|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Novaland trong tay 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế

15:03 | 15/05/2018
Chia sẻ
Tập đoàn Novaland (Mã: NVL) vừa huy động thành công 160 triệu USD từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế.
novaland trong tay 160 trieu usd trai phieu chuyen doi quoc te Novaland góp thêm gần 1.059 tỷ đồng vào công ty của em trai Chủ tịch
novaland trong tay 160 trieu usd trai phieu chuyen doi quoc te 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của Novaland chính thức niêm yết trên Sở GDCK Singapore
novaland trong tay 160 trieu usd trai phieu chuyen doi quoc te
Ảnh: Quý Hòa

Trái phiếu này được phát hành bằng USD, đáo hạn vào năm 2023, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông. Trái phiếu phát hành theo mệnh giá, lãi suất 5,5%/ năm, được thanh toán 6 tháng/lần và có lợi tức đáo hạn 6,25%/năm.

Nhiều nhà đầu tư tại châu Á và châu Âu đã rất quan tâm đến đợt phát hành trái phiếu của Novaland. Đáng chú ý, ngày 30.4.2018, số trái phiếu này đã được chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX).

Global Capital đánh giá, sau 6 năm, Việt Nam mới lại có giao dịch trái phiếu chuyển đổi niêm yết trên sàn quốc tế. Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, năm 2011), VietinBank (CTG), Vingroup (VIC, giữa năm 2012) cũng từng phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế. Các trái phiếu này đều có kỳ hạn 5 năm. Tuy nhiên, sau chưa đầy 1 năm lên sàn ngoại, trái phiếu chuyển đổi của HAGL đã hủy niêm yết (tháng 8.2012). Còn Vingroup thì chuyển đổi trước hạn toàn bộ số trái phiếu quốc tế thành cổ phiếu (tháng 3.2016).

Thu hút vốn từ thị trường thế giới là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp và ngân hàng tại Việt Nam trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước bị thu hẹp. Chính phủ có chủ trương tạm dừng phê duyệt cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công năm 2017. Đồng thời, chi phí huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài dự kiến tăng cao. Tuy nhiên, để có thể phát hành trái phiếu quốc tế doanh nghiệp không những phải tuân thủ cả quy định trong nước mà còn những điều kiện phát hành tương đối khắt khe của quốc tế.

Những đợt phát hành trái phiếu quốc tế của các công ty Việt Nam kể trên đều do Credit Suisse (Singapore) giữ vai trò tư vấn và thu xếp chính. Đợt huy động vốn của Novaland cũng không ngoại lệ. Nhưng Novaland có sự khác biệt khi cùng thời điểm, Công ty còn gọi vốn thành công 150 triệu USD từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Tính ra, tổng vốn mà Novaland huy động trên thị trường vốn khu vực đã lên 310 triệu USD. Novaland đã có những nỗ lực thể hiện mình, để thuyết phục được giới đầu tư nước ngoài bỏ tiền, thông qua phát hành kết hợp cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi quốc tế. Diễn biến này tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình gọi vốn.

Thực tế, Novaland là một trong hai nhà đầu tư phát triển bất động sản lớn nhất tại TP.HCM và có vốn hóa thị trường khoảng 2 tỉ USD. Theo báo cáo thường niên năm 2017, Công ty chiếm 24% thị phần căn hộ trung cao cấp tại TP.HCM, với 10.000 sản phẩm đang đi vào vận hành. Về kinh doanh, giai đoạn 2014-2017, Novaland đạt tăng trưởng trung bình về doanh thu thuần là 61%, về lợi nhuận sau thuế là 178%. Tính riêng năm 2017, con số tăng trưởng lợi nhuận là 24%.

Sang năm 2018, Novaland theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ngoạn mục. Tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, cổ đông Novaland đã nhất trí kế hoạch kinh doanh năm 2018, với doanh thu xấp xỉ 1 tỉ USD, tăng trưởng 87% so với cùng kỳ năm trước. Còn lợi nhuận sau thuế của Novaland cũng ước đạt 3.200 tỉ đồng, tăng 55%. Ngoài ra, theo ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Novaland, Công ty cũng sẽ chú trọng mở rộng quỹ đất, nhất là quỹ đất cho bất động sản nghỉ dưỡng. Để hoàn thành các mục tiêu trên, Novaland ước bàn giao 11 dự án với 6.500 sản phẩm.

Nhưng muốn đảm bảo kế hoạch, Novaland cần nguồn vốn đầu tư phát triển. Vì thế, Công ty cho biết sẽ sử dụng nguồn tiền vừa huy động được cho các mục đích: tăng quỹ đất ở các vị trí đắc địa, phát triển thêm nhiều dự án bất động sản và tăng cường nguồn vốn lưu động, phục vụ các hoạt động chung.

