|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Anh đang quá tham vọng khi 'đặt cược' vào năng lượng hạt nhân?

06:46 | 05/09/2022
Chia sẻ
Sau khi đặt mục tiêu tăng gấp 3 công suất điện hạt nhân, Vương quốc Anh đã có bước đi mới nhất là cam kết tài trợ cho cơ sở điện hạt nhân Sizewell C. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến đặt câu hỏi về khả năng chính phủ có thể "bật đèn xanh" đủ số lượng dự án từ nay đến năm 2030 để đạt được mục tiêu trên hay không.

Tập đoàn điện lực Pháp EDF đã phải mất khoảng 10 năm để đạt được mục tiêu này, đó là lý do vì sao việc chính phủ "đặt cược" vào năng lượng hạt nhân để giúp nước Anh ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga và giảm lượng khí thải được coi là một kế hoạch không thực sự khả thi. Và những thách thức đối với kế hoạch này có thể gia tăng đối với người kế nhiệm Thủ tướng Boris Johnson.

Chính phủ Anh muốn đưa vào họat động tám lò phản ứng hạt nhân mới trong thập kỷ này, điều đó có nghĩa là mỗi lò phản ứng cần được phê duyệt trong vòng một năm. Châu Âu chưa từng chứng kiến tốc độ xây dựng với quy mô như vậy kể từ khi Pháp làm được vào những năm 1970. Đây cũng là lý do khiến các chuyên gia kêu gọi giới chức Anh tìm những lựa chọn thay thế để đạt được khả năng độc lập về năng lượng và đưa ra các chính sách để cắt giảm khí thải.

Asgeir Heimisson, chuyên gia tại công ty nghiên cứu Aurora Energy Research, cho biết Chính phủ Anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cứ khoảng ba năm sẽ có một dự án cần triển khai kể từ năm 2022, đòi hỏi tổng chi phí đầu tư khoảng 180 tỷ bảng Anh (207,2 tỷ USD).

Đó sẽ là một thách thức lớn đối với tân Thủ tướng Anh, người sẽ tiếp quản đất nước trong bối cảnh nền kinh tế lâm vào suy thoái do giá năng lượng cao kỷ lục và tỷ lệ lạm phát có thể đạt 14% trong mùa Đông năm nay.

Đến năm 2050, các lò phản ứng hạt nhân mới với công suất 24 GW được cho là sẽ cung cấp nguồn cung dự phòng ổn định cho năng lượng gió ngoài khơi - công nghệ năng lượng tái tạo tiên tiến nhất ở Anh.

Nếu các dự án không được phê duyệt từ nay đến năm 2030 và các nhà cơ sở hạt nhân không được xây dựng vào những năm 2040, các nhà máy khí đốt mới có thể phải lấp đầy khoảng trống năng lượng. Những nhà máy điện khí được xây dựng tương đối nhanh và có thể ngừng hoạt động tùy thuộc vào nguồn cung cấp điện gió. Tuy nhiên, Ủy ban về biến đổi khí hậu đã khuyến cáo chính phủ rằng các cơ sở sản xuất điện cần phải "sạch" kể từ năm 2035 trở đi, tức là sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải.

Lập trường của chính phủ đối với việc loại bỏ dần nguồn cung dầu và khí đốt đã giảm bớt trong những tháng gần đây. Mỏ khí đốt tự nhiên Jackdaw ở Biển Bắc đã được "bật đèn xanh" vào tháng 6/2022, tám tháng sau khi giới chức ngừng dự án do lo ngại về vấn đề môi trường. Hơn nữa, để giúp bù đắp 25% thuế thu nhập đánh vào lợi nhuận từ dầu và khí đốt, các công ty năng lượng có thể đầu tư mới vào khai thác. Bên cạnh đó, có khả năng than đá cũng có thể là nhiên liệu được sử dụng tạm thời như một cách "cứu trợ" cho người tiêu dùng.

Mặt khác, dự án Sizewell vẫn cần sự hậu thuẫn đáng kể từ các nhà đầu tư tư nhân trước khi chính phủ đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng. Đây là dự án tiếp theo sau Hinkley Point C - nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Vương quốc Anh trong ba thập kỷ. Tiến độ xây dựng Hinkley đang tốn nhiều chi phí và thời gian lâu hơn so với kế hoạch, làm dấy lên lo ngại về việc liệu chính phủ có đúng khi phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng hạt nhân hay không.

Tài chính là trở ngại lớn nhất đối với các cơ sở hạt nhân mới, với mức chi phí cho Sizewell là 20 tỷ bảng Anh (23 tỷ USD) vào đầu năm nay, nhưng chi phí vật liệu đã tăng cao kể từ thời điểm đó. Một cơ chế mới được cho là sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia và giảm thiểu rủi ro xây dựng vốn do ngân sách chính phủ gánh vác.

Khoản đầu tư 700 triệu bảng của chính phủ dự kiến sẽ chiếm 20% vốn đầu tư của dự án, EDF tham gia thêm 20% nữa. Greencoat Capital LLC, một trong những nhà quản lý quỹ năng lượng tái tạo lớn nhất của Vương quốc Anh, đang xem xét đầu tư vào dự án này. 

Mai Ly (Theo Bloomberg)