Xây dựng Đề án 'Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP HCM'
Ngày 27/12, Sở Công Thương TP HCM phối hợp với một số đơn vị tổ chức hội thảo “Hình thành Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP HCM: Định hình cấu trúc, không gian quy hoạch và hệ sinh thái phát triển”, nhằm hoàn thiện việc xây dựng và đưa vào thực tiễn Đề án “Xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP HCM”.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, Đề án “Xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP HCM” sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển kinh tế không chỉ của TP HCM mà cho cả vùng Đông Nam bộ. Do đó, định hướng phát triển hạ tầng, bố trí không gian quy hoạch, hệ sinh thái dịch vụ hướng đến xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP HCM sẽ là cơ sở quan trọng giúp sở, ngành, nhất là Sở Công Thương thành phố hoàn thiện Đề án để sớm triển khai trong thực tế.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP HCM, trên địa bàn thành phố có khoảng 188 địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm (theo Danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn TP HCM năm 2024) được phân bổ rộng khắp trên địa bàn 22 quận - huyện và thành phố Thủ Đức.
Tuy nhiên, địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm có quy mô tối thiểu 1.000 gian hàng trên địa bàn thành phố thì có khoảng 10 địa điểm có thể đáp ứng, nhưng chỉ có Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn và Trung tâm Triển lãm hội nghị quốc tế Sky Expo Việt Nam - Công viên phần mềm Quang Trung là địa điểm chuyên trách.
Thực trạng này cho thấy, các địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn TP HCM chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và sự phát triển thành phố, nhất là nhu cầu kết nối giao thương – hội nhập quốc tế.
Hiện tại, nhiều hội chợ, triển lãm được tổ chức ở những trung tâm thương mại, trung tâm thể dục thể thao, nhà văn hóa, công viên... trên địa bàn thành phố còn rất thiếu những địa điểm tập trung được đầu tư chuyên nghiệp, có quy mô lớn, cũng như phát triển những dịch vụ bổ trợ xung quanh để thu hút đối tác lớn trong và ngoài nước đến tham gia.
Đặc biệt, một số chuyên gia cho rằng, việc thiếu địa điểm tổ chức sự kiện hội nghị, hội chợ, triển lãm quy mô lớn làm giảm đi những cơ hội trong hoạt động xúc tiến thương mại với những thị trường xuất khẩu lớn, tiềm năng.
Điều này, cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hình thành những xu hướng chuyển dịch tổ chức sự kiện hội nghị, hội chợ, triển lãm về một số tỉnh, thành lân cận TP HCM trong thời gian qua.
Trong khi đó, TP HCM có lợi thế về liên kết hợp tác vùng và quốc tế thông qua vai trò hạt nhân liên kết phát triển với 6 Vùng trong cả nước và thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 54 địa phương nước ngoài là những điều kiện thuận lợi để khai thác có hiệu quả các tiềm năng thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại nói chung và nâng tầm chuỗi hoạt động hội nghị, hội chợ, triển lãm nói riêng.
Đồng thời, trong vai trò là đô thị đặc biệt Tp. Hồ Chí Minh còn quy tụ đa dạng hoạt động giao thương cả trong và ngoài nước với nhiều cơ hội phát triển trở thành Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế với quy mô lớn, nên cần sớm định hình cấu trúc, không gian quy hoạch và hệ sinh thái phát triển Đề án “Xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP HCM.
Liên quan đến giải pháp về hạ tầng, định hướng phát triển Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP HCM, Thạc sĩ. Kiến trúc sư. Đỗ Nguyên Phong, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng TP HCM chỉ ra rằng, phát triển hệ sinh thái phục vụ Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP HCM là yếu tố then chốt để đảm bảo sự thành công cho Đề án “Xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP HCM”.
Hệ sinh thái này, gồm nhiều thành phần liên kết chặt chẽ, bắt đầu từ cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện, kết nối trung tâm với sân bay quốc tế và hệ thống giao thông công cộng hiệu quả; cùng với một mạng lưới khách sạn đa dạng từ cao cấp đến bình dân, dịch vụ ăn uống phong phú, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách tham dự.