Đối thủ của Việt Nam trong cuộc đua thu hút ‘đại bàng’ xây trung tâm dữ liệu
Cuối tháng 10 vừa qua, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bắt tay với ‘ông lớn' Trung Đông, tính xây siêu trung tâm dữ liệu 3,5 tỷ USD tại Việt Nam.
Dự án trung tâm dữ liệu siêu lớn sẽ được phát triển trong ba giai đoạn với quy mô ước tính lên đến 300 MW. Được kỳ vọng không chỉ đáp ứng nhu cầu về hạ tầng số của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trung tâm dữ liệu này còn sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian qua, Việt Nam nổi lên như một điểm nóng về phát triển trung tâm dữ liệu tại Đông Nam Á. Số liệu chính thức theo Savills, tính đến quý I, Việt Nam có 33 trung tâm dữ liệu do 48 nhà cung cấp dịch vụ vận hành, với tổng công suất ước tính khoảng 80 MW.
Các cụm trung tâm dữ liệu chính tập trung tại Hà Nội và TP HCM, tương ứng có 16 và 13 cơ sở đang hoạt động. Về mặt địa lý, phần lớn công suất (94%) nằm ở miền Bắc và miền Nam, trong khi khu vực miền Trung chỉ chiếm 6%.
Báo cáo từ Research and Markets cho thấy, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam đã tạo ra doanh thu 685 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 1,44 tỷ USD vào năm 2029 - với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13,1%. Các công ty trong nước như Viettel IDC, NTT Global Data Centers, FPT Telecom, CMC Telecom, HTC Telecom International (ECODC) và VNPT hiện đang thống trị thị trường.
Việt Nam đã thông qua Luật Viễn thông, đơn giản hóa quy trình liên quan đến việc lưu trữ dữ liệu và bãi bỏ các hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu và đám mây, cho phép sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trong cuộc đua thu hút “đại bàng" tới xây trung tâm dữ liệu, Việt Nam cũng phải đối diện với không ít đối thủ trong khu vực. Chẳng hạn, vừa qua Google đã lựa chọn Thái Lan thay vì Việt Nam như Reuters đưa tin vào cuối tháng 8 để xây dựng siêu trung tâm dữ liệu, mở rộng sự hiện diện tại châu Á.
Hay đầu tháng 10, Google cũng chính thức khởi công xây dựng trung tâm dữ liệu trị giá 2 tỷ USD tại Malaysia. Google cam kết vận hành các trung tâm dữ liệu bằng 100% năng lượng tái tạo.
Malaysia - ngôi sao đang lên
Malaysia đang nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu được các ông lớn “chọn mặt gửi vàng” trong các dự án xây trung tâm dữ liệu. Hầu hết các nhà phân tích chia sẻ với The Business Times đều tin như vậy, rằng Malaysia có lợi thế đáng kể so với các quốc gia còn lại trong khu vực.
Bà Vivian Wong, chuyên gia phân tích cấp cao tại DC Byte, nói với The Business Times rằng Malaysia đang dẫn trước rõ rệt so với các nước Đông Nam Á khác. Bà cho biết, chỉ trong ba năm, Malaysia đã đạt hơn một nửa công suất của Singapore. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này chủ yếu nhờ vào nhu cầu tăng cao khi Singapore tạm dừng mở rộng.
Chuyên gia đánh giá Malaysia “đang trên đà trở thành trung tâm dữ liệu lớn nhất khu vực ASEAN”. Nước này dự kiến sẽ bổ sung hơn 1 GW nguồn cung trong hai năm tới, gấp đôi công suất hiện tại.
Điều này đồng nghĩa với việc vào năm 2028, số lượng trung tâm dữ liệu của Malaysia có thể tăng gấp 10 lần so với những gì nước này xây dựng trong hai thập kỷ qua. Malaysia có khả năng vượt qua Singapore, theo nhận định từ RHB.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, công suất của Singapore - hiện lớn nhất Đông Nam Á, sẽ ổn định ở mức 1,4 GW. Nguyên nhân là do hạn chế về quỹ đất và các yêu cầu khắt khe đối với việc xây dựng mới.