Theo báo cáo thường niên của Novaland, đến cuối năm 2017, Công ty sở hữu 7,1 triệu m2 đất. Trong đó, quỹ đất tại TP.HCM hiện chiếm tới 87% và phần lớn nằm ở khu Đông (quận 2, quận 9). Đây là khu vực Chính phủ có chủ trương tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị. Vì thế, Novaland sẽ tập trung phát triển vào đây.

Ngoài ra, Novaland còn nhìn thấy triển vọng từ phân khúc nhà ở trung cao cấp mà mình đang theo đuổi. Theo báo cáo từ CBRE, năm qua, các sản phẩm thuộc phân khúc trung cấp chiếm 64% nguồn cung mới, tăng 14 điểm phần trăm so với năm 2016. Giá chào bán ở phân khúc này cũng tăng mạnh nhất, 5% trong khi mức tăng bình quân chỉ đạt 3%. Giai đoạn 2018-2020, CBRE dự báo, số lượng và giá bán căn hộ phân khúc trung cấp được kỳ vọng tăng nhẹ.

novaland trong tay 160 trieu usd trai phieu chuyen doi quoc te

Vì những lý do này, Novaland cho biết sẽ dành 80% nguồn lực đầu tư vào bất động sản nhà ở tại các khu đô thị lớn TP.HCM. 20% nguồn lực còn lại, Novaland mở rộng có chọn lọc vào bất động sản nghỉ dưỡng ở các tỉnh thành có lợi thế du lịch, dọc ven biển hoặc tại các đặc khu kinh tế như Đà Nẵng - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Đà Lạt, Bình Thuận - Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu - Côn Đảo, Phú Quốc, Cần Thơ… Trước mắt, dự án Nova Phù Sa - Azerai Resort tại Cần Thơ mà Novaland bắt tay với Tập đoàn BCG để triển khai năm 2017 đã đánh dấu bước đặt chân của Novaland vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.

Trong tương lai, theo tiết lộ từ Novaland, Công ty cũng sẽ đầu tư mở rộng phát triển bất động sản theo hướng chú trọng M&A với những đơn vị có dự án ở vị trí đắc địa và pháp lý hoàn chỉnh. Thực tế, trong 3 năm qua, nhờ liên tục thâu tóm, Novaland đã không ngừng mở rộng quỹ đất. Nếu như năm 2013, người ta chỉ thấy Novaland có vỏn vẹn vài dự án thì giờ đây có trong tay hơn 40 dự án. Các dự án này đang do 40 công ty con và 3 công ty liên kết của Novaland đầu tư, quản lý.

Trong đó, có những đơn vị Novaland mới hoàn tất thâu tóm vào năm ngoái. Có thể kể ra các thương vụ đình đám như Novaland thâu tóm dự án Palm Marina từ Saigontourist. Novaland cũng thâu tóm nhiều công ty có quỹ đất lớn như Bách Hợp, Cảng Phú Định, Sài Gòn Gôn, Gia Đức, Gia Phú, Nova Riverside, Thành Nhơn... Tính chung, Novaland đã chi hơn 9.500 tỉ đồng cho M&A năm 2017.

Với chiến lược M&A, quy mô tổng tài sản của Novaland đã đạt hơn 49.000 tỉ đồng, tức tăng thêm gần 12.700 tỉ đồng. Quy mô này sẽ còn phình to một khi Novaland đẩy mạnh mở rộng. Về phía nhà đầu tư, khi nhìn vào chiến lược cũng như tiềm lực Công ty, với những dự án vị trí đẹp thì càng có động lực rót vốn cho Novaland. Đó là lý do, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá, Novaland sẽ gặp thuận lợi trong vấn đề huy động vốn.

Nhưng ACBS cho rằng, có 2 yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm khi xem xét cổ phiếu NVL là tỉ lệ nợ và xu hướng nghiêng dần về phân khúc vừa túi tiền của khách hàng của Novaland. Còn Công ty Chứng khoán MB (MBS) lưu ý đến khía cạnh cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh Novaland thì thị trường còn ghi nhận sự lớn mạnh của các đối thủ như Vingroup, Phú Mỹ Hưng, Him Lam, Tiến Phước, Phát Đạt, Tập đoàn SSG và cả những thương hiệu nước ngoài như CapitaLand, Keppel Land... Dù vậy, xét trên bình diện chung, cả MBS và ACBS đều có cái nhìn tích cực đối với cổ phiếu NVL

Viết Nguyên