Văn bản đề tên TGDĐ từ chối trả tiền mặt bằng gây sốt trên mạng, luật sư nói gì?
Gần đây, xuất hiện trên mạng xã hội một văn bản được chia sẻ từ đối tác mặt bằng của Thế Giới Di Động (TGDĐ). Người này cho biết công ty tự ý thông báo bằng văn bản và thực hiện việc không thanh toán đối với những mặt bằng phải tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh.
Theo anh Trần Kỷ Mùi (đối tác mặt bằng), TGDĐ đã tự ý hành động mà không có thỏa thuận nào. Anh khẳng định trong hợp đồng cũng không có điều khoản cho phép TGDĐ có thể hành động như vậy.
Trả lời chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty luật ANVI cho rằng nếu văn bản của TGDĐ là đúng, và chưa được sự chấp thuận của bên cho thuê thì nó không có giá trị pháp lý nào cả. Ông cho rằng hành động của TGDĐ là thô lỗ và trắng trợn, vi phạm thỏa thuận, không chấp nhận được.
"Kể cả TGDĐ có bị phá sản hay cháy nhà,... thì đấy là điều kiện để hai bên thương thuyết với nhau chứ không phải lấy lý do dịch bệnh COVID-19 để không thanh toán tiền thuê", Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Theo văn bản nêu, chuỗi cửa hàng TGDĐ và Điện máy Xanh (ĐMX) cho biết do ảnh hưởng từ quy định giãn cách theo chỉ thị 16 diễn ra ở nhiều địa phương trên toàn quốc, các cửa hàng của TGDĐ và ĐMX cũng bị ảnh hưởng, chỉ tính đến tháng 7/2021, gần 2.000 cửa hàng TGDĐ và ĐMX phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.
"Mặc dù đã tích cực cắt giảm chi phí vận hành, triển khai chính sách điều chỉnh thu nhập nhân viên; thu nhập càng cao thì điều chỉnh giảm càng nhiều thậm chí là không lương đối với các cấp Quản lý. Nhưng việc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng đã làm cho cửa hàng chúng tôi không phát sinh doanh thu hoặc doanh thu sụt giảm nhiều", văn bản thông tin.
Văn bản cũng cho biết rằng phía TGDĐ sẽ triển khai không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê trong thời gian phải tạm ngừng kinh doanh do dịch bệnh. Ở những khu vực bị hạn chế để phối hợp phòng chống dịch, TGDĐ thông báo không tính tiền thuê 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng với các đối tác.
Phía TGDĐ từ chối phản hồi khi được hỏi về tính xác thực của văn bản được lan truyền trên mạng xã hội.