|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nữ Thủ tướng Anh nhậm chức khi ngành công nghiệp đối mặt với mùa đông tăm tối nhất trong 50 năm

11:34 | 06/09/2022
Chia sẻ
Cuộc khủng hoảng năng lượng không chỉ đẩy các hộ gia đình vào cảnh khốn cùng, mà còn khiến nhiều doanh nghiệp tại Anh đứng trên bờ vực phá sản. Chính phủ mới của Thủ tướng Liz Truss đứng trước áp lực to lớn để cứu nền kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái tiềm tàng.

Theo Bloomberg, một nhà sản xuất xe đạp trẻ em của Anh là Frog, thành lập năm 2013, đã đạt tăng trưởng doanh số liên tục, mở rộng sang 50 thị trường quốc tế trước khi đại dịch COVID xảy ra. Tuy nhiên, trong năm nay, chi phí năng lượng của doanh nghiệp này đã nhảy vọt 333%.

Người đồng sáng lập Jerry Lawson cho biết công ty đã tăng giá lên 14% và đang cố gắng tăng các khoản tiết kiệm. Ông Lawson cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đang xem xét số lượng nhân viên”. Công ty đang thuê khoảng 90 người.

Ngành công nghiệp sản xuất của Anh đang bị tổn hại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng tháng 8, được công bố hôm 2/9, đã xác nhận mức giảm sâu nhất của sản lượng kể từ đợt phong tỏa COVID tháng 5/2020.

“Các công ty chứng kiến số đơn hàng mới giảm sốc, với nhu cầu từ các khách hàng trong nước và nước ngoài lao dốc mạnh”, báo cáo từ S&P Global và Chartered Institute of Procurement and Supply cho biết.

Từ đầu năm 2022, giá trị một đồng bảng Anh (GBP) đã giảm từ 1,37 USD xuống chỉ còn 1,16 USD, nhưng cũng không giúp các nhà máy bán được nhiều hàng hóa hơn tại nước ngoài. Một cuộc khảo sát của Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales cho biết tăng trưởng xuất khẩu trong quý hiện tại “yếu hơn” so với doanh số trong nước.Báo cáo này đổ lỗi cho "những xích mích liên quan đến Brexit, chẳng hạn như thủ tục pháp lý, giấy tờ và sự chậm trễ trong vận tải." 

 

Rào cản thương mại, chi phí năng lượng tăng cao, nguy cơ suy thoái và các cuộc đình công lan rộng đã gợi lên hình ảnh của những năm 1970, thập kỷ đại diện cho sự suy giảm sản xuất tại Anh.

Theo một cuộc khảo sát, 6/10 nhà sản xuất của Anh có thể phải đóng cửa vì hóa đơn năng lượng tăng mạnh.

MakeUK, nhóm vận động hành lang cho các nhà máy ở Anh, cho biết gần một nửa các nhà sản xuất đã có hóa đơn tiền điện tăng hơn 100% trong năm qua.

Báo cáo cho hay: “Cuộc khủng hoảng hiện tại đang khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn: Cắt giảm sản xuất hoặc đóng cửa hoàn toàn cửa hàng nếu sự trợ giúp không đến sớm".

Chính phủ mới của tân Thủ tướng Liz Truss đang chịu áp lực trong việc công bố một gói hỗ trợ rộng lớn hơn để giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp đối phó với sự gia tăng chưa từng có trong chi phí năng lượng.

Cuộc khảo sát của MakeUK cho biết 13% nhà máy hiện đã giảm thời gian hoạt động hoặc tránh giờ cao điểm, trong khi 7% đang tạm dừng sản xuất trong thời gian dài hơn.

Ông Stephen Phipson, Giám đốc điều hành của MakeUK cho biết: “Chính phủ mới cần có hành động khẩn cấp. Chúng tôi đã bị tụt hậu so với các đối thủ toàn cầu".

Mất điện

Tình trạng mất điện cũng có thể quay trở lại. Chính phủ Anh đang chuẩn bị cho tình trạng thiếu điện kể cả khi đã khởi động lại các nhà máy điện than cũ kỹ.

Bất kỳ đợt mất điện nào cũng sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng cho các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng liên tục. Theo ông Rob Flello, Giám đốc điều hành của Liên minh Gốm sứ Anh, việc tắt lò nung gốm “có thể mất đến hai tuần”. 

Ông cho biết bất kỳ sự cố mất điện nào cũng sẽ “cần được xử lý một cách đồng bộ và kịp thời, với sự hợp tác chặt chẽ” giữa chính phủ và ngành công nghiệp.

 Chỉ số PMI giảm xuống dưới 50 tức là hoạt động sản xuất đang bị thu hẹp. 

Ông Dave Dalton, người đứng đầu British Glass cho biết lò nung thủy tinh “không thể bị tắt”. Ông cảnh báo: “Thiệt hại có thể xảy ra trong vài giờ khi khí đốt bị ngắt, và có thể phá hủy các lò nung”.

Giá trần năng lượng của Anh áp dụng cho các hộ gia đình, chứ không phải doanh nghiệp, vì vậy các công ty không được bảo vệ khỏi việc giá cả tăng cao. 

Một số nhà máy đã không chịu nổi áp lực. Trước đó vào mùa hè, một doanh nghiệp in tiền giấy cho biết sẽ đóng cửa nhà máy ở Overton, Hampshire, đồng thời sa thải 300 nhân viên.

“Nguyên nhân là hợp đồng giá năng lượng của công ty này đã hết hạn”, ông Steve Freeman từ Liên đoàn các ngành công nghiệp giấy giải thích. Hiện tại, chính phủ Anh cho biết ưu tiên đang là đảm bảo "nguồn cung năng lượng được duy trì".

Theo Financial Times, tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã hứa sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình, nhưng chưa đưa ra một kế hoạch chi tiết. Phòng Thương mại Anh tuần trước gợi ý một kế hoạch bao gồm một khoản hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ thuế VAT 5% cũng như đảo ngược quyết định tăng phí bảo hiểm. 

Minh Quang