OCB giữ vững đà tăng trưởng, đồng hành cùng khách hàng
Ngân hàng TMCP Phương Đông (Ảnh: OCB).
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với những kết quả khả quan, đánh dấu đà tăng trưởng vững chắc của ngân hàng, song song với việc san sẻ lợi nhuận cùng khách hàng khó khăn do dịch COVID-19.
Cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho khách hàng
Từ đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tại OCB, ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình miễn giảm lãi suất, cơ cấu nợ theo thông tư 01, thông tư sửa đổi 03 và 14 của NHNN về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Đối với khách hàng cá nhân, tính từ đầu năm 2021 đến nay, OCB đã triển khai 16 chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 2% - 3%, với gần 4.000 khách hàng tham gia. Thời gian cho vay là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng vừa hỗ trợ khách hàng có mức lãi suất hợp lý so với tình hình kinh tế hiện tại đồng thời đảm bảo hiệu quả hoạt động của OCB.
Ngoài các gói ưu đãi triển khai cho nhóm khách hàng vay mới, thì ngân hàng này còn đồng hành cùng các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID trong việc xét giảm lãi/ phí tùy theo tình tình từng khách hàng để có mức hỗ trợ cụ thể.
Riêng nhóm khách hàng doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm, nhà băng này chú trọng các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất thấp, chỉ từ 6% - 6,5%/ năm, giúp bổ sung nguồn vốn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng dư nợ các gói ưu đãi gần 9.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, OCB cũng cơ cấu nợ lãi và nợ gốc cho khách hàng bị ảnh hưởng, với tổng số tiền gần 5.000 tỷ đồng. Dự kiến, với các chương trình hỗ trợ lãi suất và miễn giảm lãi cho khách hàng, nhà băng này sẽ giảm khoảng 800 tỷ đồng thu nhập từ lãi cho cả năm.
Cùng với nguồn lực để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch, OCB cũng nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường áp dụng công nghệ, đặc biệt là số hoá hoạt động nhằm giảm tối đa chi phí để vẫn bảo đảm đà tăng trưởng.
Báo cáo kết quả kinh doanh của OCB cho thấy, tính đến cuối quý III/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 167.596 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái; huy động vốn trên thị trường 1 đạt 119.702 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ; dư nợ cho vay trên thị trường 1 đạt 99.045 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ.
OCB cũng cho biết, trong chiến lược phát triển của mình, ngân hàng tập trung đẩy mạnh chất lượng tài sản hơn là quy mô, vì vậy, nhà băng đã chủ động tận dụng nguồn vốn dài hạn chất lượng với chi phí vốn thấp hơn từ ủy thác đầu tư và phát hành giấy tờ có giá, hài hòa cấu trúc huy động và góp phần giảm chi phí vốn đáng kể.
Tổng doanh thu thuần của OCB trong quý III/2021 tiếp tục tăng khá mạnh 23,3% so với cùng kỳ, đạt 6.246 tỷ đồng, trong đó thu thuần từ lãi và thu thuần ngoài lãi đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.
Những yếu tố khả quan từ hoạt động kinh doanh giúp lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của OCB đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.
Dù bị tác động bởi dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tại OCB bị ảnh hưởng, nhưng ngân hàng vẫn kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm từ mức 2,15% của cùng kỳ năm ngoái về chỉ còn 1,51% vào cuối quý III vừa qua.
Duy trì lợi nhuận nhờ số hoá, giảm chi phí hoạt động
Đáng lưu ý, một trong những yếu tố giúp lợi nhuận trước thuế của OCB duy trì mức khả quan, theo lãnh đạo ngân hàng là việc tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động (CIR) khi tỷ lệ này giảm từ 31,9% của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 29,1% vào quý III năm nay.
Trong báo cáo phân tích về OCB, Công ty chứng khoán SSI cũng nhận định CIR được ngân hàng quản lý tốt. OCB hiện nằm trong số những ngân hàng có CIR thấp nhất nhờ đầu tư số hoá từ năm 2018 và gặt hái được những quả ngọt đến thời điểm này, bất chấp tác động của đại dịch.