Malaysia không chỉ thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Microsoft, Google và Amazon, mà còn nhận được đầu tư từ các công ty trong khu vực như ByteDance. Chính phủ Malaysia cũng cho biết đã phê duyệt các khoản đầu tư vào lĩnh vực số hóa với tổng trị giá 141,7 tỷ ringgit (tương đương 29,76 tỷ USD) trong 10 tháng đầu năm nay.
Ngoài ra, kế hoạch phát triển Khu kinh tế đặc biệt Johor-Singapore (JS-SEZ) cũng được kỳ vọng sẽ giúp bang Johor trở thành trung tâm dữ liệu quan trọng của khu vực, theo RHB.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại các khoản đầu tư này đang gây áp lực lên nguồn tài nguyên điện và nước của Malaysia. Vào tháng 11, chính quyền Johor cho biết đã từ chối gần 30% đơn xin xây dựng trung tâm dữ liệu trong năm tháng trước. Nguyên nhân là do chính quyền muốn bảo tồn tài nguyên và điều chỉnh để mang lại lợi ích tối đa cho kinh tế địa phương.
Thái Lan ở giai đoạn đầu
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định Thái Lan có thể trở thành đối thủ cạnh tranh, nhờ vào nguồn cung điện dồi dào.
Morgan Stanley cho biết, thị trường điện của Thái Lan đã cung vượt cầu trong gần một thập kỷ, khiến nước này trở nên hấp dẫn với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn như Amazon, Microsoft và Google.
“Thái Lan có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao nhất khu vực ASEAN, đạt 20%. Đây là yếu tố thu hút các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn khi họ muốn giảm phát thải carbon,” báo cáo từ Morgan Stanley nhấn mạnh.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hiện vẫn chưa rõ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sáng tạo (generative AI) sẽ tác động thế nào đến Thái Lan. Tuy nhiên, quốc gia này đã thu hút khoảng 9 tỷ USD đầu tư từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây để phát triển hạ tầng đám mây.
Không chỉ Morgan Stanley, Macquarie cũng cho rằng Thái Lan đang ở giai đoạn đầu của “cuộc đua trung tâm dữ liệu”. Trong khi đó, Malaysia đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Bài toán dành cho Việt Nam
Vướng mắc về năng lượng cũng có thể khiến Việt Nam lỡ mất các dự án trung tâm dữ liệu. Tờ Reuters dẫn ý kiến của các chuyên gia trong ngành cho rằng mặc dù nhu cầu về dịch vụ kỹ thuật số từ 100 triệu dân Việt Nam ngày càng tăng, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này phần lớn vẫn còn e ngại.
Nguyên nhân chính là do tình trạng thiếu điện đôi khi xảy ra tại Việt Nam, các ưu đãi đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, và cơ sở hạ tầng internet còn yếu, phụ thuộc chủ yếu vào một số tuyến cáp ngầm đã cũ.
Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, từ năm 2010 đến nay, công suất tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu Việt Nam đã gấp 3 lần, băng thông sử dụng tăng 10 - 15 lần.
Tại một sự kiện diễn ra tháng 7 năm ngoái, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, cho biết trung tâm dữ liệu là một nơi ngốn năng lượng khủng khiếp vì phải chạy hệ thống làm mát. Khi làm mát, các trung tâm dữ liệu phải tiêu thụ nguồn điện năng rất lớn để chạy hệ thống điều hòa nhiệt độ, chất lỏng và không khí.
Ông Tiến cho hay một trung tâm dữ liệu nhỏ của FPT có công suất 12 MW, tức tương đương lượng điện phát ra của một nhà máy thủy điện cỡ nhỏ. Trong khi trung tâm mà họ đang xây 30 MW, tương đương với cả công suất của nhà máy điện gió thông thường (50 MW).