MWG với chiến lược cạnh tranh giá: Doanh thu tháng 4 tăng trưởng 20%, riêng hàng ICT tăng 30%
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) vừa có cuộc họp với nhà đầu tư và công bố doanh thu sơ bộ tháng 4/2023 với 9.700 đồng, tăng hơn 20% so với tháng 3 trước đó nhưng giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) tăng trưởng 30%. Trong khi Bách Hóa Xanh (BHX) tăng 3% so với tháng 3/2023, doanh thu bình quân đạt 1,35 tỷ đồng/cửa hàng.
MWG cho biết công ty đã quay trở lại mức doanh thu của tháng 12/2022 và dự kiến tiếp tục giữ được kết quả này trong tháng 5.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, người phụ trách hai chuỗi TGDĐ và ĐMX của tập đoàn cho biết từ quý II, hai chuỗi bán hàng điện tử (ICT) và điện máy (CE) sẽ khởi sắc hơn nhờ mùa của máy điều hòa, song song đó, các hãng ra mắt nhiều sản phẩm mới hơn. Công ty sẽ cố gắng giành sản phẩm độc quyền để tạo khác biệt với thị trường.
Còn ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho biết TGDĐ và BXH sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, nghĩa là từ trước đến giờ công ty mới hướng đến dịch vụ vượt trội và đã làm tốt. Nhưng việc chưa làm tốt là thu hút lượng khách hàng quan tâm đến giá cả. Với hướng đi mới, MWG muốn phục vụ tệp khách hàng nhạy cảm về giá và điều này sẽ giúp MWG có thêm được thị phần.
Thực tế từ tháng 4, nhờ chiến lược giá bán thấp, hai mảng ICT và CE đã tăng 20 - 30% so với tháng 3 trước đó. Đại diện MWG dự đoán tháng 5, doanh thu của hai chuỗi cửa hàng này sẽ tăng ít nhất 20% so với tháng 4, trong bối cảnh "thị trường chung không tăng, thậm chí lùng bùng". Những con số tăng trưởng này cho thấy TGDĐ và ĐMX đang giành được thị phần từ chiến lược giá bán thấp.
Tuy nhiên nhìn chung, ông Hiểu Em đánh giá thị trường điện máy, điện thoại hiện tại không mấy khả quan, thậm chí tình hình cả năm 2023 không mấy sáng sủa do ở thời điểm hiện tại đây được coi là hàng xa xỉ.
Người đứng đầu MWG đánh giá sức cầu cho các mặt hàng này hiện tại đang khá chậm chạp và phải mất vài năm nữa mới hồi phục hoàn toàn.
Hiện tại, MWG đã đóng cửa tất cả các cửa hàng Bluetronics tại Campuchia và chi phí phát sinh bất thường do đóng cửa chủ yếu được ghi nhận vào năm 2022 và quý I/2023. Các chi phí còn lại -bao gồm chi phí thuế và chi phí giải thể là không đáng kể.
Đối với chuỗi Era Blue ở Indonesia, doanh thu trung bình hàng tháng trên mỗi cửa hàng là 5,5 tỷ đồng. MWG đặt mục tiêu mở tối đa 50 cửa hàng vào cuối năm 2023 so với con số 5 cửa hàng hiện tại.
Đối với chuỗi BHX, MWG sẽ nỗ lực để cửa hàng này đạt điểm hòa tại một tháng trong quý IV/2023. Ban lãnh đạo kỳ vọng doanh số/tháng/mỗi cửa hàng của BHX sẽ tăng ít nhất 20% trong thời gian còn lại của năm.
Mục tiêu tăng doanh thu của chuỗi bán đồ thực phẩm gồm ưu tiên hàng thực phẩm tươi sống do xác định đây là yếu tố thúc đẩy lưu lượng khách hàng chính và tối ưu hóa danh mục sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại mỗi cửa hàng.
Bên cạnh đó, việc thử nghiệm mở các cửa hàng nhỏ ở tầng trệt của các tòa nhà chung cư của BHX đã cho thấy kết quả khả quan. Ngoài ra, chi phí logistics đã giảm 15% trong quý I/2023 so với mức trung bình của quý III và quý IV năm ngoái và dự kiến sẽ giảm thêm 10% cho tới cuối năm 2023.
Đối với chuỗi dược phẩm An Khang và Ava Kids, các cửa hàng này giảm lỗ 50% so với mức lỗ trung bình hằng tháng trong năm 2022. Doanh thu trung bình hàng tháng trên mỗi cửa hàng của An Khang được nâng mục tiêu từ 350 triệu đồng lên 450 triệu đồng và chuỗi Ava Kids tăng thành 1,3 tỷ đồng từ mức hiện tại 1 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo đặt mục tiêu An Khang và Ava Kids sẽ đạt điểm hòa vốn vào năm 2023 và có lãi bắt đầu từ năm 2024. Sau khi đi vào ổn định, biên lợi nhuận ròng của chuỗi dược phẩm dự kiến ở mức 2% - 3%, tương đương với mức hiện tại của các công ty dẫn đầu trên thị trường dược phẩm.
Ngoài ra, trả lời câu hỏi của cổ đông, ban lãnh đạo cũng cho biết MWG sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt vào quý III tới.