Năm 2021, tổng chi phí vốn (CAPEX) của OCB đầu tư vào hoạt động công nghệ thông tin sẽ khoảng 1 triệu USD với dự án nâng cấp T24 core banking ước tính chạy chính thức vào cuối năm nay.
Đồng thời, ngân hàng cũng số hoá toàn bộ 5 nhóm quy trình chính và hơn 600 nhóm quy trình phụ. Nếu diễn ra đúng như kế hoạch, các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng CIR tại OCB có thể tiếp tục cải thiện trong tương lai gần.
Lãnh đạo OCB cho biết, việc áp dụng số hóa đã giúp ngân hàng giảm chi phí hoạt động và tăng chất lượng tài sản. Từ đó góp phần giúp chi phí dự phòng rủi ro rín dụng giảm và chi phí tín dụng cũng hạ thấp, phản ánh qua tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm so với cùng kỳ bất chấp khó khăn do đại dịch.
Đây là các yếu tố chính tạo ra lợi nhuận của ngân hàng, dù OCB đã và đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình, chính sách đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách hàng cá nhân.
Theo ghi nhận, thanh toán online bùng nổ, đặc biệt sau khi OCB triển khai định danh điện tử (eKYC). Tỷ lệ giao dịch online từ đầu năm đến nay tăng 269%, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng OCB OMNI đạt hơn 1 triệu người, đánh dấu hiệu quả trong triển khai ngân hàng số của OCB thời gian qua.
Sự ra đời của eKYC giúp khách hàng ngày càng trở nên quen thuộc với việc sử dụng ứng dụng di động để mở tài khoản ngân hàng và thực hiện các giao dịch ngân hàng qua kênh online.
Việc thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, đầu tư và mua hàng thương mại điện tử… qua ngân hàng số ngày càng đơn giản và phổ biến. Xu hướng giao dịch từ tiền mặt sang trực tuyến qua kênh ngân hàng điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
OCB sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ trên kênh online, gia tăng tiện ích và ưu đãi cho khách hàng, triển khai chương trình khuyến mãi hấp dẫn như hoàn tiền, ưu đãi giá, quay số trúng thưởng…
Từ đầu năm đến nay, nhà băng này cũng có nhiều hoạt động góp phần khẳng định vị trí trên thị trường tài chính ngân hàng trong nước. Điển hình là việc chính thức niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) với gần 1,1 tỷ cổ phiếu, chính thức gia nhập câu lạc bộ tỷ USD.
Tháng 8, cổ phiếu ngân hàng đã đạt đủ điều kiện để được cấp giao dịch ký quỹ margin trên thị trường chứng khoán. Trước đó, HOSE đã bổ sung mã cổ phiếu OCB vào rổ chỉ số VNFIN LEAD trong kỳ tháng 7/2021.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/10, cổ phiếu OCB đạt mức 26.600 đồng/cổ phiếu - là cổ phiếu tăng tốt nhất dòng ngân hàng. Thanh khoản đạt hơn 8 triệu đơn vị, cao gấp hơn 2 lần so với mức bình quân giao dịch 10 phiên gần nhất. Mức giá này, nếu không tính điều chỉnh giá do chia cổ tức tỷ lệ 25% hồi đầu tháng 8, thì tương đương 33.250 đồng.
Như vậy, hôm nay 20/10 ghi nhận mức giá cao kỷ lục của cổ phiếu ngân hàng này, đồng thời đưa vốn hóa thị trường của OCB vượt 36.400 tỷ đồng.
OCB đang tiếp tục thực hiện phát hành 700 tỷ mệnh giá cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho các nhà đầu tư.
Năm 2021, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 5.500 tỷ đồng, dự kiến cổ tức 25%. Hội đồng quản trị định hướng đưa OCB trở thành ngân hàng trong Top 5 các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam trong thời gian tới.