|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cận cảnh bức tranh kinh tế Gaza

11:45 | 18/10/2024
Chia sẻ
Gaza hiện phụ thuộc rất nhiều vào nguồn viện trợ quốc tế. Đầu năm 2024, 75% số dân ở Gaza phải di dời và thiếu nơi ở an toàn, thiếu nước, nhiên liệu, điện và điều kiện vệ sinh.
 

Gaza giờ là đống đổ nát. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Trang mạng The Strategist (Australia) vừa đăng bài viết của tác giả David Uren, thành viên cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), cho rằng bản chất của xung đột là tài sản kinh tế bị phá hủy, nhưng xung đột thường không tạo ra sự tàn phá kinh tế với quy mô lớn như những gì đang diễn ra ở Gaza.

Giá trị của hoạt động kinh tế ở Gaza trong quý I/2024 thấp hơn 86% so với mức trước xung đột – điều mà hầu hết các nghiên cứu của cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đều mô tả là sự sụp đổ kinh tế.

Báo cáo của WB kết luận: “Kể từ ngày 7/10/2023, Palestine đã trải qua một trong những cú sốc kinh tế lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử kinh tế gần đây”.

Để so sánh, số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy kinh tế Ukraine đã giảm 29% trong năm 2022 sau khi xung đột tại Ukraine bùng nổ. Một nghiên cứu học thuật ước tính kinh tế Đức suy giảm 64% và kinh tế Nhật Bản giảm 52% trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

WB ước tính đến quý I/2024, 82% cơ sở tư nhân ở Gaza đã bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Tác động đến cơ sở hạ tầng xã hội cũng tương tự, với khoảng 84% cơ sở y tế và trường học bị hư hại hoặc phá hủy.

Khoảng 80-96% tài sản nông nghiệp đã bị ảnh hưởng vào đầu năm nay, bao gồm cơ sở hạ tầng thủy lợi, chăn nuôi, vườn cây ăn quả, máy móc, kho chứa và trạm nghiên cứu.

Điều này đã khiến những người phụ thuộc vào chuỗi lương thực nông nghiệp không có lương thực hoặc nguồn thu nhập đáng tin cậy. Trước cuộc xung đột, nông nghiệp và chuỗi thực phẩm liên quan đã đóng góp 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở cả Gaza và Bờ Tây.

UNCTAD ước tính Gaza đã tạo ra giá trị gia tăng tương đương trung bình 670 triệu USD mỗi quý trong ba năm trước cuộc xung đột. Con số này giảm xuống còn 129 triệu USD trong quý III/2023 và 92 triệu USD trong quý I/2024.

Phân tích theo từng ngành cụ thể, trong quý IV/2023, cho thấy ngành xây dựng đã suy giảm 96%, nông nghiệp giảm 93%, dịch vụ giảm 77% và lĩnh vực công nghiệp giảm 92%.

Palestine từ lâu đã được xác định là có mức độ nghèo đói cao. Năm 2022, 80% người dân Gaza phụ thuộc vào một số gói hỗ trợ quốc tế, trong khi viện trợ là nguồn thu nhập chính của hơn một nửa số hộ gia đình. 1/3 số dân ở cả Gaza và Bờ Tây đều thiếu nguồn cung cấp thực phẩm an toàn. Palestine có tỷ lệ biết chữ cao là 97,5%, trong khi tuổi thọ trước cuộc xung đột là 75,5 tuổi, xếp giữa Mexico và Hungary.

Đầu năm nay, 75% số dân ở Gaza đã phải di dời và thiếu nơi ở an toàn, thiếu nước, nhiên liệu, điện và điều kiện vệ sinh. Gaza hiện phụ thuộc rất nhiều vào nguồn viện trợ vật chất thông qua các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ).

Tuy nhiên, những điều này bị hạn chế rất nhiều. LHQ báo cáo rằng trước khi cuộc xung đột bùng phát năm 2023, 500 xe tải đã vào Gaza hàng ngày, trong khi trong hai tuần đầu tiên của tháng 9/2024, chỉ có 166 chiếc được phép vượt qua.

LHQ ước tính rằng sự tàn phá ở Gaza đã để lại 42 triệu tấn mảnh vụn – một khối lượng khổng lồ mà hãng tin Bloomberg cho rằng sẽ phải cần đến một dòng xe tải trải dài từ New York (Mỹ) đến Singapore mới dọn sạch.

Thanh Tú