|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

OECD: Rủi ro lạm phát tăng cao nếu khủng hoảng Biển Đỏ kéo dài

08:23 | 06/02/2024
Chia sẻ
Theo OECD, việc cước vận tải biển tăng 100% trong thời gian qua có thể khiến giá nhập khẩu ở 38 quốc gia thành viên đi lên gần 5 điểm % nếu tình trạng này kéo dài.

 

Một tàu chở hàng đi qua Kênh đào Suez. (Ảnh: Getty Images).

Hôm 5/2, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo chi phí vận chuyển tăng cao do căng thẳng ở Biển Đỏ có thể cản trở cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu.

Tổ chức có trụ sở tại Paris ước tính rằng việc cước vận tải biển tăng 100% trong thời gian qua có thể khiến giá nhập khẩu ở 38 quốc gia thành viên đi lên gần 5 điểm % nếu tình trạng này kéo dài.

Một khi giá nhập khẩu đi lên, mức tăng giá chung trong nền kinh tế có thể nhích thêm 0,4 điểm %, OECD cho hay trong báo cáo mới nhất.

Cuối năm ngoái, các hãng vận tải biển lớn đã phải chuyển hướng tàu khỏi Kênh đào Suez, tuyến đường thương mại nhanh nhất giữa châu Âu và châu Á, sau khi phiến quân Houthi tấn công vào loạt tàu chở hàng. Căng thẳng đến nay vẫn leo thang.

Tàu chở hàng phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi. Hành trình vì vậy bị kéo dài thêm từ 30% đến 50%, gây ảnh hưởng đến công suất vận tải biển toàn cầu.

Tuy nhiên, OECD cũng lưu ý rằng ngành vận tải biển đã dư thừa công suất vào năm 2023 sau khi doanh nghiệp đặt hàng thêm tàu container mới. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực về mặt chi phí.

Chia sẻ với CNBC, bà Clare Lombardelli - nhà kinh tế trưởng của OECD - cho biết việc lạm phát tăng trong thời gian dài là một rủi ro, nhưng không phải kịch bản cơ sở của tổ chức này.

“Chúng tôi đang theo sát tình hình... chúng tôi đã thấy giá cước vận chuyển tăng, nếu xu hướng này kéo dài thì lạm phát giá tiêu dùng sẽ đi lên. Song, ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nghĩ đó là kịch bản cơ sở”, bà Clare nói.

Theo CEO Tiemen Meester của hãng logistics DP World, hàng nhập khẩu của châu Âu hiện là thách thức lớn nhất. Các đơn hàng đang trên đường vận chuyển đã bị chậm lịch trình đáng kể.

“Thật không may, do mạng lưới hoạt động kém hiệu quả mà chi phí đã tăng cao hơn. Cuối cùng, cước vận tải sẽ đi lên. Nhưng trên thực tế thì giá cước vẫn chưa đạt đến mức đỉnh trong giai đoạn đại dịch...”, ông Meester lưu ý.

“Tôi nghĩ tình hình hiện tại của chúng ta không đáng ngại, vì các mạng lưới đã điều chỉnh, hàng hoá đang lưu chuyển, hoạt động booking vẫn tiếp tục, doanh nghiệp chỉ thêm thời gian để vận chuyển hàng mà thôi”, vị CEO nói thêm.

Lombardelli của OECD cho biết trong các tháng gần đây, dữ liệu kinh tế của các nước thành viên đều cho thấy lạm phát đang trên đà giảm. Bà nói, điều này sẽ giúp gia tăng thu nhập thực tế của người lao động và hỗ trợ tiêu dùng.

Trong 38 nước thành viên của OECD, Mỹ, Anh, Australia, Canada, Mexico, Pháp, Đức, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là một số cái tên nổi bật.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, OECD đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ thêm 0,6 điểm % so với ước tính hồi tháng 11/2023, lên 2,1% trong năm nay.

Triển vọng của khu vực đồng euro giảm 0,3 điểm % xuống 0,6%, trong khi tăng trưởng GDP của Anh không đổi ở mức 0,7%.

Lombardelli nói với CNBC: “Chúng tôi đã thấy những tin tức tích cực ở Mỹ, chúng tôi thấy lạm phát đang giảm xuống nhưng chúng tôi không nghĩ chi phí trên thị trường lao động sẽ tăng mạnh”.

“Tăng trưởng kinh tế có vẻ sẽ tốt hơn và lạm phát đang trên đà giảm. Vì vậy, thu nhập thực tế tại Mỹ sẽ cải thiện và điều đó sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tiêu dùng”, bà tiếp lời.

Trong khi đó, châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi cú sốc giá năng lượng và tác động của lạm phát lên thu nhập và tiêu dùng. Ngoài ra, nền kinh tế khu vực này cũng ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn đi vay trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thắt chặt tiền tệ.

Trong trung hạn, OECD cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của châu Âu sẽ bị cản trở do lực lượng lao động già hoá. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng ECB có thể sẽ hạ lãi suất trong nửa cuối năm nếu các xu hướng hiện nay tiếp tục, bà Lombardelli nói.

Khả Nhân