợ mới hành động.

Thùy Trang